Giải mã đàn tế nghìn năm phát lộ dưới Nhà Quốc hội

Google News

(Kiến Thức) - Đây là đàn tế có quy mô lớn, độc đáo chưa từng có trên thế giới.
 

Theo đánh giá của các nhà khoa học, khu di tích tâm linh khai quật bên Tòa nhà Quốc hội (Ba Đình, Hà Nội) là đàn tế trời đất có từ thời kỳ đầu nhà Lý về thành Thăng Long định cư. Đây là đàn tế có quy mô lớn, độc đáo chưa từng có trên thế giới.
Đàn tế trời đất
PGS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết: Lúc đầu di tích mới khai quật, các nhà khoa học không biết gọi tên là gì. Vì từ trước đến giờ ở Việt Nam, cũng như trên thế giới chưa nơi nào khai quật được khu di tích như nơi đây. Các nhà khoa học nước ta mời chuyên gia nước ngoài về thẩm định, đánh giá nhưng vẫn nằm lại ở dự đoán. Có người  đoán đó là đàn quảng chiếu, có người gọi là phấn liên hoa. 
“Chúng tôi đã nghiên cứu qua nhiều sách vở, nhưng chưa có tư liệu nào nói về khu tâm linh này. Nhưng qua nghiên cứu trong “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn có nói: Đây là việc tính kế muôn đời cho đất nước, xây dựng nền tảng cho con cháu sau này. Vì thế, đã chọn Thăng Long là Kinh đô cũ của cao vương để định đô. Đây là vùng có thế đất tựa núi, nhìn sông, rồng cuộn hổ ngồi muôn đời đế vương. Việc đầu tiên khi đến vùng đất này nhà vua đã cho quần thần xây dựng một khu tâm linh, lập đàn tế lễ. Cầu cho quốc thái, dân an, dân chúng đời đời hưng thịnh”, ông Ngọc cho biết.
Cũng  theo PGS.TS Nguyễn Quang Ngọc, sau rất nhiều tranh cãi về tên gọi khu tâm linh này cuối cùng thống nhất gọi là đàn tế trời đất. Đàn tế này tồn tại từ  năm 1010 - 1048. Đến năm 1048 vua Lý Thánh Tông cho xây dựng đàn Xã Tắc tế Xã thần (thần đất, thần nông) hai vị thần gắn liền với nền văn minh lúa nước. Đây là đàn tế lễ thay thế cho đàn tế trời đất đã xây dựng trước đây.
Đàn tế nghìn năm được khai quật, đang trong quá trình chờ phương án bảo tồn (chụp tại Hoàng thành Thăng Long). 
Kiến trúc có một không hai
Theo các nhà khảo cổ học, khu tâm linh này nằm trong phạm vi ô lưới tọa độ trong Hoàng thành Thăng Long. Phạm vi phía Nam, phía Đông và phía Tây đã xuất lộ toàn bộ; phạm vi phía Bắc nằm trong ranh giới xây dựng gara ngầm của công trình Nhà Quốc hội. Địa tầng xuất lộ, cách bề mặt đất hiện tại 2,23m và bắt đầu xuất lộ từ độ sâu +6.548 đến +4.790mm so với độ cao mực nước biển. Từ dấu tích cột xuống đáy là 4,27m.
Hiện tại, mặt bằng kiến trúc được cấu tạo bởi 3 bộ phận: Mặt bằng kiến trúc trung tâm và hai mặt bằng phụ đối xứng hai bên. Mặt bằng hai kiến trúc phụ có cao độ tương đương nhau lần lượt là +4.622mm và +4688mm so với mực nước biển, cao hơn mặt bằng kiến trúc trung tâm 0,72m (+3.967mm so với mực nước biển).
Tại kiến trúc trung tâm có khu hình vuông, diện tích khoảng 9,0m2 (kích thước bên ngoài 3,0mx 3,0m) được tạo thành các cọc gỗ (dài 4,1m) đường kính 14cm). Bên trong ở chính giữa 2,4m x 2,4m có 4 thanh xà gỗ được sắp xếp theo hướng Bắc – Nam - Đông – Tây. Liên kết với nhau bằng mộng khớp tạo thành khung hình vuông.
Trong lòng kiến trúc trung tâm, các nhà nghiên cứu tìm được 4 lá đề bằng gỗ, chạm khắc hình rồng, được sơn son, niên đại thuộc nhà Lý. Có một lá đề cân bị vỡ hai mảnh có thể ghép lại với nhau. Kích thước 9,0cm x 9,0 x 1,0cm chạm khắc trang trí hai con rồng thời Lý.
Dù trải qua hàng nghìn năm, nhưng khối gỗ vẫn nguyên vẹn (ảnh chụp tại Hoàng thành Thăng Long). 
Bước đầu có thể đánh giá đây là loại hình kiến trúc đặc biệt liên quan đến các nghi lễ tâm đặc biệt trong vương triều Lý. Có thể nơi đây là trung tâm của khu Hoàng thành Thăng Long xưa kia. Với sự hiện diện của những chiếc lá đề gỗ chạm rồng được chôn ở bên trong kiến trúc trung tâm, có thể suy luận kiến trúc này liên quan đến một nghi lễ Phật giáo quan trọng của Vương triều nhà Lý. Đặc biệt khu di tích này nằm đối diện với  điện Kính Thiên, có thể nó có liên quan tới quy hoạch tổng thể của Hoàng thành Thăng Long.
Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Quang Ngọc thì toàn bộ kiến trúc tâm linh này được xây dựng bằng gỗ. Những loại gỗ này thuộc vào nhóm gỗ quý, nhiều cây gỗ không bị mục. Đặc biệt, những chiếc lạt buộc gắn kết các thanh gỗ với nhau vẫn còn nguyên vẹn.
Ông Ngọc cho hay, ông đã từng tìm hiểu nhiều khu khảo cổ về tâm linh. Nhưng chưa từng thấy có đàn tế nào có quy mô lớn như vậy. Trên thế giới cũng chưa có đàn tế nào như thế. Đặc biệt hơn cả, di tích vẫn còn nguyên bản, nguyên trạng thái ban đầu. Đây có thể là di tích tâm linh có một không hai trên thế giới. Nó không chỉ là hoạt động về tâm linh đơn thuần mà nó còn khẳng định chủ quyền của nước Đại Việt xưa.
PGS.TS Nguyễn Quang Ngọc cho biết: đây là khu tâm linh có một không hai trên thế giới. 
Sau khi phát hiện di tích đặc biệt này, đã có nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đánh giá về giá trị cũng như đề ra phương án bảo tồn. “Đây là di tích đặc biệt, có giá trị văn hóa lớn. Vì thế, nhiều phương án  bảo tồn đưa ra. Viện Khảo cổ học đã tiến hành nhiều cuộc hội thảo để các nhà nghiên cứu đánh giá giá trị và đề ra phương án bảo tồn. 
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, UBND TP Hà Nội đã khẩn trương báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về giá trị và phương án bảo tồn. Hiện các cơ  quan, đang chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để thống nhất phương án bảo tồn”, TS Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội cho biết.
Nhiều nhà khoa học đề ra phương án bảo tồn khu di tích đặc biệt này. Trong đó, có người đưa ra ý kiến sẽ  di chuyển di tích này đến một địa điểm khác. Có người đưa ra quan điểm sẽ  lấy hiện vật lên và lấp di tích lại, sau này khoa học phát triển chúng ta sẽ đưa lên nghiên cứu. Nhưng theo ý kiến của PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học thì việc bảo tồn phải trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng khu di tích. Sẽ phải mời các chuyên gia nước ngoài tư vấn, hạng mục nào khu tâm linh bị hỏng  thì phục dựng lại. Tuyệt đối, chúng ta không được xâm phạm tới di tích.
Trên thế giới, Trung Quốc và Nhật Bản là những nước có nhiều khu tâm linh được bảo tồn rất tốt. Vì vậy, khi bảo tồn khu đàn tế trời – đất trong Hoàng thành Thăng Long, chúng ta cần nhờ chuyên gia nước ngoài hỗ trợ. Dù thực hiện phương án bảo tồn nào, cũng phải giữ nguyên cái gốc của khu di tích.
Ông Vũ Thế Khanh (Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng UIA)
Đại Cát

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

Nguyễn Văn -

Nhưng vấn đề là bây jờ khu vực này chỉ có já trị lịch sử thôi,chứ không còn já trị về mặt tâm linh nữa.Vì nếu ko,tại sao thế hệ sát sau thời hạn này lại không thờ cúng tại đây nữa?Chắc chắn theo các chuyên ja thời ấy,nơi này không còn năng lượng,ko còn linh thiêng nữa,ví von 1 cách hơi thô thì nó như bình acquy đã hết điện...Vì vầy,mọi người hãy nghiên cứu nó dưới góc độ di ti h lịch sử,chứ đừng gắn nó với mặt tên linh,như kiểu đàn Xã tắc,có 1 số người nói wá lên rằng nếu xây cầu lên trên là " đi trên đầu tổ tiên",thật nực cười.

Văn -

Người xưa cũng tin thần linh, bây giờ hình như cũng vậy. Xưa thì có đàn tế lễ, giờ thì lên chùa hết.

Hiển thị thêm bình luận