GS.TS Lê Vũ Anh, Chủ tịch Hội Y tế công cộng Việt Nam cho biết, hiện nay, Việt Nam có khoảng 110 tạp chí khoa học sức khoẻ, trong đó có 50% tạp chí được xuất bản dưới sự quản lý của Bộ Y tế; các tạp chí còn lại do các tổ chức thành viên của Tổng hội Y học Việt Nam quản lý. Hầu hết các tạp chí được xuất bản bằng tiếng Việt và chỉ có 3 tạp chí được xuất bản bằng tiếng Anh là: Tạp chí Tổng quan y học (Medical Teview), tạp chí Y dược Việt Nam (Vietnam Journal of Medicine and Pharmacy) và tạp chí Y tế công cộng Việt Nam (Vietnam Journal of Public Health).
Các tạp chí khoa học sức khoẻ tại Việt Nam chưa nhận được sự đánh giá cao của đồng nghiệp quốc tế về chất lượng các bài báo, kiểm soát trùng lặp và việc bảo vệ quyền tác giả. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và chia sẻ các bài báo còn hạn chế; thiếu sự hợp tác và hỗ trợ về ứng dựng công nghệ thông tin trong phát triển tạp chí...
Đặc biệt, số lượng các bài báo khoa học của tác giả Việt Nam đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế còn thấp: 3,43 lần/hai thập kỷ. Trong 10 trường đại học, viện nghiên cứu đứng đầu về số lượng bài báo đăng trên tạp chí quốc tế ở khối ASEAN thì không có trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam. Nguyên nhân là do nhiều cán bộ, giảng viên chưa dành thời gian cho nghiên cứu khoa học; việc lựa chọn vấn đề nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu còn yếu; thiếu kỹ năng trình bày bài báo khoa học theo chuẩn mực quốc tế; rào cản về ngôn ngữ (tiếng Anh).
Vì vậy, thời gian tới, ngành y tế và các hội liên quan cần tăng cường hoạt động đào tạo và hỗ trợ các tác giả về kỹ năng viết bài báo khoa học, nộp bài trực tuyến và khuyến khích các tác giả viết và gửi bài cho tạp chí; kiện toàn các ban biên tập và ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hoá các quy trình của tạp chí...
Sau hội thảo, Hội Biên tập Tạp chí Khoa học sức khoẻ dự kiến sẽ được thành lập và xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển nhằm nâng cao chất lượng các tạp chí khoa học sức khoẻ tại Việt Nam.
T.Nga