Kỳ thi tuyển sinh riêng vào Đại học Quốc gia Hà Nội đang đến gần, với những thí sinh đăng ký dự thi vào trường Đại học Ngoại ngữ, ngoài những môn thi chung về đánh giá năng lực, các em phải thi riêng môn Ngoại ngữ. Hiện nhiều học sinh băn khoăn cấu trúc đề thi môn Tiếng Anh như thế nào, mức độ khó dễ ra sao.
Trả lời cho các thắc mắc này, bà Ngô Việt Hà Phương, Phó trưởng phòng Đào tạo, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho hay, khác với đề thi môn Tiếng Anh kỳ thi THPT quốc gia (đề thi có hai phần trắc nghiệm và tự luận), đề thi môn Tiếng Anh để xét tuyển vào Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ ra đề phần trắc nghiệm, không có phần tự luận.
Thí sinh sẽ làm bài trên giấy chứ không làm trên máy như các môn thi đánh giá năng lực tư duy định lượng, định tính... Bài thi sẽ được tổ chức với 6 thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật.
|
Ảnh minh họa. |
Đề thi gồm 80 câu hỏi, thời gian làm bài trong 90 phút, có định dạng và cấu trúc tương tự kỳ thi đại học những năm trước.
Cũng theo bà Phương, kiến thức của đề thi nằm trong chương trình THPT, độ khó được phân theo tỷ lệ như sau: Dễ (20%), trung bình (60%) và khó (20%).
Cấu trúc đề thi bao gồm 5 lĩnh vực: Ngữ âm - Ngữ pháp và Từ vựng - Chức năng giao tiếp - Kỹ năng đọc - Cấu trúc và Diễn đạt viết.
Các em học sinh có thể tham khảo định dạng mẫu bài thi ngoại ngữ tại website:
www.ulis.vnu.edu.vn, chuyên mục Tuyển sinh.
Theo quy chế tuyển sinh năm 2015 của Đại học Quốc gia Hà Nội, năm nay, để trúng tuyển vào Đại học Ngoại ngữ, thí sinh phải làm 2 bài thi. Đầu tiên là bài thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia tổ chức, sau đó là bài thi Ngoại ngữ do Đại học Ngoại ngữ tổ chức.
Hiện có không ít học sinh đã nộp hồ sơ đăng ký thi vào Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội nhưng vẫn không biết trường có những ngành học gì. Nhiều bạn vẫn nghĩ rằng trường chỉ có 2 ngành đào tạo là sư phạm ngoại ngữ và biên phiên dịch.
Theo bà Phương, Đại học Ngoại ngữ hiện đào tạo 2 nhóm ngành: Sư phạm Ngoại ngữ và Ngôn ngữ nước ngoài. Thông thường, nhắc đến Đại học Ngoại ngữ, người ta dễ liên tưởng sau khi tốt nghiệp, sinh viên ra trường làm giáo viên dạy Ngoại ngữ hoặc biên, phiên dịch. Đây đúng là 2 định hướng ngành nghề chính của sinh viên Đại học Ngoại ngữ nhưng thực tế, ngành nghề của không chỉ dừng ở đó mà rất phong phú, đa dạng. Sinh viên có thể làm việc ở các ngân hàng, tập đoàn đa quốc gia, tổ chức phi chính phủ, Đại sứ quán... Với những bạn sinh viên theo học ngành Ngôn ngữ nước ngoài, chẳng hạn như tiếng Pháp, sau 3 học kỳ đầu tiên, các em sẽ lựa chọn các định hướng chuyên ngành, ví dụ: Tiếng Pháp phiên dịch, Tiếng Pháp du lịch, Tiếng Pháp kinh tế. Về các ngành Sư phạm Ngoại ngữ, thực tế chương trình đào tạo của ngành này và Ngôn ngữ nước ngoài chỉ khác nhau ở khoảng 20% các môn học chuyên ngành. Các bạn sinh viên học các ngành sư phạm, sau khi tốt nghiệp ngoài công việc giảng dạy, các em hoàn toàn có thể tìm được công việc khác, thử sức ở những lĩnh vực khác. Trong quá trình học, nếu em quan tâm em có thể lựa chọn những môn học ngoài chuyên ngành sư phạm như một môn học tự chọn, tự do để tích luỹ thêm thuộc các lĩnh vực khác.
Nếu đăng ký làm bài thi môn Ngoại ngữ xét tuyển vào Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, các thí sinh sẽ biết kết quả trong vòng 10 ngày sau khi thi. Nếu dự thi vào đợt 30/5 tới đây, các em sẽ biết kết quả trước ngày 10/6.
Minh Hiếu (Tổng hợp)