Lỡ vì thời tiết
TS Phạm Minh Tuấn, Ban Quản lý Dự án vệ tinh nhỏ, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, dự án
VnRedsat-1 được khởi công từ năm 2010. Năm 2011 thì 15 cán bộ bắt đầu sang Pháp để thực hiện các công tác học hỏi kinh nghiệm về làm vệ tinh. Đoàn 15 người bắt đầu đi từ tháng 8/2011. Đến tháng 7/2012 thì một nhóm về trước, đến tháng 12/2012 thì đội còn lại về nốt. Nhóm về trước là nhóm chuyên về vận hành hệ thống ở mặt đất. Lúc đó họ về tiếp nhận và vận hành thiết bị. Nhóm về sau là nhóm các kỹ sư về
vệ tinh. Trong thời gian đó là vệ tinh đang trong các bước thử nghiệm như test môi trường, test chân không, nhiệt, rung lắc... Phải thử các điều kiện môi trường trên vũ trụ để nếu hỏng thì sửa ngay được.
|
Bên trong phòng thí nghiệm. |
TS Phạm Minh Tuấn nhớ lại: Đến tháng 2/1013 thì ký nghiệm thu về cơ bản, hệ thống đã sẵn sàng cho việc phóng. Chiến dịch phóng bắt đầu khi tích hợp vệ tinh vào quả tên lửa. Trước đó lại phải làm một loạt các kiểm tra để đảm bảo an toàn cho tên lửa. Tháng 3/2013, có một đoàn khảo sát việc phóng. Đến hôm phóng thì có một đoàn sang dự lễ phóng. Đoàn sang trước hôm dự kiến phóng 1 ngày. Còn tôi sang trước 3 ngày để kiểm tra lại tất tần tật các kỹ thuật đã sẵn sàng hay chưa. Lúc này chỉ trông chờ thời tiết ổn định.
Dự kiến lúc đầu là phóng vào ngày 3/5 nhưng lại
báo hoãn do gió quá. Vì đó là mùa bão nên không xác định được khi nào thì trời lặng gió. Trong vòng 2 tuần tới chưa chắc đã hết bão. Cân nhắc một hồi, đoàn thống nhất đi về hết. Trên đường về, họ lại thông báo là thời tiết thuận lợi để phóng rồi. Khi đó chúng tôi chuẩn bị lên máy bay ở Paris. Lúc ấy không thể quay trở lại để chứng kiến khoảnh khắc đó nữa. Thế là máy bay vừa hạ cánh, tôi lao như bay về đến Viện xem truyền hình trực tiếp. May mà vẫn còn kịp vì máy bay hạ cánh lúc 7h thì 9h phóng.
Biết thế nào là khủng bố
Trong nhóm 15 người này thì khoảng một nửa đã có gia đình. Bài toán gia đình cũng là vấn đề căng thẳng. Đi công tác một vài tháng thì không sao, nhưng đi hàng năm trời thì cũng có những khó khăn nhất định phải vượt qua. Gia đình bạn bè, tình cảm nhớ nhà... Vì thế mà phải tổ chức các buổi sinh hoạt giao lưu để không bị quá dằn vặt bởi nỗi niềm ấy. Nói về những ngày đó có gì đáng nhớ, TS Phạm Minh Tuấn cho biết: “Nhiều thứ để nhớ lắm: Nhớ nhà này. Rồi có những đêm thức trắng để làm việc. Sống trong một môi trường mà văn hóa khác, môi trường khác.
Korou là vùng phía Nam của Pháp, gần một dãy núi rất đẹp. Mùa đông có thể đi trượt tuyết. Korou tuy là thành phố yên bình nhưng trong thời gian chúng tôi ở đó thì xảy ra một cuộc khủng bố. Họ cầm súng bắn một vài người bị chết, bị thương. Tên khủng bố cố thủ trong tòa nhà và bị cảnh sát tiêu diệt. Sự việc xảy ra gần chỗ chúng tôi làm việc. Nhưng nghe khủng bố diễn ra ngay bên cạnh mình thì cũng thấy hồi hộp, vì chưa bao giờ nhìn thấy người ta bắn nhau ngay cạnh mình cả.
Một trải nghiệm nữa là cứ vào ngày chủ nhật, các cửa hàng, siêu thị, chợ búa đều đóng cửa. Lúc đầu sang, không biết nên phải lôi mỳ tôm ra ăn. Sau đó thì cũng quen với nếp sống ấy. Người dân vào ngày nghỉ là đi chơi hết. Khi quen rồi thì thấy mọi thứ nó cũng yên ả”.
Phòng sạch tuyệt đối
“Giả sử giờ đưa cho nhóm một số tiền và phải làm ra được một cái vệ tinh tương tự thì có làm được không?”, tôi hỏi. TS Phạm Minh Tuấn cho biết, về mặt thiết kế thì hoàn toàn làm được. Có tiền thì mua được linh kiện. Nhưng vệ tinh có những yêu cầu đặc biệt cao trong quá trình lắp ráp và bảo quản. Việc lắp các chi tiết vào với nhau thôi cũng đòi hỏi một quy trình rất chặt chẽ. Các cơ sở vật chất này nọ cũng thế. Hiện ở Việt Nam chưa có các phương tiện đó. Giả dụ như để lắp vệ tinh thì họ yêu cầu phải có một tiêu chuẩn phòng sạch là bao nhiêu, trong một mét khối không khí có bao nhiêu hạt bụi.
Phòng sạch có 2 loại tùy mức độ linh kiện vật tư thế nào. Lắp ráp thân vệ tinh thì chỉ yêu cầu mức phòng sạch là khoảng 100.000 hạt bụi/m2. Không khí bình thường chúng ta hít thở hằng ngày, dù là không khí sạch, không bị ô nhiễm gì, thì cũng có hàng triệu hạt bụi trên mỗi m2. Hạt bụi có kích thước nhỏ mà mắt thường không nhìn thấy. Riêng với phần lắp ráp ống kính quang học của vệ tinh thì yêu cầu phòng sạch ở mức độ là 1.000 hạt/m2.
|
Hình ảnh vệ tinh chụp được. |
Quy trình làm sạch trước khi vào phòng sạch cũng được thực hiện một cách nghiêm ngặt. Phải mặc các loại quần áo chống bụi, đeo khẩu trang, mặc quần áo đặc chủng, bọc kín giầy. Trước khi vào phòng sạch phải đi qua các buồng thổi bụi rồi làm đủ các thứ để đảm bảo khi bước vào phòng đó, con người không mang thêm bụi. Nhiều khi chỉ cần gió thổi vào người thì tế bào chết bay ra cũng là mấy nghìn hạt bụi rồi.
Một ví dụ đơn giản nhất là để hàn một thiết bị, phải có chứng chỉ đặc thù do một tổ chức cung cấp. Việc kéo dây từ chỗ này sang chỗ kia của vệ tinh cũng vậy. Nếu không có chứng chỉ này thì nhất định sẽ không được tham gia vào các công việc.
Hàm lượng Việt Nam trong vệ tinh VnRedsat-1 như thế nào, TS Phạm Minh Tuấn cũng bộc bạch, đây là vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam. Mục tiêu dự án là tiếp cận công nghệ và học được càng nhiều càng tốt chứ chưa đặt mục tiêu ngay sau đó sẽ tự làm được vệ tinh. Ở các vệ tinh sau này thì sẽ nâng cao hàm lượng này lên.
Nhóm đã nắm được toàn bộ quy trình thiết kế, chế tạo, lắp ráp, thử nghiệm... của một vệ tinh.
Hiện vệ tinh đã cung cấp nhiều ảnh viễn thám và tạo cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia cho công tác dự báo thời tiết.
Hà Bình