Tránh hiểu sai khi đi tất vào mùa đông

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều độc giả gửi thư về tòa soạn bày tỏ thắc mắc như vào ngày đông lạnh giá, một ngày nên đi tất bao nhiêu tiếng, có nên đi tất khi ngủ?...

Ngứa, thâm chân... do đi tất suốt ngày
Vào mùa đông, do nhiệt độ xuống thấp nên chân tay luôn bị lạnh cóng khiến nhiều người phải đi tất liên tục cả ngày lẫn đêm. Tuy nhiên, so sánh việc đi tất giống với việc trùm kín chăn khi đi ngủ, nhiều người cho rằng, ngủ trùm kín chăn không tốt, vậy đi ngủ mà đi tất thì cũng không tốt vì sẽ gây hiện tượng bí chân, chân không được thở, không thoát được mồ hôi... do đó, dù ban đêm chân rất lạnh nhưng không đi tất.
Ngoài ra, vào những ngày đông nhiều người có hiện tượng bị ngứa, thâm ngón chân nên cũng cho rằng đấy là do đi tất dầy lại đi cả ngày lẫn đêm khiến các ngón chân bị bí, không thoát mồ hôi mới sinh ngứa và thâm lại. 
ThS.BS Nguyễn Thị Thảo, Phòng khám Da liễu Beauty Clinic cho rằng, chân bị ngứa trời lạnh, đặc biệt là các ngón chân lại bị thâm nhiều khả năng có thể do cơ địa dị ứng với thời tiết mà dân gian gọi là "cước" chứ không phải do đi tất nhiều hay đi tất ít. Việc các ngón chân bị thâm cho thấy đã có những tổn thương, các mao mạch bị phù nề, viêm...
Cũng loại trừ việc đi tất nhiều thời gian trong ngày gây nên những hệ lụy xấu. BS Hoàng Xuân Đại, nguyên chuyên viên Bộ Y tế cho rằng, đi tất mà bị ngứa chân không phải do đi nhiều hay đi ít mà vì các nguyên nhân khác như sử dụng tất có chất liệu không phù hợp với cơ địa nên gây kích thích (ví dụ, cơ địa dị ứng với chất dạ, len nhưng lại đi tất được làm từ những chất liệu này); do đi tất không đúng kích cỡ, mà ở đây chủ yếu là do đi tất quá chật khiến cho máu không lưu thông được; do đi tất không đủ ấm khiến cho chân bị lạnh từ đó dẫn đến bị ngứa, thâm... 
Một nguyên nhân nữa có thể là do đi tất không được vệ sinh sạch. Rất nhiều trường hợp, đặc biệt là nam giới, một đôi tất đi từ ngày sang đêm, từ ngày này sang ngày. Việc tất dính đầy bụi bặm hay mồ hôi không những không thoáng khí mà còn làm chân dễ mắc các bệnh do vi khuẩn gây ra.
 Ảnh minh họa.
Cứ lạnh là đi
Câu hỏi đặt ra là trong một ngày 24 tiếng đồng hồ, thì đi tất bao nhiêu tiếng thì đủ. Theo BS Hoàng Xuân Đại, không có giới hạn nào về thời gian đi tất trong ngày. Bàn chân giống như quả tim thứ 2 của cơ thể, vì thế việc giữ ấm chân vào mùa đông là vô cùng quan trọng. Việc đi tất không giống với việc trùm chăn kín mít. Đi tất, giống như với mặc quần áo, đó là cách giữ ấm cho cơ thể. Quan trọng là cứ thấy chân lạnh thì đi tất dù là đi ít hay đi cả ngày lẫn đêm. Tuy nhiên, tốt nhất nên thường xuyên thay thế tất sạch, ví dụ khi đi ngủ nên thay đôi tất đã đi trong cả ngày bằng đôi tất sạch...
Ngoài ra, trước khi đi ngủ nên ngâm chân vào nước nóng ấm với vài hạt muối để giúp máu lưu thông, sau đó lau khô, đi tất cho ấm chân nếu thấy lạnh. BS Nguyễn Thị Thảo cho biết, trong trường hợp các ngón chân bị thâm, tốt nhất nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được khám và chữa vì khi bị thâm là biểu hiện bị phù nề, viêm... 
Trong điều kiện chưa đi gặp bác sĩ được thì có thể thực hiện bằng cách ngâm nước ấm (dưới 35 độ) và nước lạnh để tập thể dục cho các mao mạch giãn nở và thích nghi với thời tiết. Cứ ngâm nước ấm một chút rồi lại chuyển sang ngâm nước lạnh, thực hiện ngâm nước ấm + nước lạnh khoảng 3 -  4 lần/ngày trong khoảng 10 phút. 
Vào mùa đông, vì ngại đi tất và mặc nhiều quần áo trong nhà nên nhiều người có thói quen điều chỉnh điều hòa nhiệt độ để nhiệt độ trong nhà ấm hơn hẳn so với ngoài trời. Tuy nhiên, việc để cho nhiệt độ trong nhà chênh lệch quá cao so với nhiệt độ bên ngoài là rất phản khoa học. Khi đi từ trong nhà ấm áp ra ngoài trời lạnh khiến cơ thể thay đổi đột ngột dễ gây cảm, đột quỵ...
Đức Anh