USB DAC - cách đơn giản nhất “lột xác” âm thanh máy tính

Google News

USB DAC là lựa chọn không thể thiếu nếu bạn muốn biến chiếc máy vi tính của mình thành "trái tim" của trải nghiệm âm nhạc tại gia.

USB DAC - cach don gian nhat “lot xac” am thanh may tinh

Cổng tai nghe tích hợp máy tính thường chỉ có chất lượng tương xứng với những chiếc tai nghe... dở tệ của Beats.

Khi nhắc đến khái niệm âm thanh trên máy vi tính, nhiều người có lẽ sẽ chỉ đặt ra một câu hỏi duy nhất: "Cổng tai nghe cho tiếng có đủ to không?". Chất lượng của từng dải âm, âm trường, mức độ chi tiết… đều là các khái niệm xa lạ, không mấy ai quan tâm khi nói về âm thanh từ chiếc máy vi tính.

Ấy vậy mà ngay cả khi phó mặc trải nghiệm âm thanh cho những chip âm thanh tích hợp giá thấp đến từ Realtek, chúng ta vẫn lớn tiếng chê bai các định dạng nén như mp3 hoặc chất lượng của các trang stream nhạc trực tuyến. Cổng phát là một phần quan trọng của chuỗi hệ thống âm thanh: một khi bạn bỏ qua yếu tố này, ngay cả các định dạng chất lượng cao như FLAC hay DSD cũng sẽ trở nên vô nghĩa.

Và điều gì xảy ra khi cổng 3.5 trên thân laptop hoặc phía trước thùng máy để bàn không đủ âm lượng để bạn có thể nghe nhạc thoải mái trên tai nghe? Bạn sẽ mua một bộ tăng âm (amp) để gắn vào laptop? Khoan nói tới các vấn đề kỹ thuật do việc tăng âm kép (do mainboard đã có sẵn chip tăng âm), thế giới tai nghe luôn có một nguyên tắc bất di bất dịch: "đầu vào là rác rưởi, đầu ra cũng là rác rưởi". Khi hình dung về một loại thiết bị đặc trưng của thế giới tai nghe cao cấp, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới bộ tăng âm ("Tai nghe mà cũng cần tăng âm riêng cơ á?"), nhưng chỉ riêng một bộ tăng âm là không đủ để hoàn thiện tiềm năng của các thiết bị cuối như tai nghe và loa.

Tóm lại, bạn cần một giải pháp để thay thế cho đầu phát Realtek có chất lượng dở tệ trên máy tính của mình. Hãy tìm hiểu về những chiếc USB DAC.

USB DAC - cach don gian nhat “lot xac” am thanh may tinh-Hinh-2

USB DAC (phải): cổng vào là USB, cổng ra là 3.5mm hoặc RCA.

USB DAC là gì? Phần "DAC" trong tên gọi này là viết tắt của "Digital to Analog Converter", tức là bộ giải mã tín hiệu số thành tín hiệu analog. File nhạc mp3, FLAC, DSD đều là các thông tin số, trong khi bộ tăng âm, loa và tai nghe chỉ có thể "hiểu" được tín hiệu analog. Các bộ DAC là cầu nối giữa 2 loại tín hiệu này. USB DAC hiện đang là loại DAC phổ biến nhất trong cộng đồng audiophile trẻ tuổi tại Việt Nam – chúng là cầu nối giữa các file nhạc số vốn đã thay thế CD từ vài năm trước.

Trải nghiệm sử dụng thực tế USB DAC như thế nào? Đầu vào của chúng là USB nên có thể hỗ trợ tất cả các loại PC có trên thị trường, và phần nhiều cũng hỗ trợ smartphone qua USB OTG hoặc Apple Camera Connection Kit. Đầu ra của USB DAC là kết nối 3.5 hoặc RCA để kết nối với các bộ tăng âm hoặc những chiếc tai nghe trở thấp. Rất nhiều mẫu USB DAC có tích hợp luôn cả amp để tạo ra giải pháp hoàn thiện cho tai nghe trở kháng cao.

Hãy cùng điểm qua những lựa chọn DAC giá dưới 5 triệu đồng được nhiều người ưa chuộng tại Việt Nam. Được yêu thích nhất có lẽ là ODAC, chiếc DAC thiết kế "mở" do một thiên tài  ẩn dật có tên gọi nwAVguy tham gia thiết kế cùng công ty Yoyodine. Phiên bản ODAC do nhà sản xuất JDS Labs hoàn thiện có giá bán tại Việt Nam vào khoảng 3,7 triệu đồng (giá tham khảo tại Xuân Vũ Audio - tainghe.com.vn). Đặc biệt, Thái Tào, một "tay chơi" đồ tự chế tại Hà Nội cũng đã thực hiện sản xuất và lắp ráp ODAC thành công ở mức giá chỉ 1,6 triệu đồng (tham khảo fanpage Objective DIY).

USB DAC - cach don gian nhat “lot xac” am thanh may tinh-Hinh-3


Sự cạnh tranh mạnh mẽ nhất dành cho ODAC đến từ Schiit Audio, một hãng sản xuất amp và DAC từng có hiềm khích sâu sắc với nwAVguy. Câu trả lời được Schiit dành cho ODAC là chiếc Modi 2 với giá bán chỉ 2.850.000 đồng (tham khảo tainghechonloc.com). Sự cách biệt về chất âm giữa ODAC và Modi 2 không phải là quá nhiều, dù những đôi tai khó tính nhất sẽ khẳng định Modi 2 tối hơn ODAC một chút.

Nhưng ODAC là một giải pháp DAC thuần túy: điện năng đầu ra của chúng có lẽ sẽ chỉ "kéo" được những chiếc tai nghe in-ear có điện trở vào khoảng 16 ohm. Modi 2 thậm chí còn không có cổng 3.5mm mà chỉ được trang bị 2 cổng RCA để kết nối với âm li. Nếu muốn sở hữu một trải nghiệm amp/DAC đầy đủ cho tai nghe, bạn có thể tìm tới iBasso Dzero (2,6 triệu đồng) hoặc cao cấp hơn là iFi Nano DSD (4,6 triệu đồng) và xDuoo XD-05 (5 triệu đồng; giá cả 3 sản phẩm tham khảo tại tainghe.com.vn). Hoặc, nếu thích có "mùi" đèn cho dàn âm thanh, bạn có thể tìm tới Aune T1 mk2 (4 triệu đồng, tainghe.com.vn), rẻ hơn hẳn so với phần lớn các trường hợp mua DAC rời và buffer đèn. Tuy vậy, cần lưu ý rằng trong trường hợp của T1 mk2 và iBasso D-zero, độ chi tiết và tách bạch sẽ không thể bì kịp XD-05 hay ODAC.

Nhìn chung, lựa chọn DAC ở phân khúc dưới 5 triệu đồng là lựa chọn dựa trên 2 yếu tố tính năng và giá thành. Nói cách khác, sự khác biệt về chất âm thường sẽ không quá lớn. Nếu bạn chỉ quan tâm duy nhất tới chất âm trên số tiền bỏ ra, chiếc ODAC do người Việt Nam chế tác có thể coi là lựa chọn tốt với giá bán chỉ 1,6 triệu đồng nhưng lại có chất âm không hề thua kém JDS ODAC. Nếu dám mạnh dạn bỏ ra 5 triệu đồng để mua xDoo XD-05, bạn sẽ vừa sở hữu âm thanh chất lượng, vừa xuất được tín hiệu quang từ máy tính sang các bộ dàn dân dụng cao cấp, giải mã được tín hiệu quang thu từ Apple Airport hoặc đầu CD, sử dụng được với các thiết bị di động (vì có pin), lại đón đầu được tương lai với định dạng DSD/PCM.

Dĩ nhiên là thị trường USB DAC không dừng lại tại đây. Những chiếc DAC cao cấp hơn hẳn như iFi iDac2, iFi iDSD Micro (12 triệu đồng, giá tainghe.com.vn) hoặc Grace Design m9xx (chỉ phân phối qua Massdrop.com, giá về Việt Nam khoảng 14 triệu đồng) chắc chắn sẽ nâng tầm trải nghiệm âm nhạc từ máy vi tính lên một đẳng cấp… xa hẳn. Song, phân khúc DAC dưới 5 triệu đồng vẫn có ý nghĩa quan trọng của chúng: đây là mảnh ghép thường bị mọi người bỏ quên khi sử dụng chiếc PC làm "bộ não" cho trải nghiệm âm nhạc. Bất kể dàn âm thanh của bạn "xịn" tới mức nào, nối thẳng dàn vào cổng 3.5mm của Realtek cũng sẽ biến trải nghiệm âm thanh thành dở tệ. Nếu không có amp/DAC, chiếc tai nghe 5 triệu đồng, 8 triệu đồng của bạn chưa chắc đã khá khẩm hơn tai nghe "tàu".

Cuối cùng và có lẽ là quan trọng nhất với người dùng Việt Nam vốn quen "ăn chắc mặc bền": đầu tư vào DAC, kể cả DAC giá thấp, cũng là một sự đầu tư mang tính chất lâu dài. Tai nghe luôn phải hợp với amp, loa luôn phải hợp với âm li, nhưng "kén DAC" là chuyện rất ít khi xảy ra. Yêu cầu lớn nhất ở DAC là yêu cầu về độ chi tiết, tách bạch (và với nhiều người, độ cân bằng) - chỉ cần có một bộ DAC tốt, bạn có thể thoải mái suy tính về amp và tai nghe/loa. Chưa kể, ngay cả một chiếc DAC chưa đến 2 triệu đồng như ODAC DIY vẫn có thể coi là "đủ" cho những chiếc tai nghe 8 triệu đồng (đi kèm amp 5 triệu đồng) hoặc dàn âm thanh 15 triệu đồng.

Lên phân khúc tầm cao, những chiếc DAC như iDSD Micro và m9xx vẫn có thể ghép đôi với những bộ dàn có giá hàng chục triệu đồng. Chi phí DAC dù lên tới hơn 10 triệu đồng nhưng vẫn chỉ là phần nhỏ trong tổng thể trải nghiệm âm thanh.

USB DAC - cach don gian nhat “lot xac” am thanh may tinh-Hinh-4

Những chiếc DAC có giá dưới 15 triệu đồng vẫn xứng đôi với những chiếc tai nghe, những bộ âm thanh hàng chục triệu đồng.

Chính bởi các lý do này, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định rằng USB DAC là những phụ kiện PC dành cho tất cả những người yêu âm thanh, bao gồm cả những người hạn hẹp chi phí nhất. Những chiếc DAC chất lượng cao là thành phần không thể thiếu trong trải nghiệm âm thanh hoàn thiện: chúng không khiến tổng chi phí của bạn đội lên quá nhiều nhưng lại luôn có giá trị sử dụng lâu dài.

Theo VnReview