Thiết bị lọc nước bằng gốm: Lọc xong nước vẫn đen!

Google News

Trong nhiều trường hợp, hệ thống "lọc nước tại gia" hầu nhưng không có tác dụng...

- Thiết bị lọc nước bằng gốm được xem là vật dụng quen thuộc, dễ sử dụng đối với nhiều người dân. Tuy nhiên, qua khảo sát của phóng viên cho thấy, các gia đình sử dụng bình lọc có lõi lọc hầu hết đều bị bẩn.

Rửa lõi và khay lọc hằng tuần

Cuộc khảo sát nhỏ của phóng viên thực hiện đối với 10 gia đình sử dụng thiết bị lọc nước bằng lõi gốm từ 3 năm trở lên. Đặc điểm chung của các gia đình này là đều sử dụng nguồn nước máy sau đó đun sôi, để nguội và đưa vào bình lọc.

Kết quả cho thấy, có 7/10 gia đình sử dụng bình lọc có lõi lọc đang sử dụng bị bẩn, lõi gốm có bám vảy đen do đóng cặn sau khi lọc. Bẩn hơn, nước lọc có màu vàng với lớp váng cặn. Tại các vùng nước có độ cứng cao trong khay chứa nước và lõi lọc quan sát thấy nhiều cặn cứng.

6/10 gia đình cho biết, họ có rửa lõi lọc khi thấy lõi lọc bẩn. Gọi là rửa nhưng chủ yếu là tráng qua để cặn bẩn bong tróc. Số lần rửa dao động từ 2 - 3 lần trước khi quyết định thay. Và hầu hết đều thay lõi với thời gian sử dụng từ 6 tháng trở lên.

Riêng với gia đình ông Trần Văn Mâu (Vinh, Nghệ An) dù là nước máy nhưng vì nấu bằng bếp củi nên sau khi lọc nước vẫn có màu đen của tro bếp. Lõi gốm lúc đầu có màu trắng sáng thì nay đã chuyển sang màu vàng xỉn với một lớp màng dày bao quanh. Phóng viên thử đưa tay quẹt qua lớp màng bẩn thì để lại một đường hằn rõ. Đặc biệt, lớp màng khi đưa tay lên xát có độ nhớt. Tương tự khay chứa nước để lọc cũng có một màu vàng đen do cặn bẩn.

"Gia đình tôi sử dụng bình lọc nước này đã 4 năm nhưng đây là chuyện bình thường, nước uống vẫn... ngọt. Nhưng cũng may nhờ bình lọc chúng tôi mới biết nước bẩn đến mức nào", ông Mâu bày tỏ.

Khi chúng tôi hỏi: "Gia đình đã thay lõi lọc như thế nào", ông Mâu thành thật: "Lõi lọc này tôi thay cách đây... 8 tháng". Còn tại nhà mình ở Hoàng Mai, Hà Nội, ông Nguyễn Văn Kho đã chỉ cho chúng tôi bình lọc nước với váng đóng cặn cứng. "Nước ở khu vực này có nhiều cặn vôi nên hằng tuần tôi phải rửa lõi và khay lọc một lần", ông Kho cho biết.

Bình lọc nước nhà ông Mâu đóng váng xỉn.
Bình lọc nước nhà ông Mâu đóng váng xỉn.

Máy lọc nước thành ổ vi khuẩn

Mang những kết quả khảo sát trên đến Viện Hóa học, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam, KS Phạm Văn Lâm cho hay: Thiết bị lọc nước dùng lõi lọc gốm thông thường như các gia đình nêu trên chỉ có tác dụng lọc các cặn lơ lửng, chứ không có khả năng tách được các chất hòa tan trong nước. Nếu nước đầu vào không đạt các tiêu chí an toàn về độ pH, kim loại nặng, amonia, vi khuẩn... thì hệ thống lọc này hầu như không có tác dụng mặc dù nhiều thiết bị có cho thêm than hoạt tính và chất khoáng hóa.

Nếu nguồn nước đầu vào còn chứa sắt, mangan với hàm lượng cao thì lọc lõi lọc dễ bị bám cặn màu nâu đen. Nếu nguồn nước có độ cứng cao bộ lọc rất dễ bị tắc vì hình thành cặn CaCO3 bám chắc trên bề mặt lọc.

ThS Trần Quốc Tuấn, Trung tâm Kỹ thuật môi trường và An toàn hóa chất phân tích thêm, khi nước để lâu vi khuẩn, nấm, tảo có thể phát triển trong khay lọc. Các vật liệu như than hoạt tính, chất khoáng hóa khi hết tác dụng và các lỗ xốp của nấm lọc gốm khi để lâu không vệ sinh sẽ trở thành nơi trú ngụ, phát triển của các vi sinh vật. Vì thế, vô hình trung máy lọc nước lại thành ổ vi khuẩn.

Các chuyên gia khuyên người dân khi sử dụng bộ lọc cần kiểm tra độ kín khi lắp nấm lọc. Khi nước đầu vào có độ cứng cao bộ lọc dễ bị tắc cần tháo nấm lọc và ngâm trong axit chanh để hòa tan CaCO3. Trong khoảng một tháng cần vệ sinh khử trùng bộ lọc ít nhất một lần bằng cách tháo nấm lọc và vật liệu ra vệ sinh cơ học sau đó ngâm trong nước đun sôi khoảng 10 phút. Vỏ và khay chứa nước sạch có thể được rửa bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa có khả năng khử trùng.

Nhận định cho rằng nước sau khi lọc còn màu đen là do đun nước bằng bếp than là sai vì rằng kể cả khi đun bằng bếp than tro than có thể bay vào nước nhưng khi lọc tất cả các cặn này đều được loại bỏ, vì thế cần xem xét lại nguồn nước.
KS Phạm Văn Lâm
Thu Hiền
[links()]