Thay thế xe máy chạy xăng bằng xe máy điện?
Xe máy điện tiết kiệm đến 90% so với xe chạy xăng là kết quả nghiên cứu của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM (ECC-HCMC) trong dự án Xe máy điện phối hợp cùng Công ty Terra Motors Nhật Bản công bố hôm 9/1 tại TP.HCM. Từ tháng 8/2012, ECC-HCMC cùng công ty Terra Motors Nhật Bản triển khai dự án nghiên cứu khả thi sử dụng xe máy điện, đề xuất thay thế xe máy chạy xăng bằng xe máy điện vào Việt Nam đầu năm 2013.
Chiếc xe này được gắn một động cơ điện mà sức mạnh của nó tương đương với một xe máy chạy xăng, có khả năng tăng tốc từ 0 - 100km/giờ chỉ trong vòng 10 giây. Thay vì đổ xăng, người sử dụng chỉ cần nạp điện như sạc pin điện thoại. Động cơ hầu như không gây tiếng ồn và hoàn toàn không phát khí thải. Theo tính toán, lưu thông 100km, xe máy thông thường phải mất 3 lít xăng, tương ứng 45.000đ. Còn với xe máy điện, để lưu thông 100km chỉ mất chừng 4 giờ nạp điện, tương ứng 11.000đ. Do được tính toán bỏ đi hệ thống truyền lực, chiếc xe tiết kiệm năng lượng và cũng có ít bộ phận bị hư hỏng. Bình ắc quy có độ bền ba năm, tương đương với 3.500 lần nạp, mỗi lần nạp từ hai đến bốn giờ.
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM cho biết, qua khảo sát 100 hộ gia đình sử dụng xe máy tại TP.HCM thì trung bình đi từ 30 - 50km hết một lít xăng. Còn đối với xe máy điện trung bình đi từ 26 - 30km hết một kW điện. Với giá xăng dầu và điện như hiện nay tính ra xe máy chạy xăng mất khoảng 544đ/km, còn xe máy chạy điện chỉ mất khoảng 43,1đ/km. Trong khi lượng CO2 thải ra đối xe chạy xăng là 2,297kg CO2/lít, còn xe chạy điện chỉ thải ra 0,5764kg CO2/Kwh. Như vậy, so sánh về chi phí thì sử dụng xe chạy điện tiết kiệm đến 90% so với xe chạy xăng. Còn lượng CO2 do xe chạy điện thải ra giảm 75% so với xe sử dụng xăng.
|
Xe máy điện tiết kiệm đến 90% so với xe chạy xăng. |
Không phù hợp với không khí ẩm
Ông Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội xe đạp, xe máy cho rằng, ở nước ta, xe máy điện vẫn chưa được biết đến, chưa được đón nhận. Bởi điều lo ngại nhất khi đưa xe máy điện vào thị trường là khí hậu nóng ẩm mưa nhiều, dễ ngập lụt. Trong khi đó, xe máy được thiết kế ở các nước có khí hậu ôn đới là chính. Khi đưa vào sử dụng ở Việt Nam thì việc thiết kế bình ắc quy phải làm sao để vừa tích trữ điện lâu, vừa không bị han gỉ khi tiếp xúc với độ ẩm lớn trong không khí, khi nước ngập không bị cháy mạch điện.
TS Vũ Trọng Hoàng, Viện Nghiên cứu Cơ khí cho biết, trước đây có một số công ty sản xuất xe đã tính đến phương pháp lắp đặt các trạm nạp điện ở cây xăng. Tuy nhiên, do thị trường xe chưa phát triển nên đến nay vẫn chưa thể làm được. Vì thế, người dùng phải chủ động tính toán quãng đường đi, có thể nhờ sạc nhà dân bên đường hoặc mang theo ắc quy dự phòng.
PGS.TS Phạm Xuân Mai, Bộ môn Ô tô, trường Đại học Bách khoa TP.HCM phân tích thêm, xe máy điện giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường do khói, bụi thải ra từ xe máy đạt hiệu quả vô cùng to lớn. Tuy nhiên, không vì thế mà có thể khẳng định loại xe này hoàn toàn không gây ô nhiễm. Đó là chất thải ra do bình hỏng, cầu chì, mạch điện... đây là những chất thải vô độc hại. Nếu dùng được pin nhiên liệu trong tương lai, thì vấn đề này sẽ được giải quyết một cách tốt hơn.
Xe máy điện đi 1 giờ đồng hồ thì phải sạc điện mất 4 giờ. Đó là chưa kể đến giá của loại xe này rất đắt, hiện nay vào khoảng 4.000 đô la Mỹ/ chiếc. Do vậy, thời điểm hiện tại, khó để người dân chuyển sang sử dụng xe máy chạy điện. |
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Bảo Khánh