Thần Đồng, loại cổ vật tâm linh của vương quyền, cho nên mọi hiện tượng diễn ra có liên quan đến loại cổ vật này, đều được sử sách ghi chép lại. Tuy không đầy đủ, tỉ mỉ, nhưng cũng đủ cho người nghiên cứu tìm thấy nội dung của vấn đề đặt ra và không thấy nói việc một tốp người đứng "giã" Thần Đồng.
Truy tìm trong thư tịch cổ
Theo Đại Việt sử ký toàn thư năm 111 trước Công Nguyên nhà Tây Hán vượt núi Ngũ Lĩnh chiếm nước Nam Việt thì toàn bộ khu vực bao la rộng lớn này nhà Hán thiết lập thành một đơn vị hành chính gọi là châu (dưới châu có chín quận). Trụ sở Châu đặt ở Luy Lâu (Dâu) thuộc lãnh thổ đất Giao Chỉ nên gọi là Giao Châu. Đến năm 264 (thời Tam quốc), vùng này thuộc về nhà Ngô, vua Ngô Tôn Hạo thấy Giao Châu rộng lớn quá nên tách thành hai châu: Quảng Châu và Giao Châu. Giao Châu trụ sở vẫn đặt như cũ còn Quảng Châu, trụ sở đặt ở Quảng Tín. Từ đây các sử gia của Trung Quốc thời kỳ này chạy loạn dồn về Quảng Tín, nên họ viết nhiều về lịch sử có liên quan đến trống đồng ở vùng Lưởng Quảng mà không nói gì đến Thần Đồng của người Kinh Giao Chỉ.
Có trên 40 đầu sách của Trung Quốc ghi chép những vấn đề liên quan đến trống đồng, nhưng ở đây chỉ trích lược phần nói về trống đồng ở trong một số sách. Sớm nhất là sách Hậu Hán thư của Phạm Việp (424 - 425) quyển 54, mục Mã Viện truyện, tường trình về sự kiện Mã Viện lấy được trống đồng Lạc Việt ở Giao Chỉ, đem về nước đúc thành ngựa mẫu... ngựa cao 3 thước 5 tấc (khoảng hơn 1m), vòng thân ngựa 4 thước 4 tấc (khoảng 1,5m), vua xuống chiếu đặt ngựa mẫu trước cửa điện Tuyên Đức để làm ngựa mẫu hẳn vùng đó sẽ yên (tức là làm vật "yểm" - bởi từ địa vị "Thần Đồng" Ấn tín của Nhà nước Văn Lang - Âu Việt, thành con ngựa cho đế chế Hán cưỡi).
Đó là thời điểm Mã Viện đưa quân sang Giao Chỉ đàn áp cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (40 - 43) y thấy giá trị tâm linh của Thần Đồng - vật hèm Ấn tín gắn liền với các Lạc hầu, Lạc tướng - biểu tượng quyền uy và linh hồn của đất nước Văn Lang Âu lạc, là lời hiệu triệu dân tộc đứng lên chống Hán. Cho nên Mã Viện đã bắt 300 Lạc tướng của cuộc khởi nghĩa đày sang Linh Lăng và tịch thu hết vật linh Ấn tín của họ.
Trong ba năm ở lại Giao Chỉ, Mã Viện đã cho quân lính lùng sục, tìm cướp hết Thần Đồng của dân tộc ta chuyển về nước, và cho tàn phá hết các lò đúc Thần Đồng, cấm doán người Giao Chỉ sử dụng và cất giấu Thần Đồng. Y còn cho nấu chảy Thần Đồng đúc thành trụ, làm vật yểm chôn ở động Cô Lâu, châu Khâm và đưa ra câu thề độc: "Đồng trụ chiết Giao Chỉ diệt" (Cây đồng trụ đổ thì người Giao Chỉ mất nòi). Người Giao Chỉ đi qua chỗ cột ấy ai cũng cầm bỏ vào chân cột một hòn đá, thành gò đống, vì sợ cột ấy gẫy (Đại Việt sử ký toàn thư).
Tiếp đến sách Quảng Châu ký của Bùi Thị xuất hiện vào khoảng năm 420 - 487 ghi lại hiện tượng người Lý, người Lão đúc đồng làm trống. Trống lấy cao lớn làm quý. Lúc mới đúc xong, treo trống ở sân, buổi sáng bày rượu mời đồng loại đến. Người đến đầy cửa. Con trai con gái nhà hào phú lấy vàng bạc làm "thoa" lớn, cầm thoa gõ trống, gõ xong để thoa lại cho nhà chủ. Người Lý người Lão chỉ cư dân phi Hán ở Quảng Châu, tộc danh này xuất hiện trong thư tịch thời Tam Quốc (thế kỷ III) mà nay có người coi là tổ tiên của người Choang - Nhưng theo nhà Dân tộc học người Thái Cầm Trọng cho rằng: Người Lí là người Lào và người Lão là người Lự, hậu duệ của hai tộc danh này hiện đang cư ngụ ở Đông Dương (trao đổi riêng).
Sách Lỉnh biểu lục dị của Lưu Tuân làm quan tại Quảng Châu khoảng năm 889 - 903 ghi: Nhạc (cụ) của người Man Di có trống đồng, hình dáng như yêu cổ (trống có eo thắt lại) nhưng một đầu có mặt. Mặt trống tròn hơn hai thước. Mặt liền với thân. Đúc toàn bằng đồng. Thân trống đầy hình côn trùng, cá, hoa, cỏ. Toàn thân đều đặn dày hơn 2 phân. Đúc rất giỏi, thật là tinh xảo. Đánh trống, tiêng vang trong trẻo không kém tiếng mai rùa.
Âm mưu "trấn yểm" Thần Đồng
Chỉ trích dẫn ba đoạn nói về trống đồng trong ba cuốn sách, đã cho chúng ta thấy 4 điểm sau đây; Thứ nhất: Từ vật linh "Thần Đồng" Ấn tín của Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc của dân tộc Kinh Giao Chỉ trở thành một nhạc cụ tầm thường thuộc bộ gõ "đồng cổ" (trống đồng) là do Mã Viện ngụy tạo ra. Khi về nước y còn nấu chảy vật linh Thần Đồng đúc thành ngựa, lấy đó làm vật "yểm" - bởi từ địa vị "Thần Đồng" Ấn tín của Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc thành con ngựa cho đế chế Hán cưỡi. Phải đến 400 năm (424 - 425) mới được tác giả Phạm Việp định danh bằng Hán tự "đồng cổ" trong sách Hậu Hán thư, quyển 54 mục Mã Viện chuyện.
Thứ hai: Khi gọi Thần Đồng của người Kinh Giao Chỉ là "đồng cổ" (trống đồng) - thứ nhạc cụ là quá mới mẻ. Nó chưa đi vào nhận thức của cư dân vùng Lưỡng Quảng, cho nên, khi các Phú hào đúc trồng đồng xong, đặt trống giữa sân: Mở tiệc rượu mời đồng loại đến mừng. Khách đến mừng dùng thoa gõ vào trống, rồi để lại cho nhà chủ, chứ không dùng dùi đánh thử (Quảng Châu ký).
Như vậy, việc đúc trống đồng của các Tù trưởng ở vùng Lưỡng Quảng là để làm vật linh biểu tượng quyền uy, chứ không nhằm làm thứ nhạc cụ.
Thứ ba: Đánh trống đồng, tiếng vang trong trẻo không kém tiếng mai rùa. Tiếng mai rùa thì lịch bịch chứ làm gì có tiếng trong trẻo.
Thứ bốn: Trần Cương Trung - người Tàu sứ nhà Nguyên, có hai câu thơ: Nghe trống đồng rung, tóc bạc phơ, là nói dối, nhằm làm mất uy linh, tàn phá thứ Quốc bảo - Thần Đồng - Ấn tín ở thời cổ đại của dân tộc ta.
Việc nhận thức về tinh thần của vật "hèm" ấn tín này, đã được người Việt bắt đầu thực hiện từ khi nước nhà giành lại quyền tự chủ. Đó là thư tịch của các triều đại phong kiến Việt Nam đều ghi chép trân trọng loại vật linh "hèm" này và gọi là "thần Đồng Cổ" lập miếu thờ do Nhà nước quản lý. Còn nếu là "trống" loại nhạc khí thì không thể diễn ra hiện tượng trên. Ngoài ra, trong dân dã, người làng Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam (ông Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Văn Ý) khi đào được cổ vật này khoảng năm 1893 - 1894, họ đưa về thờ trong đình làng. Ngày 15/11/1902, hiện vật này được đưa về trưng bày ở Nhà đấu xảo Hà Nội, sau đó Trường Viễn Đông Bác cổ Hà Nội mua lại. Nay gọi là trống đồng Ngọc Lũ, lưu trữ tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam - Hà Nội.
Tóm lại, việc trân trọng, tôn thờ loại vật "hèm" này được thể hiện ở chỗ: Từ dân dã đến vương quyền và thư tịch bác học đều không nơi nào nói đến hiện tượng "giã" trống đồng - người ta coi cách đánh, giã trống đồng là đánh vào nền văn hoá truyền thống của dân tộc, đó là điều kiêng dè, cấm kỵ - "huý".
Việt Nam có tặng cho Liên Hợp Quốc Thần Đồng Ngọc Lũ. Thần Đồng này được vinh dự đặt ở cửa ra vào Hội trường lớn. Đã có nước đề nghị người phụ trách phòng trưng bày chuyển Thần Đồng của ta đi nơi khác nhưng thực tế việc đó đã không xảy ra.
Nhạc sĩ Dương Đình Minh Sơn (nhà nghiên cứu Dân tộc học Âm nhạc)