Trồng rau bằng “đất sạch” tại nhà ở các khu dân cư trong thành phố mang lại sự yên tâm cho người tiêu dùng.
Loạn "đất sạch cao cấp"
Thị trường TPHCM nở rộ các đại lý kinh doanh "đất sạch cao cấp", cung cấp cho các hộ gia đình tự trồng rau tại nhà, trồng cây cảnh. Tại đường Trường Chinh (quận Tân Bình, TPHCM), những vựa cảnh san sát, bày bán nhiều loại được cho là "đất sạch", "đất hữu cơ" gồm: Sức sống mới, better, lavamix, HG...
Loại bao 20dm3 giá 22.000 - 25.000đ/bao, loại 50dm3 giá 40.000 - 45.000đ/bao. Loại nào cũng giới thiệu giàu chất dinh dưỡng, được xử lý triệt để vi sinh vật gây hại, phù hợp trồng các loại cây kiểng, rau sạch, giá thể rau mầm... Có loại còn giới thiệu "dùng đất hữu cơ trồng cây thì không cần bón bất kỳ loại phân nào khác".
Đặc biệt, trên bao bì nhiều loại "đất sạch" không thấy in ngày sản xuất và hạn sử dụng! Chủ đại lý cây cảnh B.T. trên đường Trường Chinh cho rằng: "Đất thì trồng cây gì, trồng lúc nào mà chẳng được, đâu phải là phân mà sợ!".
|
Sản phẩm "đất sạch cao cấp" được bày bán tại nhiều vựa cây cảnh tại TPHCM. |
Mập mờ khái niệm "đất sạch"
TS Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ cho biết, từ "đất sạch" trên thị trường tên đúng là "giá thể cây trồng". Loại giá thể cây trồng được xếp vào một trong những loại phân bón, chịu sự quản lý của Bộ NN&PTNT.
Hiện chưa có quy chuẩn về giá thể cây trồng. Tuy nhiên, nó có quy định khung, khi đã nói đến giá thể cây trồng là một loại phân bón thì phải khống chế hàm lượng kim loại nặng không được quá giới hạn cho phép, không có nguồn vi sinh vật gây bệnh như salmonella, coliform, E.coli... Thành phần nguyên liệu chính thì tùy từng cơ sở sản xuất đưa dùng những phụ phẩm nông nghiệp như xơ dừa, tro trấu, vỏ củ lạc, vỏ cà phê. Cơ sở sản xuất phải công bố chất lượng đã được chứng nhận hợp quy, nhãn mác hàng hóa phải phù hợp về nhãn hàng hóa.
Các chuyên gia về đất, phân bón cũng cho rằng, sản phẩm được cho là "đất hữu cơ giàu dinh dưỡng" thực chất là giá thể cây trồng, là một loại hữu cơ truyền thống, phải đăng ký là một loại phân hữu cơ, nếu không đóng bao bì thì là loại phân hữu cơ tự sản xuất, được đem cho, tặng. Nhưng khi đã lưu thông trên thị trường, đóng bao bì nhãn mác, bán ở các đại lý thì phải có tem hợp quy và nhãn mác hàng hóa. Hàng hóa lưu thông trên thị trường thì bắt buộc phải ghi thông tin ngày sản xuất, hạn sử dụng trên bao bì. Việc các cơ sở sản xuất tự đặt tên cho sản phẩm là sai nguyên tắc, một cách né tránh quy định của phân bón.
Theo TS Nguyễn Hữu Tuyến, đa số giới thiệu trên bao bì sản phẩm đều khẳng định sản phẩm đã phối trộn thêm thành phần phân bón như lân, kali... Bởi nếu xay từ phụ phẩm nông nghiệp, tùy thuộc từng loại nguyên liệu hàm lượng dinh dưỡng trong nó nhiều hay ít. Ví dụ, vỏ cà phê thì hàm lượng dinh dưỡng lại không đáng kể, khi sản xuất loại giá thể này chắc chắn phải phối trộn thêm phân NPK mới cung cấp đủ chất cho cây trồng. Do đó, không thể nói là "đất sạch". Mặt khác, nguyên liệu chính là phụ phẩm nông nghiệp, đều lấy tạp từ tự nhiên, qua công đoạn sơ chế thông thường như xay tươi hoặc ủ sơ, đem xay nhuyễn rồi phối trộn phân NPK, không qua tiệt trùng xử lý các vi sinh vật có hại thì không thể gọi là "đất sạch".
Các hộ gia đình tin tưởng nguồn sản phẩm được cho là "đất sạch cao cấp" để trồng rau, củ, nhất là với những loại rau ăn sống, nguyên liệu sản xuất trồng giá thể không đảm bảo thì rau nhiễm vi sinh là điều chắc chắn. Nếu xảy ra bệnh như ngộ độc thức ăn, tả lị, sán... có khi bùng phát thành dịch, mà không thể biết nguyên nhân.
Các nhà khoa học cùng thống nhất đặt vấn đề: Đất sạch cao cấp hay đất hữu cơ cao cấp là loại sản phẩm bày bán từ nhiều năm nay trên thị trường, sản phẩm có đóng bao bì nhãn mác, vậy nó thuộc loại hàng hóa gì? Cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý mặt hàng này? Đã đến lúc cơ quan chức năng phải vào cuộc làm rõ, để đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, sức khoẻ của người tiêu dùng.
Được biết, qua kiểm tra hệ thống đại lý phân bón thì phần lớn chưa đáp ứng 6 tiêu chí của đại lý kinh doanh. 30 - 40% đại lý mắc lỗi nặng, chỉ khoảng 50 - 60% đạt trung bình, còn đại lý đạt chuẩn chỉ chiếm 5 - 10% kinh doanh các loại phân bón.
TS Nguyễn Hữu Tuyến
Hương Nguyên