"Sứ Móng Cái, vại Hương Canh" là câu nói cổ xưa mà các cụ đã dạy. Nhà thơ Tố Hữu cũng từng viết: "Ai về mua vại Hương Canh/Ai lên mình gửi cho anh với nàng". Thế nhưng, loại gốm cổ nức tiếng từng chọn cúng tiến triều đình đang có nguy cơ thất truyền.
Gốm cổ tiến vua
Ông Nguyễn Vinh Xưởng, người Hà Nội có thú vui sưu tầm chum vại cổ đã lâu, nên về gốm ông sành lắm. Trong nhà ông, bao nhiêu loại gốm đều đủ cả, nhưng ông trọng nhất là gốm Hương Canh. Có lẽ vì thế, trong số hơn 12 loại gốm mà ông có, phân nửa số ấy là gốm Quế và Hương Canh.
Ông Xưởng bảo, gốm Bát Tràng nổi tiếng nhưng chỉ là "thùng rỗng kêu to". Thời đại mới, gốm Bát Tràng cũng biến hóa khiến gốm chỉ còn là cái tên, cái ruột thì không phải là gốm nữa. Nhưng riêng "anh Hương Canh" thì vẫn là gốm thật, đủ nhiệt, đủ độ lại không pha chế hóa chất gì nên mộc nhưng sang.
Hương Canh ngày nay trở thành một thị trấn sầm uất của huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Nhưng trong cái ồn ào ấy, vẫn còn những cửa hàng nho nhỏ bán gốm cổ, tuy không nhiều nhưng đủ nói lên sức sống của gốm - mặt hàng mà ai cũng biết là rất kén người chơi.
|
Gốm Hương Canh từng được chọn để cúng tiến triều đình. |
Người làng khác đã từng lên tiếng phủ nhận Hương Canh là gốm cổ. Nhưng bằng chứng là ngôi đền thờ tổ nghề ở giữa làng với đôi câu đối cũng cổ kính là bằng chứng xác thực. Đối rằng: "Mậu kỷ huân đào bằng thánh tổ/Quý nhân tài hóa lại tiên sư".
Tổ nghề gốm đó là quan Nội hầu Trịnh Xuân Bền thời Lê - Trịnh. Hơn 300 năm trước, sau khi đánh bại Quận Hẻo Nguyễn Danh Phương, triều đình phái Trịnh Xuân Bền về phủ dụ dân chúng. Thấy xóm làng xơ xác tiêu điều, dân chúng phần phiêu bạt, phần hồi cư không kế sinh nhai. Quan Nội hầu vốn giỏi gốm mới dạy cho dân nghề cang chĩnh.
Suốt một thời kỳ dài, gốm Hương Canh được chọn là vật cúng tiến triều đình. Trấn Sơn Tây xưa chỉ có Hương Canh là phồn thịnh với gốm. Cũng từ đó, người xưa mới dạy, chọn sứ thì ra Móng Cái, mua gốm thì về Hương Canh. Suốt 3 thế kỷ, gốm Hương Canh có mặt khắp các thôn làng với những hũ tương, vại cà, chum mắm cáy.
|
Hương Canh có truyền thống làm gốm 300 năm. |
Không men vẫn bóng
Trong nghề làm gốm, có lẽ Hương Canh là nơi duy nhất không bao giờ dùng men quết lên da gốm sau khi ra lò. Nghệ nhân Giang Thị Nhạn cho hay: "Cái hay là không quết men mà gốm vẫn bóng như thường. Đó là do nguyên liệu sét và kỹ thuật đốt lò mà thành".
Thông thường, các làng gốm truyền thống của nước ta hoặc là chú tâm đến độ bền mà quên đi màu sắc. Hoặc là chỉn chu cho da gốm mà không đạt được độ bền. Còn Hương Canh thì chú ý cả hai, nhưng không cần pha men mà gốm vẫn lên màu bóng thì thật hiếm và lạ.
Theo giải thích của bà Nhạn, sét Hương Canh có hai loại: Nâu và xanh. Phía trên là sét nâu, đào sâu xuống 3 mét là sét xanh. Lấy hai loại sét theo tỷ lệ 2 xanh, 1 nâu hoặc ngược lại trộn với nhau thì sẽ ra được màu tương ứng. Tùy theo sở thích, có người thích màu rêu xanh tựa ngọc thì sẽ dùng sét xanh nguyên chất. Người thích màu đỏ tía thì dùng sét nâu mà nung ở độ lửa vừa phải.
Tuy nhiên, cũng tùy sản phẩm mà chọn lửa cho độ bền tăng. Ví như tiểu sành thì phải nung cho thật nhừ, khi qua giai đoạn xanh men ngọc thành màu nâu sậm thì mới đạt. Nhưng vại hoặc chum thì bớt lửa đi, màu gốm thành đỏ hoặc nâu bóng. Dùng vại ấy mà ngâm cà, đựng tương thì không vơi không bớt đi chút nước nào bên trong.
Anh Nguyễn Hồng Quang, đời thứ 4 trong dòng họ Nguyễn làm gốm Hương Canh thì bảo: "Khi gốm ra lò, gõ vào kêu vang như chuông đồng thì gốm đạt chuẩn. Nhưng gốm các làng khác có đạt chuẩn mà gõ thì cũng không vang. Đấy là đặc tính của gốm Hương Canh".
|
Anh Quang là đời thứ 4 của họ Nguyễn làm gốm. |
Độc đáo lò cóc
Ông Lê Tuấn, thợ cả của lò gốm Nụ cho hay: "Duy nhất ở Hương Canh là đốt gốm bằng lò cóc. Lò cóc giống như con cóc, phần miệng cóc là nơi thoát khói, phần dưới để đun lửa. Thiết kế lò cóc phức tạp nhất trong các loại lò đốt, nhưng sản phẩm nung trong lò cóc thì đều hơn".
Theo ông Tuấn, có những thuật ngữ mà không làng gốm nào có. Như trong lò cóc phải có quạt vả, quạt này khác với quạt tát, dùng để thổi lửa ngược lại để tạo ra lửa đảo. Lửa đảo bao giờ cũng nóng hơn lửa hoàn nguyên nên sản phẩm sẽ chín đều và nhanh.
Ngoài ra, trong lò cóc còn có các bộ phận chuyên biệt như cây đèn, vắt khăn, dát mào... có tác dụng giữ cho nhiệt độ tăng dần đều. Khi trời mưa, nhiệt độ ngoài lò sẽ giảm làm cho sản phẩm bị sống hoặc khắm khói. Các bộ phận trong lò sẽ có tác dụng giữ nhiệt để thợ kịp thời xử lý.
"Ngày trước thì vật liệu để nung lò chỉ dùng hai loại thân cây guột hoặc thân cây sim. Hai loại củi này rất bén khi gặp đất sét nên tạo ra nhiệt độ vừa đủ. Bây giờ thì không còn guột hay sim nên phải dùng than hoặc củi tạp. Sản phẩm vì thế cũng không đẹp bằng ngày xưa", ông Lê Tuấn tiết lộ.
|
Hương Canh còn 3 nhà làm gốm. |
Nay còn, mai mất
Dẫu trải qua 300 năm làm nghề, sản phẩm gốm có lúc đạt tới đỉnh cao, thế nhưng người Hương Canh vẫn phải đối mặt với nguy cơ thất truyền nghề cổ. Đó là sự thật, nhiều khi đau xót nhưng phải chấp nhận.
"Khi xưa, cả làng làm gốm, từ đứa trẻ cũng biết thì bây giờ còn đúng 3 nhà còn giữ được nghề. Mỗi xưởng có 5 thợ cả, thợ phó tất thảy thì cả Hương Canh chỉ còn đúng 15 người còn biết làm gốm. Trong đó, chỉ có một người được gọi là nghệ nhân", ông Nguyễn Đức Hợi, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Canh cho biết.
Theo ông Hợi, nguyên nhân dẫn đến nguy cơ thất truyền của gốm thì nhiều. Nhưng tựu chung lại, đó là hàng hóa công nghiệp tràn lan, người dân không muốn mua gốm vì giá tiền khá cao, lại nặng nề, phức tạp.
Nghệ nhân duy nhất, bà Giang Thị Nhạn lại đưa ra lý do: "Ngoài hàng hóa công nghiệp tràn lan thì chúng ta chưa biết quảng bá gốm. Người thích và người biết chơi gốm rất hiếm. Mà kể cả người biết hay thích gốm thì chưa chắc đã dám bỏ tiền ra mua gốm, vì bao giờ gốm cũng đắt hơn hàng công nghiệp".
Bà Nhạn cho hay, ở các hàng bán gốm Hương Canh, có những sản phẩm gốm màu vàng bóng đều là hàng nhái giá rẻ. Trong khi đó sản phẩm chính thống lại giá cao, mẫu mã không bóng bẩy như hàng nhái. Người mua hàng thì cứ nhè hàng nhái mà mua. Hỏi sao nghề gốm cổ không bị thất truyền?
"Sứ Móng Cái, vại Hương Canh" đã là câu nói xưa. Bài học nhỡn tiền là sứ Móng Cái đã tuyệt chủng từ trước những năm 2000. Vại Hương Canh còn đó, èo uột, hiu hắt rồi cũng đến lúc nay còn, mai mất.
"Thời thịnh đạt nhất của gốm Hương Canh là những năm bao cấp, 100% xã viên tham gia HTX sản xuất gốm. Đến nay chỉ vỏn vẹn 3 hộ. Gốm giờ không còn người mua. Họ chuyển sang làm tiểu quách, giá 2 triệu một chiếc. Địa phương đã quy hoạch khu làng nghề rộng 10ha, tỉnh đã giao cho Sở Nông nghiệp làm chủ đầu tư nhưng chục năm rồi chưa thấy gì".
Ông Nguyễn Đức Hợi (Phó Chủ tịch UBND xã Hương Canh)
Trần Hòa