Việt Nam cần có trại cai nghiện công nghệ!

Google News

"Trại cai nghiện công nghệ" đã thực sự cần cho một xã hội mà lối sống ở đó nhanh chóng bị tác động bởi công nghệ mạnh mẽ như ở Việt Nam?

Thành phố Tokyo có trên 500.000 thanh thiếu niên bị nghiện công nghệ (sử dụng internet qua các thiết bị di động, máy tính hơn 10 tiếng/ ngày); nhiều trung tâm cai nghiện công nghệ đã ra đời tại Nhật Bản - theo một bản tin từ VTV hồi tháng 6-2015.
Viet Nam can co trai cai nghien cong nghe!
 Ảnh minh họa.
Bắc Kinh – Trung Quốc cũng có một bệnh viện cai nghiện công nghệ được xây dựng ngay trong một khu huấn luyện quân sự. Ở đây tiếp nhận những thanh thiếu niên nghiện mạng nặng, thông qua một chương trình học tập và khổ luyện để đưa họ trở về với nhịp sống của đời thực.
Tại Việt Nam, cách đây vài năm có một sinh viên ở Đà Nẵng viết ra phần mềm giúp cha mẹ quản lý việc truy cập internet của con cái, qua đó, khống chế thời gian vào mạng, ngăn chặn khả năng trẻ nghiện game và truy cập vào các trang web xấu. Phần mềm hữu ích này đã mang về cho tác giả của nó giải 3 của cuộc thi sáng tạo Khoa học Công nghệ toàn quốc 2013 dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng.
Nhưng vấn đề đặt ra là, nếu phụ huynh cũng là nạn nhân của chứng nghiện công nghệ thì sao? Theo một kết quả điều tra của tập đoàn an ninh mạng AVG Technologies vừa công bố hồi tháng trước, thì trong những gia đình hiện đại, trẻ em rất lấy làm khó chịu, có ấn tượng không tốt đối với việc bố mẹ chúng liên tục kiểm tra điện thoại thông minh. Thăm dò 6.000 trẻ em Mỹ thì quá bán cho rằng cha mẹ mình kiểm tra điện thoại quá thường xuyên và 32% đã có ý nghĩ rằng mình không quan trọng, không được cha mẹ quan tâm (dẫn lại theo Vietnamnet.vn).
Một tác phẩm biếm họa về tình trạng xã hội mù thực tại do nghiện công nghệ di động của cây cọ Liam Francis Walsh trên trang www.huffingtonpost.com.
Từ lâu, chuyện “lậm sâu” vào thế giới mạng khiến cho các tương quan gia đình, xã hội trở nên lỏng lẻo, xao nhãng đã được các chuyên gia tâm lý cảnh báo. Đây là điều không hề mới. Nhưng với một đất nước được cho là “lạc quan và cởi mở với công nghệ” (theo nhận định của Google trong một cuộc điều tra), nơi có đến 1/3 dân số dùng điện thoại thông minh và tỷ lệ sử dụng dịch vụ trực tuyến rất cao (36% người Việt dùng smartphone kết nối internet, theo số liệu của công ty TNS đưa ra năm 2014), thì bên cạnh sự hồ hởi dễ hiểu về những giá trị công nghệ mang lại, cần phải có những dịch vụ đào tạo kỹ năng giúp người dùng chủ động trong xã hội công nghệ để không bị nô lệ thực tại ảo đồng thời cảnh báo, trị liệu khi nguy cơ chứng nghiện mạng gia tăng trong cộng đồng.
Trong cộng đồng thời gian gần đây đã xuất hiện những hiện tượng được coi là hệ lụy từ lối sống ảo. Sự thiếu gắn kết yêu thương, quan tâm giữa các thành viên trong gia đình khi cha mẹ và con cái, mỗi người có một thế giới riêng trên thiết bị di động. Sự chuyển dịch không gian đối thoại chia sẻ giữa bạn bè, người ruột thịt không còn trực tiếp, mà qua mạng xã hội gia tăng. Những tiêu cực lây lan xuất phát từ sự hào nhoáng, bốc đồng của những đám đông trên mạng đã báo trước những hệ lụy đáng ngại cho cuộc sống thực (như vụ hai cô gái chỉ vì chê nhan sắc của nhau trên mạng mà hẹn hò giải quyết ở đường Nguyễn Huệ, Q1, TP.HCM kéo theo đó là hàng trăm bạn trẻ vào hùa gây mất trật tự công cộng tuần qua là một điển hình)… ngày càng phổ biến.
Trước đây, tại Việt Nam đã từng có những khóa trị liệu nghiện game cho người trẻ vướng vào game online nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả một phần nằm ở chỗ chính người nghiện và thân nhân của họ không nhận ra mức độ nguy hiểm của “căn bệnh” này. Và nói tới nghiện công nghệ, thường thì người ta nghĩ tới người trẻ, ít ai nghĩ đến chính những người lớn tuổi cũng là bệnh nhân.
Trên thực tế, nhiều người nhận ra các triệu chứng bệnh lý của mình khi “lún sâu” vào thế giới mạng xã hội nhưng không biết cách để tự giải phóng, có thể rất cần đến những biện pháp trị liệu hiệu quả và bài bản để đời sống của họ trở nên hòa hợp hơn với thế giới chung quanh.
Có lẽ Việt Nam cũng đã đến lúc nhìn thẳng thực tế để có những biện pháp cụ thể theo cách mà Nhật Bản hay Bắc Kinh đang làm.
Theo TBKTSG