|
Ngoài căn hầm tránh bom của Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội, còn có 11 dự án khác được vinh danh năm 2013. |
Hầm tránh bom của Khách sạn Metropole Hà Nội hé mở một trang sử mới trong bề dày lịch sử vốn có của khách sạn hơn trăm năm tuổi này, một trong những khách sạn danh giá nhất Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.
Hội đồng giám khảo UNESCO đã đánh giá cao cách tiếp cận sát sao trong việc bảo tồn và khôi phục căn hầm tránh bom: "Bị lãng quên trong nhiều thập kỷ và được phát hiện năm 2011, hầm tránh bom Metropole vẫn giữ nguyên và được bảo tồn trong trạng thái ban đầu, có lắp đặt lại hệ thống thông hơi và hệ thống điện để đảm bảo đi lại thuận tiện và an toàn cho khách tham quan. Qua sự tiếp cận nhạy bén và sự giải thích tường tận, thấu đáo, dự án đưa ra một cái nhìn chung về tầm quan trọng trong lịch sử Việt Nam đương đại”.
TS Tim Curtis, Trưởng ban Văn hóa của UNESCO Bangkok, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng giám khảo Giải thưởng Di sản sẽ chính thức trao Kỷ niệm chương cho ông Clive Scott, Tổng Giám đốc Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội. Ngoài ra, bằng khen cũng sẽ được trao tặng cho các thành viên chủ chốt của dự án hầm tránh bom này.
Được biết, tổng cộng 47 công trình từ 16 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã được đệ trình tham gia giải thưởng Di sản năm 2013 của UNESCO. Các công trình bao gồm bảo tàng, khách sạn, văn phòng, các tổ chức văn hóa, cơ sở giáo dục, các cơ sở tôn giáo, các khu công nghiệp, các tổ chức cộng đồng, khu dân cư cũng như khu đô thị. Ngoài căn hầm tránh bom của Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội, còn có 11 dự án khác được vinh danh năm 2013.
Đặc biệt, Việt Nam đã tham gia chương trình giải thưởng UNESCO từ năm 2000. Cùng với hầm tránh bom của Khách sạn Metropole Hà Nội và nhà cổ Đường Lâm, 3 dự án khác của Việt Nam từng nhận được giải thưởng Di sản của UNESCO bao gồm dự án bảo tồn phố cổ Hội An (dự án đạt giải thưởng xuất sắc năm 2000), dự án ngôi nhà Việt cổ truyền thống (giải công trạng năm 2004) và Nhà thờ tộc Tăng (Hội An) (giải Danh dự năm 2009).
Giải thưởng Di sản châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO công nhận những nỗ lực của các cá nhân và tổ chức trong việc phục hồi và bảo tồn thành công các công trình giá trị di sản trong khu vực. Các dự án tham gia xét giải phải từ 50 năm trở lên, quá trình khôi phục phải được hoàn tất trong vòng 10 năm gần nhất. Các công trình được đưa vào sử dụng hữu hiệu ít nhất một năm, kể từ ngày công bố giải thưởng. UNESCO tin rằng, việc công nhận những nỗ lực để khôi phục các công trình kiến trúc lịch sử sẽ khuyến khích cộng đồng nói chung, cũng như các chủ doanh nghiệp nói riêng nâng cao ý thức trong việc bảo tồn các di sản văn hoá.
Mạnh Hùng