Hàng chục nhà sử học, nhà nghiên cứu lịch sử hàng đầu Việt Nam đã tập trung về huyện miền núi Thường Xuân (Thanh Hóa) để bàn luận về vị trí xảy ra Hội thề Lũng Nhai giữa Lê lợi và 18 anh hùng trong khởi nghĩa Lam Sơn.
Đây là hội thảo khoa học tầm quốc gia do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Viện Sử học Việt Nam và tỉnh Thanh Hóa phối hợp tổ chức. Giáo sư Phan Huy Lê, phó giáo sư Nguyễn Văn Nhật cùng nhiều giảng viên của các trường đại học, Viện Lịch sự Quân sự Bộ Quốc phòng… đã đóng góp tham luận để đưa ra giả thuyết cuối cùng. Lâu nay, nhiều tài liệu chép rằng, vị trí diễn ra Hội thề Lũng Nhai thuộc núi Pù Mé, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
|
Khu mộ cổ tại xã Ngọc Phụng nghi là của nghĩa quân Lam Sơn.
|
Vài năm gần đây, một số nhà khoa học đi điền dã trong vùng, đã phát hiện một số tài liệu cổ, chứng tích nên cho rằng địa điểm diễn ra hội thề lịch sử vào tháng 2 năm Bính Thân 1416 này phải thuộc một quả đồi ở làng Miềng, xã Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa (cách xã Ngọc Phụng khoảng 10 km đường chim bay, cách mảnh đất sinh sống của gia đình cụ Lê Lợi khoảng 1km – PV).
Trên thực tế, giới sử học chưa phát hiện được bất kỳ một tư liệu cổ nào ghi chép cụ thể vị trí diễn ra hội thề. Sử liệu chỉ ghi có một hội thề giữa Lê Lợi và 18 người thân tín tại một khu rừng phía tây tỉnh Thanh Hóa. Tại hội thề, các vị anh hùng đã tế cáo trời đất, kết nghĩa anh em, nguyện hợp sức đồng lòng chuẩn bị phát động khởi nghĩa chống lại ách đô hộ nhà Minh.
Theo PGS,TS Lê Đình Sỹ, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân Sự Việt Nam: “ Hội thề này là sự kiện lịch sử rất có ý nghĩa dẫn đến sự ra đời cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn. Đó chính là tiền đề để phát triển cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc vĩ đại, đánh duổi quân Minh, giành lại nền độc lập dân tộc.
Do đó, việc xác định chính xác vị trí diễn ra Hội thề Lũng Nhai là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết của ngành sử học. Nhiều giả thuyết thuyết phục vẫn nghiêng về địa danh xã Ngọc Phụng như các tài liệu lâu nay.
Theo VTC