Tôi 39 tuổi còn chồng tôi 44, chúng tôi kết hôn đã 10 năm, có một trai một gái. Bố mẹ tôi phản đối cuộc hôn nhân này, nhưng lúc đó tôi vừa chia tay người yêu, đang thiếu thốn tình cảm, lại thấy anh hiền lành nên quyết định cưới. Còn anh, tôi nghĩ cũng chẳng yêu thương gì tôi, nhưng thấy tôi là "gái phố", có nhà cửa nên tiến tới. Từ lúc lấy nhau, cuộc sống chúng tôi thường xuyên lục đục. Nguyên do là vì anh thường xuyên say xỉn. Mà cứ uống say là lè nhè suốt đêm, đòi tôi "quan hệ". Nếu không được đáp ứng, anh la lối om sòm.
Thú thực, tôi rất ghê tởm, nhưng đành nhắm mắt mà chiều, tuy nhiên ngày trẻ còn đỡ, còn giờ sức khoẻ yếu rất mệt mỏi. Tôi không muốn ly hôn vì nghĩ tới các con, hơn nữa khi không say anh cũng bình thường. Tôi đã đuổi anh đi Sài Gòn 3 lần rồi, nhưng rồi anh vẫn quay về hành hạ tôi. Tôi không biết làm sao thoát khỏi cảnh này - Ngô Lan (Quy Nhơn, Bình Định).
|
Ảnh minh họa. |
Chị Lan thân, dù anh chị đến với nhau vì lý do gì, nhưng theo Tri Giao, nếu điều đó chỉ đem lại cảm xúc tiêu cực, ảnh hưởng tới hạnh phúc hiện tại thì không nên lật lại, truy cứu, nhất là khi nó cũng chỉ nằm ở phán đoán của chị (còn anh tôi nghĩ cũng chẳng yêu thương gì tôi...).
Chị nói, mỗi khi say anh như biến thành con người khác hẳn, đáng ghét, ghê tởm... Vậy khi anh ấy tỉnh táo, là người "bình thường", chị hãy cùng chồng nói chuyện về vấn đề này, cả việc anh ấy hay rượu chè, liệu có nguyên nhân nào từ mặc cảm "nhà quê", thành phố do cách cư xử của chị cùng gia đình vợ không. Sau đó, cần đi đến thỏa thuận, muốn giữ cuộc hôn nhân này anh ấy phải thay đổi. Lỗi nào xuất phát từ chị thì cũng nên sửa sai.
Về chuyện bị đòi hỏi lúc anh ấy say, chị cần cương quyết nói không, tránh cảm giác ghê tởm chồng. Một gia đình đầy đủ bố mẹ luôn tốt cho con cái, nhưng phải là một tổ ấm thực sự. Nếu mọi nỗ lực không có kết thì cũng nên tính tới phương án khác chị ạ.
Tri Giao