Khi nói về những biệt điện uyên ương của Vua Bảo Đại, người đời thường nghĩ ngay đến 3 dinh thự tráng lệ từng lưu dấu bóng dáng của ông vua cuối cùng triều Nguyễn ở thành phố ngàn thông. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều năm qua, các Dinh I, Dinh II, Dinh III ở Đà Lạt luôn là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Đến tham lãm các "dinh Bảo Đại" ở Đà Lạt, đa phần khách nhàn du đều có cảm giác mê ly trước kiến trúc cổ lẫn lối bài trí mang phong cách cổ kính, vững chãi kiểu cung đình nhưng đậm phong cách Pháp, lòng không khỏi khâm phục việc chọn địa điểm của các kiến trúc sư thời bấy giờ khi xây dựng nên các biệt điện thiên thần cho vua thụ hưởng. Có người vì quá mê mẩn đã để lại những lời ngưỡng mộ rằng đó là "đệ nhất dinh thự ở Việt Nam". Nhưng khi biết được trên một số diễn đàn dành cho dân thích xê dịch thì cảnh trí của cả 3 dinh thự trên phố núi cao kia đều thua xa "dinh Bảo Đại" ở thành phố biển Nha Trang, lắm người... choáng.
Chuyện Vua Bảo Đại mê rừng, mê săn thú nên cho xây nhiều biệt điện uyên ương kiên cố, lãng mạn trên đất Tây Nguyên (ngoài 3 biệt điện ở Đà Lạt, Vua Bảo Đại còn có biệt điện ở huyện Lắk và tại thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk-PV), thì ai cũng rõ rành. Nhưng biệt điện nơi xứ biển thì ít khi thấy thiên hạ nhắc đến, nhất là khi nó được người ta rỉ tai nhau rất hùng tráng, xinh đẹp hơn các biệt điện ở xứ ngàn thông.
Không cưỡng lại sức hấp dẫn đó, một chiều cuối tháng 7 này, chúng tôi đến Nha Trang và tìm đến ngôi biệt điện từng lưu dấu bóng dáng của vị vua Nguyễn cuối cùng để rồi ấn tượng trước nhiều chuyện thú vị lẫn những mối trăn trở của lắm khách lãng du trước chốn tới lui một thời của... thiên tử.
1. Nằm cuối đường Trần Phú, gối đầu trên núi Chụt (thuộc địa phận phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang), ngoài cái tên "Dinh Ông Thượng", "Biệt thự Cầu Đá", dân địa phương còn gọi "Dinh Bảo Đại" là "Lầu Bảo Đại". Ông Năm Tỏ, nhà ở khóm Cầu Đá (phường Vĩnh Nguyên), cho biết núi Chụt được sử sách ghi là núi Cảnh Long vì nhìn từ xa ngọn núi này uốn cong, thế dáng như con rồng trong thế vờn mây đạp gió với đầu rồng là 3 mỏm đồi được người Pháp cho xây dựng các biệt thự mà đứng trên ấy có thể phóng tầm mắt bao quát cả thành phố biển.
Cụ Tỏ gần 80 tuổi nhưng sức khỏe rất tráng kiện, nói năng, đi đứng đều hoạt bát. Bí quyết dưỡng sinh của cụ rất đơn giản, chẳng phải nhờ uống rượu ngâm hải mã, rắn biển hay ăn các món được người ta đồn rất bổ dưỡng như hải sâm, cầu gai... mà chỉ là "hạn chế nạp chất độc vào người".
Chất độc theo cụ Tỏ là các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá và có cả những tham - sân - si: "Dân biển như qua sống đơn giản, chẳng nghĩ suy gì nhiều, đánh bắt được bao nhiêu thì sống bấy nhiêu, chẳng nghĩ đến chuyện tranh đoạt, tham lam của ai. Nhờ đầu óc, khí huyết chẳng vướng bận đến những chuyện ấy nên ai trạc tuổi qua cũng khỏe" - cụ Tỏ, sảng khoái trò chuyện và giải thích các tên gọi của dinh Bảo Đại: "Có người gọi là dinh nhưng cũng có người gọi là lầu. Trước kia các cụ còn gọi là dinh Ông Thượng. Tên gọi này có nhiều hàm ý. Thượng ở đây có thể là hoàng thượng, mà cũng có thể là người đứng đầu, bởi thượng là "trên". Nơi này còn được gọi là lầu Thừa Lương, vì sao lại có tên gọi này thì chẳng mấy ai được rõ".
Từ dưới chân đồi ở sát đường Trần Phú, theo con đường rợp bóng cây xanh uốn theo triền núi, chúng tôi theo chân nhóm du khách từ TP HCM ra thăm nơi "vua ngự" ngày nào. Khi lên đến đỉnh đồi, bao mồ hôi nhễ nhại tan biến khi cả thảy được hưởng khung cảnh thanh bình đến tuyệt đối với hình ảnh 5 ngôi biệt thự thơ mộng được xây dựng như cung điện nằm gối đầu trên biển, được điểm xuyết bởi những vườn cây sứ, phượng vĩ cổ thụ với cội rễ u nần tỏa hương thơm ngát trong gió lộng. Những ngôn từ hoa mỹ chẳng thể tả được cảnh trí thuần khiết, xinh đẹp tại nơi đây. Chỉ có thể nói tóm lược bằng nhận định của anh Minh Hải, 42 tuổi, ngụ quận 1, TP HCM, người có thú đam mê đi cùng trời cuối đất trên nước Việt để ghi lại những cảnh đẹp của quê hương rằng nó thực sự là "thiên đường nơi hạ giới".
|
Biệt điện Bảo Đại nhìn từ xa. |
2. Về "lý lịch" của khu biệt điện, một số tư liệu ghi rằng vào năm 1923, một nhà khoa học người Pháp gốc Đức là ông A.Crem đã chỉ huy thực hiện công trình biến đỉnh núi Cảnh Long thành quần thể gồm 5 căn biệt thự và 3 nhà công vụ để làm nơi ở, nghiên cứu cho các nhà khoa học Pháp đến làm việc tại Viện Hải dương học Đông Dương (nay là Viện Hải dương học Nha Trang) ở dưới chân núi.
Sau khi hoàn thành, 5 biệt thự được đặt theo tên các loài hoa nhiệt đới như Xương Rồng, Bông Sứ, Bông Giấy, Phượng Vĩ và Cây Bàng. Năm 1926, khi Thái tử Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Bảo Đại thì người Pháp đã chuyển giao 2 biệt thự Bông Sứ và Xương Rồng cho vị vua cuối cùng của triều Nguyễn cho để gọi là... hợp lý hợp tình. Sau năm 1954, biệt thự Bông Sứ được đổi tên thành Vọng Nguyệt, Xương Rồng "lột xác" thành Nghinh Phong và những tên gọi đó được giữ nguyên từ đó đến nay.
Theo những thông tin đăng tải và thuyết trình của các anh chị hướng dẫn viên thì biệt thự Nghinh Phong và Vọng Nguyệt từng lưu dấu bước chân, dáng hình của Vua Bảo Đại cùng Hoàng hậu Nam Phương hiện được Ban quản lý Khu du lịch Bảo Đại chọn làm nơi trưng bày các di vật, kỷ vật liên quan đến vị hoàng đế cuối cùng này. Đó là chiếc bàn cổ và điện thoại được Vua Bảo Đại sử dụng để giải quyết các việc công khi ông cùng Hoàng hậu Nam Phương đến đây nghỉ mát. Tầng trệt lầu Nghinh Phong được làm nơi trưng bày các kỷ vật, hình ảnh liên quan đến vị hoàng đế cuối cùng của Việt Nam và các đời vua Nguyễn trước đó.
Để làm được như vậy, Khu du lịch Bảo Đại đã đầu tư nhiều công sức sưu tầm tư liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan đến Vua Bảo Đại tại Huế, Đà Lạt… và lập nên phòng tham quan này. Ngoài ra, còn có bộ ghế salon được Vua Bảo Đại thường ngồi tiếp khách, bàn trang điểm được giải thích Hoàng hậu Nam Phương thường ngồi trang điểm, chiếc sập gụ nơi Vua Bảo Đại nằm nghỉ cùng nhiều tư liệu hình ảnh liên quan đến triều Nguyễn nói chung, Vua Bảo Đại nói riêng.
Nhưng có lẽ nổi bật nhất nơi vua ở là dịch vụ chụp hình. Như ở Huế, khách đến Khu du lịch lầu Bảo Đại nếu thích có thể trả phí để được mặc hoàng bào, đội áo mão dành cho vua, hoàng hậu, công chúa rồi ngồi trên ngai vàng mô phỏng để chụp hình lưu niệm. Dịch vụ này có kẻ khen, người chê nhưng nói thật, chúng tôi rất đỗi buồn lòng trước cái cảnh biểu tượng ngai vàng và trang phục vua chúa rất đỗi tôn nghiêm bị người ta xem là công cụ để khai thác kiếm tiền, càng không phải là vật để người ta ai thích thì mặc sức giỡn đùa, đứng ngồi với đủ tư thế hớ hênh, vô phép.
3. Những gì mà nhiều du khách khi đến tham quan Khu du lịch Bảo Đại được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa là như thế: "Nếu nói gì về nơi này, tôi xin mạn phép đưa ra nhận định rằng về cảnh trí, lầu Bảo Đại đúng là thiên đường, có thể ăn đứt những dinh thự ở xứ ngàn thông bởi ngoài các biệt thự thơ mộng kia, phía dưới còn có những khối đá với nhiều hình thù kỳ thú và đặc biệt là bãi tắm thiên thần có tên "Bãi Hoàng hậu" vốn được hậu thế truyền miệng là nơi mà ngày trước Hoàng hậu Nam Phương trút xiêm y nô đùa cùng sóng biển: "Ấy là người ta chỉ nói thế thôi chứ tìm mỏi mắt thì tôi cũng như các anh em trong đoàn chẳng thấy có hình ảnh, ghi chép nào đề cập hay nhắc đến chuyện Vua Bảo Đại cùng Hoàng hậu Nam Phương từng đến nghỉ dưỡng ở nơi này" - anh Minh Hải, thổ lộ.
"Có đúng Biệt điện Bảo Đại từng lưu dấu bước chân, dáng hình Vua Bảo Đại cùng Hoàng hậu Nam Phương hay với mỹ nữ nào khác? Những ngày ở đây, Vua Bảo Đại thường làm gì để tiêu sầu hay tìm vui? Lần đầu tiên Vua Bảo Đại đến biệt điện trên núi Cảnh Long là khi nào và lần cuối cùng vào thời gian nào. Khi đến Hoàng đế Bảo Đại đi bằng phương tiện gì, tùy tùng ra sao, ở bao lâu?...". Anh Hải bộc bạch khi anh đem những thắc mắc này hỏi các anh chị làm hướng dẫn, anh và các anh chị ở đoàn nhận được câu trả lời bằng nụ cười hiền từ, thân thiện và.... chấm hết.
"Tự dưng lúc này cái cảm giác bực bực, tiếc tiếc, cái cảm giác chưa thấy đã, chưa thấy thỏa nó xâm chiếm lấy tôi, nhất là khi thấy đám đông xô bồ đang tranh nhau làm vua, làm hoàng hậu..." - chị Thanh Lan, bạn đi cùng nhóm với anh Hải, bộc bạch.
|
Có rất nhiều tư liệu về Vua Bảo Đại và các triều vua Nguyễn nhưng chẳng thấy có tài liệu nào nói Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương đã từng lưu dấu ở biệt điện uyên ương. |
4. Chẳng rõ Vua Bảo Đại có cùng Hoàng hậu Nam Phương đã từng đến nghỉ mát tại dinh Bảo Đại hay chưa, nếu có thì tư liệu ghi chép, hình ảnh nào xác thực, chứng minh điều đó? Nhưng điều mà tôi biết được là ông vua cuối cùng của triều Nguyễn đã từng có những tháng ngày hạnh phúc vô bờ tại biệt điện gối đầu trên biển này với thứ phi không được bà Từ Cung (thân mẫu Vua Bảo Đại) công nhận là bà Mộng Điệp. Chuyện này tôi biết được qua lời kể của cụ Hoàng Nợ vào đầu tháng 4/2002.
Cụ Nợ là người gốc Quảng Bình, năm 22 tuổi cụ bị người Pháp bắt lính đưa vào Thành Nội làm lính gác, biên chế trong Sư đoàn Ngự lâm quân và sau đó may mắn được triều đình biên chế vào "đội đặc nhiệm" gồm 52 cảnh vệ kiêm cận vệ tháp tùng Vua Bảo Đại vào đất Tây Nguyên, đầu tiên ở Đắk Lắk, sau chuyển đến Đà Lạt. Thời điểm này (1950-1954), Vua Bảo Đại được người Pháp trao quyền quản lý Tây Nguyên nên ông lập quy chế hành chính đặc biệt có tên Hoàng triều cương thổ.
Còn nhớ trong cuộc trò chuyện về những tháng năm tháp tùng Vua Bảo Đại, bên cạnh những chuyến xuyên rừng săn thú, cụ Hoàng Nợ còn kể cho tôi nghe chuyện ly kỳ về cái lần cụ tháp tùng Vua Bảo Đại cùng bà Mộng Điệp đến biệt điện ở Nha Trang. Theo đó, từ Nha Trang, mỗi khi đi Đà Lạt Vua Bảo Đại đích thân lái xe 4 bánh. Và khi đến biệt điện ở biển, ông vua cuối cùng triều Nguyễn thường lên con tàu dành cho quân vương có tên Hương Giang để đi câu.
"Có lần Vua Bảo Đại xuống canô thả câu và bị con cá đuối to như cái nhà, thân hơn chục người đứng trên vẫn còn trống chỗ cắn câu. Con cá lớn quá đã lôi ông cùng chiếc canô chạy băng băng. Lúc ấy ai nấy đều hết hồn nhưng ông thì rất bình tĩnh, cứ mặc nó lôi đi, Khi biết khó thắng con vật, ông chủ động cho người cắt dây câu và ra chiều tiếc rẻ vì đã để xổng con cá to. Lúc mọi người tiếp cận được, ông cười mà rằng câu cá cần phải kiên trì, bình tĩnh, đừng hoảng hốt mà có xử trí kém thông minh... Ông cũng dạy nếu thả câu gặp con cá to như thế, nếu manh động mà thu dây câu trước sẽ mất con mồi, sau có thể nó vùng vẫy gây họa, lúc ấy cứ theo con cá, chờ cho nó mệt trồi từ từ thu dây. Phàm sống trên đời, giải quyết mọi chuyện phải lúc nhu lúc cương mới mong thành sự".
Tôi kể lại chuyện này với những mong đó sẽ là nguồn thông tin, tư liệu giúp nhiều du khách như anh Hải, chị Thanh Lan thỏa lòng. Bởi suy cho cùng, đến thời điểm này, đó có thể là tư liệu duy nhất liên quan đến Vua Bảo Đại trong thời gian ông nghỉ dưỡng tại biệt điện ở Nha Trang. Tôi cũng mong rằng chuyện kể của mình sẽ giúp cho những người làm công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị Biệt điện Bảo Đại có thêm nguồn tư liệu bổ sung cho "gia phả" của ngôi biệt điện này. Và tin rằng, nếu các anh chị ấy tiếp cận với cụ Hoàng Nợ hẳn sẽ được cụ kể cho nghe nhiều chuyện kỳ thú hơn liên quan đến quãng thời gian cụ theo hầu vua khi lên rừng, lúc xuống biển, đặc biệt là những kỷ niệm lúc cụ ở Biệt điện Bảo Đại tại xứ trầm hương.
Cụ Hoàng Nợ đang sinh sống cùng con cháu trên đường Đào Duy Từ, thành phố Đà Lạt. Năm nay cụ gần 90 tuổi rồi. Tôi nghĩ nếu các anh chị ở Khu du lịch Bảo Đại quan tâm thì nên đến thăm cụ sớm nhất khi có thể, bằng không thì những gì cụ biết về Vua Bảo Đại khi ông lưu dấu ở Biệt điện Cầu Đá có nguy cơ theo cụ về với đất bất kỳ lúc nào trong niềm khắc khoải cần được biết, được rõ của hậu thế!
Theo An ninh thế giới