Điện thoại Bphone là hiện tượng của làng công nghệ Việt nửa đầu năm 2015. Ngay từ lúc còn ý tưởng, hình ảnh sản phẩm bị rò rỉ cho đến ngày ra mắt, chiếc smartphone BKAV đã gây ra nhiều tranh cãi: được ủng hộ nhiều nhưng cũng phải hứng chịu không ít "gạch đá" từ dư luận.
|
Ảnh minh họa.
|
Trong buổi ra mắt, Bphone đã thể hiện khá ấn tượng với thiết kế phẳng, khung kim loại, màn hình tốt, cấu hình cao và một hệ điều hành được tùy biến kỳ công. Thế nhưng, cho đến nay, Bphone có vẻ như vẫn chưa thể trở thành "siêu phẩm" trên thị trường smartphone nhue BKAV đã kì vọng. Vậy những lý do nào khiến Bphone khó thành công?
Chiến lược marketing không hiệu quả
Bphone được BKAV sử dụng những từ ngữ có cánh như: Thật tuyệt vời, thật không thể tin nổi, Sản phẩm hàng đầu thế giới, Vẻ đẹp thách thức thời gian, Màn hình chất lượng hiển thị hàng đầu thế giới, Smartphone bảo mật hàng đầu thế giới, ...
Hãng tự xây dựng cho chiếc smartphone đầu tiên của mình bằng những ngôn từ cao cấp. Ông Nguyễn Thanh Thắng, Phó chủ tịch Bkav cho biết: “BPhone là một trong những smartphone đẹp nhất thế giới và đã được Bkav đăng ký bản quyền cũng như không ‘nhái’ bất cứ sản phẩm nào”. Phát ngôn đó đã tạo nên tranh cãi, nhiều bình luận trong nước cho rằng BKAV đang "làm quá" sản phẩm của mình.
Bphone tự cho mình sánh ngang với các sản phẩm hàng đầu thế giới. Trước ngày ra mắt, một video lan truyền của Bkav với hình ảnh người đàn ông cầm chiếc Bphone trên tay, mời nhiều người trải nghiệm chất lượng âm thanh và so sánh với iPhone 6 Plus, Xperia Z3. Những người này đều cho rằng, điện thoại của Bkav cho chất âm ấn tượng hơn. Với chiến lược này BKAV không chỉ tự tạo ra áp lực với đứa con đầu tay của mình, mà nguy hiểm hơn họ còn ít nhiều tạo ra cảm giác phản cảm đối với khách hàng. Thậm chí, rất nhiều người đã không ngại ngần gọi BKAV và Chủ tịch đơn vị này: ông Nguyễn Tử Quảng là..."nổ".
Giá thành quá cao
Bphone có ba phiên bản có giá thành từ 11 triệu đồng - 22 triệu đồng. Từ ngày ra mắt, Bphone được định vị ở phân khúc cao cấp, điều này khiến sản phẩm khó tiếp cận với nhiều khách hàng. Thị trường smartphone Việt Nam đang dần trở nên bão hòa với những tên tuổi lớn như Apple, Samsung, Sony,... hay những tên tuổi đang lên như ASUS. Phải chăng tự BKAV đang làm khó mình khi để sản phẩm có giá quá cao.
Không được như kỳ vọng của công chúng
Với những mỹ từ dùng để nói về sản phẩm, Bphone đã khiến người dùng cảm thấy đây là một thiết bị đáng "đồng tiền bát gạo". Tuy nhiên, BKAV gặp khá nhiều khó khăn khi liên tục trễ thời gian giao hàng của sản phẩm, chất lượng hoàn thiện của Bphone khác nhau ở từng thời điểm giao hàng, việc sử dụng ảnh trên mạng để giới thiệu tính năng chụp ảnh của Bphone,...
Trước thông tin này, đại diện hãng cho biết "đó là ảnh lấy trên mạng để demo tính năng, không phải chụp từ Bphone".
Hay hãng tự tin Bphone là chiếc điện thoại bảo mật hàng đầu thế giới nhưng ngay sau đó, câu nói này trở thành trò đùa của giới công nghệ khi thiết bị bị bẻ khóa chính từ Việt Nam.
Chưa được trang bị công nghệ 4G
Trong bối cảnh các nhà mạng Việt Nam đều rục rịch triển khai công nghệ 4G LTE thì việc Bphone dù được giới thiệu là một chiếc smartphone hàng đầu và có giá thành không hề rẻ lại không được trang bị công nghệ này cũng là một rào cản lớn ngăn cản Bphone thành công. Ai cũng thấy khi công nghệ 3G ra đời đã tạo ra một cơn sóng cuốn trôi toàn bộ các sản phẩm chỉ có thể sử dụng công nghệ GPRS (2G) vào dĩ vãng.Vì vậy, điều tương tự hoàn toàn lặp lại khi mạng 4G chính thức được áp dụng ở Việt Nam.
Việc Bphone không sử dụng công nghệ 4G cũng là điều dễ hiểu. Bởi BKAV tiết lộ họ đã mất nhiều năm để phát triển sản phẩm này, và có lẽ ở thời điểm đó những nhà phát triển không thể lường trước được việc công nghệ 4G lại "gõ cửa" thị trường Việt Nam sớm như vậy. Rất có thể, Bphone sẽ cần một bản nâng cấp có thể sử dụng mạng 4G LTE, nếu muốn trụ lại thị trường. Nhất là khi hầu hết các sản phẩm cùng phân khúc với Bphone đều sử dụng mạng 4G ngon lành.
Sức ép từ các sản phẩm khác
Theo số liệu từ Strategy Analytics, hơn một nửa lượng smartphone bán ra tại Việt Nam trong quý I/2015 vừa qua đến từ Apple và Samsung. Trong khi đó, Bkav vẫn còn vô danh và mờ nhạt. Thách thức của họ là thuyết phục người dân trong nước từ bỏ nhãn hiệu yêu thích của họ để đến với một chiếc điện thoại “made in Vietnam”. Nhưng nếu bạn bỏ ra số tiền hàng trăm USD, tại sao không tìm đến những thương hiệu hào nhoáng?
Mới đây, một báo cáo doanh số smartphone trong quý II/2015 của IDC đã được phát hành, Bphone không nằm trong top những sản phẩm có sức tiêu thụ lớn. Khác với những gì mà Nguyễn Tử Quảng nói về số liệu bán hàng cũng như doanh số của Bphone.
Cùng với đó, thị trường smartphone là một trận chiến khốc liệt, các sản phẩm mới ra mắt liên tục với thiết kế cùng tính năng mới khiến Bphone dần bị lãng quên.
Theo VnTinnhanh