Điểm mặt đại gia địa ốc VN sa lưới pháp luật

Google News

(Kiến Thức) - Thời gian qua rất nhiều tổng giám đốc, chủ tịch các công ty bất động sản bị bắt vì các tội danh như chiếm đoạt, lừa đảo tài sản...

Vụ việc ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Kinh doanh Nhà Vĩnh Hưng (Công ty Vĩnh Hưng) bị bắt để điều tra về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng SeABank đang được dư luận rất quan tâm. Trong khi đó, những khách hàng đã góp vốn cùng công ty thực hiện dự án nhà ở 409 Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội) và dự án nhà Hesco Văn Quán (quận Hà Đông, Hà Nội) cùng các dự án khác của công ty này đang rất hoang mang, lo lắng. Họ lo sợ nếu vị chủ tịch bị bắt thì ai là người đại diện của công ty đứng ra giải quyết những vướng mắc cho họ về tiền đặt cọc mua nhà. Đã năm lần bảy lượt khách hàng tìm đến trụ sở Công ty Vĩnh Hưng để đòi lại số tiền đặt cọc ban đầu nhưng chỉ nhận được những lời hứa suông của công ty. 

 Ông Nguyễn Hoàng Long

Ông Nguyễn Hoàng Long ngoài là Chủ tịch Công ty Vĩnh Hưng còn là Chủ tịch Công ty cổ phần tập đoàn Vina Megastar - chủ đầu tư của rất nhiều dự án bất động sản ở Hà Nội. Theo nguồn tin từ cơ quan chức năng, hiện số tiền mà ông Nguyễn Hoàng Long vay của ngân hàng lên đến hàng trăm tỉ đồng, trong đó có ít nhất 8 công ty "con" được thành lập dưới sự điều hành của ông Long. 

Trong một diễn biến khác, do cần vốn để xây dựng dự án, Công ty Vĩnh Hưng đã thế chấp dự án Vĩnh Hưng Dominium (số 409 Lĩnh Nam) để vay vốn của Ngân hàng thương mại cổ phần Bảo Việt (chi nhánh Hà Nội) với tổng số tiền vay theo hợp đồng tín dụng là 400 tỷ đồng, được giải ngân làm 2 đợt (đợt 1 là 225 tỷ đồng, đợt 2 là 175 tỷ đồng). Để được giải ngân 400 tỷ đồng, Công ty Vĩnh Hưng buộc phải mua thép của Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển chăn nuôi. Cơ quan điều tra cho biết, sẽ lấy lời khai của ông Long để tìm hiểu thông tin số tiền 225 tỷ đồng mà Ngân hàng Bảo Việt giải ngân được sử dụng vào mục đích gì, hiện ai đang giữ số tiền trên. Trước mắt, cơ quan điều tra đã có đủ tài liệu để khẳng định về việc ông Long chiếm đoạt số tiền gần 30 tỷ đồng của Ngân hàng SeABank.

Không chỉ trường hợp của ông Long, trước đó đã có rất nhiều các ông chủ công ty bất động sản khác dù nhỏ lẻ hay có quy mô cũng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đều sa lưới pháp luật. 

Hồi tháng 10/2012, cảnh sát điều tra (PC14), Công an TP Hà Nội cũng tống đạt quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, khám xét nơi ở, đồng thời bắt bị can để tạm giam về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" đối với đối với Phạm Văn Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bất động sản Hà Đông (Công ty Hà Đông, có văn phòng tại quận Hà Đông, Hà Nội) và Ngô Xuân An, nhân viên dưới quyền Hải.

 Đối tượng Ngô Xuân An (trái) và Phạm Văn Hải (phải). Ảnh: Người đưa tin.

Theo tài liệu điều tra, vào cuối tháng 2/2011, chị Nguyễn Thị Mười, trú tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội có nhu cầu mua đất làng nghề tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, qua đó chị đã thông qua người bạn ở phố An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ giới thiệu đến gặp Ngô Xuân An và Phạm Văn Hải tại văn phòng của công ty này.

Hải đã giới thiệu với chị Mười hiện văn phòng công ty của ông ta đang nắm trong tay khá nhiều khu lô đất làng nghề có nhu cầu bán, nếu chị muốn mua thì với giá 40 triệu đồng/m2 đất, chị Mười qua nghe giới thiệu đã đồng ý mua 225m2 đất với giá thỏa thuận như trên. Cuối tháng 3/2011 đến đầu tháng 4/2011, chị đã 4 lần giao tiền cho vợ chồng An với tổng số tiền là 9,6 tỷ đồng và nhận lại 3 loại giấy tờ của bên bán. Đến tháng 8/2011, chị Mười cần tiền đã mang giấy tờ nêu trên đến gặp Hải và nhờ bán lại lô đất. Hải nói rằng chẳng có đất cát nào mà bán chác cho chị, đây chỉ là giấy tờ mẫu mà không có giá trị mua bán đất làng nghề. Chị Mười biết mình đã bị lừa nên đã báo cơ quan công an. 

Trong một vụ việc khác, cuối tháng 11/2012, cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với cặp vợ chồng Huỳnh Thị Hiền (44 tuổi) và Nguyễn Đức Bắc (46 tuổi), Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và bất động sản miền Bắc về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tải sản. Bị can Huỳnh Thị Hiền bị bắt tạm giam; còn Nguyễn Đức Bắc bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.

 Vợ chồng Hiền - Bắc. Ảnh: An ninh Thủ đô/ Cơ quan điều tra cung cấp.

Tài liệu cơ quan chức năng bước đầu xác định, năm 2005, vợ chồng Hiền - Bắc thành lập Công ty miền Bắc với ngành nghề kinh doanh chủ yếu là mua bán bất động sản, xây dựng các công trình dân dụng, san lấp mặt bằng... Bắc giữ chức Tổng giám đốc, còn Hiền là Phó Tổng giám đốc. Trong thời gian dài, vợ chồng Hiền - Bắc đã thực hiện các giao dịch vay và cho vay tiền. Đối với người vay tiền, Hiền yêu cầu những người vay phải thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc làm các thủ tục bảo lãnh cho Hiền - Bắc vay vốn tại ngân hàng. Sau khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Hiền - Bắc đã không làm thủ tục vay vốn tại ngân hàng như đã cam kết mà làm thủ tục chuyển nhượng sang tên cho mình rồi đem bán hoặc gán nợ cho người khác.

Trước đó, ngày 29/8/2012, cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội thực hiện lệnh bắt khẩn cấp Bạch Hùng Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư bất động sản Vạn Quang (Công ty Vạn Quang), có trụ sở tại phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 Cơ quan điều tra đọc lệnh bắt, khám xét đối với ông Quang. Ảnh: An ninh Thủ đô.

Từ cuối năm 2010, Quang chỉ đạo nhân viên dưới quyền vẽ các bản đồ quy hoạch và lập dự án lấy tên là "Khu nhà ở thông tầng Vạn Phúc, Hà Đông". Thực chất, đây là dự án "ma"; và các giấy tờ pháp lý mà công ty Vạn Quang đưa ra giao dịch với khách hàng đều là khống, giả mạo. Quá tin và những lời quảng cáo của Tổng giám đốc Quang, đã có nhiều bị hại nộp cho Công ty Vạn Quang số tiền hơn 13 tỷ đồng và 30.000 USD.

Hồi tháng 1/2012, cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an phía Nam thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với ông  Trương Ngọc Dũng (SN 1972, ngụ quận Tân Bình, tạm trú quận Phú Nhuận, TP.HCM để điều tra, xử lý về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Được biết thời điểm bị bắt giữ ông Dũng đang giữ chức vụ là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Phúc An Thịnh (trụ sở tại quận 1, TP.HCM).

 Ông Trương Ngọc Dũng bị bắt giữ khẩn cấp vào ngày 10/1/2012. Ảnh: An ninh Thủ đô.

Ông Dũng ký hợp đồng mua bán với nhiều người, đã nhận tiền đặt cọc nhưng không thực hiện đúng với cam kết trong hợp đồng. Thậm chí một mảnh đất ông Dũng đã làm hợp đồng mua bán với nhiều người nhằm chiếm đoạt tiền của các nạn nhân này. Ông Dũng đã chiếm đoạt số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng thông qua hoạt động mua bán bất động sản. Một trong các nạn nhân đó là hoa hậu biển 2006 Vũ Ngọc Điệp. 

Trong một vụ việc khác, vào tháng 7/2011, cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội cũng khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Sỹ Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Kinh Đô về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tổng số tiền Nguyễn Sỹ Quyết chiếm đoạt của các nạn nhân lên tới 63 tỷ đồng.



Diên Lệ (Tổng hợp)