Hội thảo được tổ chức bởi 5 đơn vị trong đó có 2 đơn vị khoa học. Theo đó, đa phần các tham luận tại hội thảo đều tán đồng với quan điểm: ngôi mộ cổ mới phát tích tại Đồng Hới, Quảng Bình là mộ của công chúa Lý Kiều Oanh (?!). Song một số ý kiến phản biện tỏ ra hồ nghi bởi nhiều tình tiết.
Đó là nội dung chính của "Hội thảo khoa học về ngôi mộ cổ mới phát tích tại Đồng Hới, Quảng Bình" diễn ra hôm qua (11/6) tại UBND phường Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh).
Mộ cổ hay..."hầm trú ẩn"?
Là người tới tận ngôi mộ, nghiên cứu và phân tích nhiều tháng trời, nên ngay khi phát biểu, PGS. TS Nguyễn Lân Cường, Phó tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam đã "rào" ngay những ý kiến trái chiều về ngôi mộ.
Ông nói: Từ lúc khảo sát và nghiên cứu về ngôi mộ, tôi đã gặp nhiều ý kiến hồ nghi xung quanh di chỉ này: Đó là ngôi mộ cổ hay chỉ là "hầm trú ẩn"? Nếu là ngôi mộ thì cổ tới mức nào? Bằng cứ nào để chứng minh đó là mộ của công chúa Lý Kiều Oanh?... Tôi khẳng định đó là ngôi mộ cổ của công chúa Lý Kiều Oanh triều Lý và được tu tạo lại bởi triều Nguyễn.
|
Các hiện vật tìm thấy tại ngôi mộ cổ được các nhà khoa học dùng để chứng minh ngôi mộ cổ với nhiều trầm tích văn hóa- lịch sử. |
Dẫn chứng cho luận điểm của mình, PGS. TS Nguyễn Lân Cường có mang tấm bia mộ và những vật khai quật được tại di chỉ. Cụ thể, tấm bia khắc chữ Hán có dòng chữ: "Lý Kiều Oanh công chúa". Theo PGS. TS Nguyễn Lân Cường, tấm bia làm bằng đá hoa cương, một loại đá quý mà hoàng tộc xưa thường dùng trong các ngôi mộ.
Ông phân tích: "Nhà Lý- Trần thường sử dụng đá sa thạch, nhà Lê, Hồ dùng đá vôi, nhà Nguyễn dùng đá hoa cương... Thêm nữa, cấu trúc ngôi mộ có tường bao quanh, cửa và bình phong. Cấu trúc này giống các ngôi mộ hợp chất đã đào được ở TP.HCM, ở Tân An, tỉnh Long An... Những ngôi mộ này đều có niên đại Nguyễn. Hơn nữa, trong di chỉ lại tìm thấy nhiều hiện vật thời Trần, Lê (mặc dù số lượng rất ít). Nên ngôi mộ này là ngôi mộ cổ được tu tạo lại vào triều Nguyễn, trên nền của ngôi mộ cũ.
|
PGS. TS Nguyễn Lân Cường với tấm bia ông xác định ngôi mộ là của công chúa Lý Kiều Oanh. |
"Mộ công chúa Lý Kiều Oanh" (?!)
Trước hội thảo, diễn giả cũng như thính giả có đi thắp hương ở đền Đô (nơi thờ 8 vị vua nhà Lý). Trong các đơn vị tổ chức hội thảo có: đại diện dòng họ Lý ở Việt Nam cùng UBND phường Đình Bảng (nơi được cho là phát tích vương triều Lý). Tất cả các bài phát biểu cũng mặc nhiên coi chủ nhân của ngôi mộ là công chúa thời Lý tên Lý Kiều Oanh.
Tuy nhiên, điều đó không thể khỏa lấp được việc bằng chứng và luận cứ các nhà khoa học đưa ra ít và yếu. Có hai chứng cứ quan trọng nhất là tấm bia đá được cho là cổ và một vài cổ vật tìm thấy trong di chỉ cũng vấp phải những phản biện đầy hồ nghi của thính giả.
Ông Nguyễn Mạnh Linh, Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người chất vấn diễn giả: "Có một vài điều tôi thấy chưa thật thỏa đáng. Thứ nhất, về kích thước tấm bia đá, tấm bia đá cứng màu xanh vàng, kích cỡ 0,25m x 0,1m đẽo đục sơ sài ghi tên công chúa là không hợp lý. Bia ở mộ công chúa không thể nhỏ và sơ sài như vậy. Thứ hai, về cách viết trong bia, chữ trong bia là chữ "Khảm". Còn chữ viết trong bia của các gia đình hoàng tộc xưa phải là chữ "Triện". Thêm nữa, thời Lý không viết tên ở bia mộ theo lối đầy đủ tên tuổi như vậy. Người xưa sẽ chỉ viết: "Kiều Oanh công chúa" chứ không viết đầy đủ họ tên "Lý Kiều Oanh công chúa".
Theo thông tin của TS Mai Hồng, công chúa Lý Kiều Oanh là con gái của vua Lý Thái Tông và Hoàng hậu Thiên Cảm. Khi Kiều Oanh trưởng thành, vua cha gả nàng cho Quận công Hồ Đức Cưởng. Công chúa Kiều Oanh được lập phủ đệ riêng ở trại Bố Chánh (sau là phủ Tân Bình) ở cùng với nơi chồng Hồ Đức Cưởng trấn thủ.
|
Một số thính giả khác cũng tỏ ra không phục lắm khi di chỉ được cho là mộ công chúa nhà Lý song các hiện vật được mang ra là của các vương triều Trần, Nguyễn... Còn xương hay tro cốt của "công chúa" để xét nghiệm chính xác cũng chưa xác định được cụ thể ở đâu mà chỉ ở mức...dự đoán. "Nên sẽ là khiên cưỡng và nóng vội nếu xác định ngôi mộ thời Lý"- một thính giả chia sẻ.
Trả lời phần nào những khúc mắc này, TS Mai Hồng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng Phả học Việt Nam phát biểu: Khi tôi tới TP.Đồng Hới (Quảng Bình), hỏi thăm các ông già bà cả , ai ai cũng đều nói về một tấm bia đá cao chừng 70-80cm, rộng 35- 40cm, khắc nhiều chữ Nho. Sau do loạn lạc, không biết tấm bia đá đó đâu nữa. Tôi cho rằng đây mới là tấm bia chính. Còn tấm bia tìm thấy chỉ như để phân giới, khoanh vùng lăng mộ...
Sau một vài lời giải thích tương tự, hội thảo khoa học khép lại "thành công tốt đẹp" với thông điệp trực tiếp từ ban tổ chức là: "Mong chính quyền tỉnh Quảng Bình tạo điều kiện để giới khảo cổ tiếp tục khai quật sâu hơn di chỉ".
TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU
Theo Thể Thao & Văn Hóa