“Lộ” quá nhiều uẩn khúc đằng sau nợ xấu

Google News

Đề án Tái cơ cấu các TCTD đặt ra nội dung chuyển nợ xấu thành vốn góp của TCTD vào DN vay, tạo ra một hình thức đầu tư chéo mới.

Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân năm 2013 diễn ra tại Tp Nha Trang (Khánh Hòa) ( từ ngày 5 - 6/4/2013). Nội dung được ra để bàn luận năm nay là Tái cơ cấu nền kinh tế - một năm nhìn lại.

Phát biểu tại Diễn đàn, Ts. Trịnh Quang Anh đến từ Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam nhận định, mặc dù chưa có một bức tranh rõ rệt về thực trạng nợ xấu ngân hàng tại Việt Nam nhưng dường như vấn đề này đang rất đáng lo ngại, vượt xa những báo động của NHNN.

Nếu cộng cả những khoản nợ xấu tiềm tàng, gồm nợ khoanh, nợ được cơ cấu lại theo Quyết định 780/QĐ-NHNN và nợ được cơ cấu lại của Vinashin, Vinalines, tổng nợ xấu ngân hàng được ước tính sẽ vọt tới tầm nửa triệu tỷ đồng.

 


Con số tương đương 18% tổng dư nợ tín dụng, gần 10% tổng tài sản toàn hệ thống hay khoảng 17% GDP danh nghĩa 2012 này được tác giả bản tham luận nhấn mạnh là “đáng sợ”, dù rất có thể còn trầm trọng hơn trong thời gian tới.

Ông Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, vấn đề nợ xấu hiện nay còn quá nhiều uẩn khúc. Không có số liệu đáng tin cậy về nợ xấu thì không thể xây dựng chiến lược đúng để giải quyết vấn đề, không thể xác định được nền kinh tế cần bao nhiêu vốn và phải mất đại thể bao nhiêu thời gian để giải quyết triệt để vấn đề.

Trong trường hợp này, việc dựa vào những con số không chuẩn để xử lý vấn đề luôn luôn chứa đựng rủi ro và nguy cơ rất lớn cho quá trình phục hồi kinh tế.

Chưa làm rõ vấn đề sở hữu chéo mơ gì xử lý nợ xấu

Ông Trương Đình Tuyển – Thành viên nhóm tư vấn tiền tệ của Chính phủ cũng cho rằng, nợ xấu là vấn đề “nổi cộm” hiện nay, được đặt ra từ lâu nhưng việc xử lý rất chậm. Không xử lý nợ xấu, khó có thể tái cơ cấu các TCTD.

Ông Tuyển bày tỏ lo ngại của ông khi Đề án Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng có đặt ra nội dung chuyển nợ xấu thành vốn góp của TCTD vào doanh nghiệp vay, tạo ra một hình thức đầu tư chéo mới (điều nhiều quốc gia đã không cho phép các NHTM thực hiện).

Đồng tình với ý kiến lo ngại về sở hữu chéo của ông Tuyển, nhiều chuyên gia kinh tế nhấn mạnh việc cần phải đánh giá và xác định đầy đủ thực trạng sở hữu chéo hiện nay trong hệ thống các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính.

Các chuyên gia cho rằng việc cập nhật và công bố công khai cơ cấu sở hữu và thực trạng sở hữu chéo của các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính trên trang thông tin của Ngân hàng Nhà nước Việt nam phải được tiến hành sớm.

Bên cạnh đó, NHNN thực hiện các giải pháp khác ngăn ngừa và loại trừ ảnh hưởng chi phối tiêu cực và vi phạm pháp luật của các cổ đông, nhóm cổ đông chi phối trong huy động, phân bổ và sử dụng vốn tín dụng ngân hàng; hạn chế các hành vi thâu tóm, lũng đoạn và chi phối các ngân hàng thương mại cổ phần gây rủi ro đối với từng ngân hàng và toàn hệ thống.

Hoài nghi cách xử lý nợ xấu hiện nay của các NH

Tuy nhiên, chỉ xem xét các giải pháp xử lý nợ xấu cho đến nay (kể cả đang trong quá trình soạn thảo), tiến sĩ Nguyễn Đình Cung đã cho rằng dường như nợ xấu được xử lý theo các biện pháp nghiệp vụ, hành nhiều hơn là chuyển khối tài sản thế chấp thành vốn và chuyển vào các mục đích sản xuất, kinh doanh chưa chú trọng giải thoát cho các bên khỏi “mối quan hệ tín dụng hiện có”. Mới  chú ý nhiều đến làm sạch báo cáo tài chính của ngân hàng, chưa chú ý giải phóng gánh nặng nợ cho doanh nghiệp.

“Như vậy, mục đích xử lý nợ xấu có thể chưa đạt được” – Ông Cung hoài nghi.

Vì vậy, các tổ chức tín dụng có thể tuyên bố hay báo cáo đã hoàn thành xử lý nợ xấu, thì gánh nặng nợ đối với doanh nghiệp có thể vẫn còn nguyên; do đó, doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được tín dụng một cách bình thường, và chưa thể khôi phục lại hoạt động bình thường như mong muốn.

TIN BÀI LIÊN QUAN:
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU:


 
Theo TTVN/DDDN