Theo ước tính điều tra của Chương trình Phòng chống Thuốc lá Việt Nam thì nước ta đã lọt top 15 nước có số người hút thuốc cao nhất thế giới, với khoảng 47,5%, tức là cứ hai người đàn ông Việt thì lại có một người đang hút thuốc và vô tình hại chính những người thân yêu nhất của mình.
Hút thuốc không chỉ làm tăng nguy cơ bị các bệnh về phổi (lao phổi, ung thư phổi) cho cả người trực tiếp hút thuốc lẫn những người bị hút thuốc thụ động như chúng ta vẫn thường nghĩ đến mà còn có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư thanh quản, thực quản, khoang miệng... và cả ung thư vú - một trong những loại phổ biến nhất và chiếm tỷ lệ tử vong cao nhất trong số các bệnh ung thư ở phụ nữ.
|
Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe của bạn và cả gia đình! |
Khói thuốc lá, thuốc lào đã được phân loại là chất gây ung thư bảng A. Khói thuốc chứa hơn 4.000 loại hóa chất, trong đó có hơn 200 loại độc hại và có ít nhất 69 loại gây ung thư. Khói thuốc thụ động có nồng độ nicotine lớn gấp đôi nồng độ mà người hút thuốc lá hấp thụ. Vì vậy, những người thường xuyên hít phải khói thuốc lá thụ động sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim lên 10%, bệnh phổi lên 25% và tăng nguy cơ đột quỵ lên 82%.
Có thể nói, khói thuốc thụ động độc hại không kém so với hút thuốc, vậy mà hàng ngày khi chúng ta ra đường, vào bệnh viện, đến trường học, đi trên các phương tiện giao thông công cộng, nơi làm việc trong nhà… vẫn dễ dàng bắt gặp những người ngang nhiên hút thuốc lá và xả khói vào người khác. Thậm chí, có cả những cán bộ, công chức trong lúc hội họp vẫn thoải mái hút thuốc lá.
Mọi người đều có thể bị phơi nhiễm khói thuốc thụ động tại những nơi có người hút thuốc. Trong đó, trẻ em, phụ nữ, người già là những đối tượng đặc biệt nhạy cảm với khói thuốc. Theo ước tính của tổ chức Y tế thế giới WHO, thế giới có khoảng 700 triệu trẻ em thường xuyên bị ảnh hưởng bởi khói thuốc lá, đặc biệt là hít phải khói thuốc lá tại nhà. Không những vậy, khói thuốc có thể gây ra hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, các bệnh đường hô hấp, bệnh viêm tai giữa, hen, chậm phát triển các chức năng phổi ở trẻ em. Nhóm nghiên cứu của Đại học Y Hà Nội, Đại học Y tế Cộng đồng Hà Nội và HeathBridge tiến hành đã khẳng định trẻ em dưới 6 tuổi trong gia đình có người hút thuốc mắc các bệnh về đường hô hấp nhiều hơn 40% so với trẻ em sống trong các gia đình không có người hút thuốc.
Thực tế là người phụ nữ có thể bị ung thư vú vì rất nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như yếu tố di truyền, độ tuổi, nội tiết, tiền sử bệnh tại vú... ngoài ra còn những yếu tố ngoại sinh như môi trường ô nhiễm, chế độ ăn uống và sinh hoạt không hợp lý (ăn ít rau quả tươi, ít vận động…) lạm dụng rượu bia, hút thuốc hoặc hít phải khói thuốc lá...
Trong số này, có những yếu tố không ai tác động được, như tuổi tác; có yếu tố bản thân người phụ nữ có thể chủ động kiểm soát, như việc dùng thuốc tránh thai, ăn uống và sinh hoạt… nhưng riêng về thuốc lá và những tác hại đi kèm với nó, chúng ta có phần phụ thuộc vào việc các “đối tác” có tâm biết nghĩ cho mình hay không.
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy mối liên quan giữa thuốc lá, cả chủ động và thụ động với bệnh ung thư vú ở phụ nữ trẻ, chưa mãn kinh.
Với đối tượng là phụ nữ lớn tuổi hơn, các nhà khoa học tại Mỹ cũng phát hiện thấy những người có hút thuốc bị ung thư vú nhiều hơn đến 19% so với những người không hút.
Thậm chí theo Hiệp hội Ung thư Mỹ thì con số này lên đến 24%, đặc biệt nếu người phụ nữ đã bắt đầu hút thuốc từ sớm, trước khi có kinh hoặc trước khi sinh đứa con đầu tiên.
Nếu đã hút, hãy tìm mọi cách để từ bỏ, do việc này không đơn giản nên hãy chia sẻ với những người xung quanh để được giúp đỡ!
Nếu trong số những người tạo nên con số đáng sợ 47,5% ở trên có bạn trai hoặc chồng của bạn, hãy cho anh ấy biết thông tin đáng sợ này và giúp anh ấy từ bỏ, vì một tương lai bớt nguy cơ tử vong vì ung thư vú cho bạn, vì sự phát triển khỏe mạnh của con, vì sức khỏe và hạnh phúc gia đình!
Theo Khỏe & Đẹp