Đối với một trong những người quyền lực nhất thế giới như ông Obama, bảo mật không chỉ dừng lại ở mã vân tay hay mật khẩu. Tổng thống Mỹ phải đối mặt với vô số hacker từ vô danh đến chuyên nghiệp hay tệ hơn là các cơ quan gián điệp luôn muốn biết mọi hành tung của ông, những người ông đang liên hệ và nội dung của cuộc nói chuyện.
|
Chiếc điện thoại BlackBerry của Tổng thống Obama.
|
Ông Obama là người dùng BlackBerry ít nhất 10 năm nhưng ngay sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông phải từ bỏ nó trong một thời gian để sử dụng chiếc Sectera Edge đặc biệt do Cơ quan An ninh Mỹ (NSA) chế tạo. Tuy nhiên, Sectera Edge nhanh chóng được thay bằng chiếc BlackBerry đã được tùy chỉnh với phần mềm bảo mật đặc biệt có tên SecureVoice do NSA hợp tác phát triển.
Chiếc BlackBerry này bị “lột” mọi tính năng tích hợp sẵn mà hacker có thể khai thác. Do vậy, nó không có bất kỳ game nào, camera để selfie, WhatsApp… Trong một bài phỏng vấn năm 2015, Tổng thống Mỹ thừa nhận ông không đăng tin tweet, không nhắn tin mà chỉ dùng email. “Tôi không dùng điện thoại có máy ghi âm. Vì thế nhiều tính năng mới thú vị, do lý do bảo mật, tôi đều không có”. Bù lại, thiết bị sở hữu tính năng mã hóa hàng đầu.
Ông Obama cũng không có cơ hội “trêu chọc” ai. Chiếc BlackBerry đặc biệt chỉ gọi được cho 10 số và đều là của những người đang dùng điện thoại mã hóa tương tự. Họ bao gồm Phó Tổng thống Joe Biden, một số cố vấn cao cấp, thư ký báo chí, phu nhân Michelle Obama và vài thành viên gia đình.
Không chỉ có vậy, còn có thông tin rằng điện thoại của ông Obama chỉ kết nối được tới một trạm gốc bảo mật, được dùng để giấu đi số IMEI trên thiết bị và ngăn chặn theo dõi. Điều đó có nghĩa Văn phòng Truyền thông Nhà Trắng phải mang trạm này theo bất kỳ nơi nào Tổng thống đến. Rất có thể trên chiếc limousine và Air Force One của Tổng thống đều có trạm gốc.
Theo ICTNews