Phát hiện mới về dấu vết từ sớm của người Việt thời đại kim khí tại Trường Sa, hay thêm một cọc gỗ Bạch Đằng - thuộc nhóm phát hiện mới được công bố tại hội nghị thông báo “Những phát hiện mới về khảo cổ học lần thứ 49”, diễn ra tại Hà Nội hai ngày 25 và 26/9.
|
Một số hiện vật phát hiện tại quần đảo Trường Sa. Ảnh: KCH.
|
Sự có mặt liên tục của người Việt ở Trường Sa
PGS.TS Bùi Văn Liêm - Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học chia sẻ bên lề hội nghị, ông có mặt trong đoàn chuyên gia của Viện Khảo cổ học, Cục Di sản Văn hóa, Bảo tàng Khánh Hòa, trường ĐH KHXH&NV TPHCM khảo sát ở bốn đảo: Trường Sa Lớn, Nam Yết, Sơn Ca, Phan Vinh, từ 21-29/6.
Không phải lần đầu khai quật ở quần đảo này, chuyên gia của Viện Khảo cổ khai quật có hệ thống trên đảo Trường Sa Lớn, Nam Yết vào năm 1995, đảo Sơn Ca vào năm 1999 để thu thập chứng cứ khoa học phục vụ cho khẳng định chủ quyền lãnh hải, biển đảo.
Các đảo khác đều được điều tra và thu lượm hiện vật trên mặt. Tổng số hiện vật thu được trong các đợt điều tra, khai quật trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa là 498 hiện vật, trong đó có đồ gốm sứ các loại, đồ sành, tiền kim loại thời Nguyễn (Minh Mạng, Tự Đức).
Theo kết luận của các chuyên gia, kết quả khảo cổ học cho thấy, người Việt có mặt ở đây từ rất sớm, ít nhất là từ cuối thời Trần và liên tục có mặt trong các thế kỷ sau.
Trên đảo Nam Yết, các nhà nghiên cứu tìm thấy trong hố khai quật có dấu vết của bếp lửa giữa những vỏ sò, ốc cùng hàng trăm mảnh gốm men trắng vẽ chỉ lam quanh miệng (loại gốm chỉ có xứ Đồng Nai, Biên Hòa giai đoạn cuối thế kỷ 19). Đó là bằng chứng chắc chắn của một nơi cư trú của người Việt trong thời gian dài.
“Trong đợt khảo sát tháng 6 vừa rồi, đoàn phát hiện những mảnh gốm của cư dân văn hóa Sa Huỳnh ở Trường Sa lớn, phát hiện những mảnh gốm sứ sành của người Việt thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Những tư liệu này cùng những tư liệu của các đợt khảo sát khai quật năm 1993-1999, khẳng định nghiên cứu trước đây của chúng tôi là khách quan, khoa học. Đây là dấu vết không thể chối cãi, khẳng định chủ quyền của người Việt với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa cũng như trên biển Đông”, TS Liêm nói.
Viện có tiếp tục mở rộng quy mô khai quật? Ông Liêm nói rằng, các chuyên gia chuẩn bị báo cáo các cấp có thẩm quyền, tiếp tục khảo cổ học ở Trường Sa.
“Chúng tôi kiến nghị tiếp tục triển khai khảo cổ học dưới nước ở Trường Sa, Hoàng Sa đồng thời tiến hành quy hoạch khảo cổ học ở Trường Sa, và lên kế hoạch bảo vệ các di tích, di vật hiện có nhằm tránh những ảnh hưởng của các cư dân hiện đại đến các dấu vết cổ”, ông nói.
Được biết, Viện sẽ tổ chức trưng bày, quảng bá những tư liệu tìm được trong các đợt khảo cổ học tại Trường Sa.
Phát hiện mới ở di tích Bạch Đằng
Trong khuôn khổ thực hiện đề án về bảo tồn và phát huy di tích chiến thắng Bạch Đằng, đoàn khảo cổ của Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành một số hố khai quật thám sát trong phạm vi chiến trường Bạch Đằng (phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh). Trong số hiện vật thu được, có một đoạn xương hình ống dài 5cm, có dấu vết băm ở một đầu và chặt vát ở một đầu kia, tìm thấy trong tầng đất đen.
Theo kết quả đối chiếu sinh học, bước đầu kết luận: Đây là đoạn xương cẳng tay trái người phần gần sát với xương quay vai. Phần phía trên có vết băm mẻ, phần dưới có vết chặt vát sắc lẹm. Vết chặt vát để lại rõ ràng những đường xước mảnh của một lưỡi kim loại rất sắc, không đi hết ống xương mà dừng lại ở 2/3 ống xương phía bên kia, gây sự đứt gãy.
Theo nhóm nghiên cứu Nguyễn Việt, Nguyễn Thị Thúy Ngà, Đào Hương Thủy, đây là vết tích xương người thứ 6 tại bãi cọc Yên Giang. Các phần di cốt khác được nghiên cứu, báo cáo và định tuổi carbon phóng xạ cho thấy khả năng xương người phát hiện tại khu Bãi cọc Bạch Đằng Yên Giang ít nhiều liên quan đến trận chiến chống quân Nguyên Mông năm 1288.
Cũng tại bãi cọc Yên Giang, nhóm chuyên gia của Viện Khảo cổ học và Phòng Văn hóa thị xã Quảng Yên báo cáo về việc phát hiện thêm một cọc gỗ Bạch Đằng, trong đợt khảo sát tháng 5/2014. Theo đó, trong hố ở độ sâu 75-90cm, xuất lộ một cọc gỗ trong lớp đất sét bùn màu xám vàng, có đường kính 27-28 cm, cao còn lại 1,2m. Thân cọc hình trụ tròn, một phần còn nhẵn bóng, chân cọc nghiêng về phía đông, đầu cọc bị gãy và mủn.
Chiếc cọc mới xuất lộ này có đường kính lớn hơn cả những cọc phát hiện gần đây ở các bãi cọc Đồng Vạn Muối, Đồng Má Ngựa. Đáng chú ý, về phía đông của cọc xuất lộ một tấm ván không còn nguyên vẹn, về phía tây cọc trên bề mặt bùn đáy sông ở lớp cọc được đóng vào, có sự xáo trộn cục bộ. Những hiện tượng này gợi ý về các hoạt động trong quá trình đóng cọc, hoặc tàn dư của trận đánh-cần tiếp tục nghiên cứu, xác định trong tương lai.
Hội nghị thông báo “Những phát hiện mới về khảo cổ học lần thứ 49” khai mạc 25/9 tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, với hàng trăm thông báo về khảo cổ học Thời đại đá, Thời đại kim khí, Lịch sử, Chăm Pa - Óc Eo, khảo cổ học dưới nước. Những hoạt động này phục vụ nghiên cứu chuyên sâu, xây dựng hồ sơ di sản, quy hoạch, bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, di sản.
Theo Toan Toan/Tiền Phong