Ngày 22/11, Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Định phối hợp với Trung tâm khảo cổ học Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ tổ chức báo cáo kết quả khai quật thành Hoàng Đế nhà Tây Sơn (xã Nhơn Hậu, TX.An Nhơn) lần thứ 6 năm 2013.
Lần khai quật này nhằm phục vụ cho việc xác định vị trí xây mới Đền thờ Hoàng đế Nguyễn Nhạc của nhà Tây Sơn, tránh chồng lấn di tích cũ. Kết quả, với 27 hố thám sát (rộng 500 m2) ở phía đông Tử Cấm thành có sự tồn tại với mức độ đậm nhạt khác nhau của 3 giai đoạn lịch sử, trong đó yếu tố Chămpa nằm ở lớp dưới cùng có thể là khu vực cư trú của cư dân thành Đồ Bàn, vết tích văn hóa thời Tây Sơn - nhà Nguyễn xuất hiện trên bề mặt rất ít.
|
PGS-TS Bùi Chí Hoàng, Phó viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, trình bày phát hiện mới về chu vi thành Hoàng Đế.
|
Trong lần khai quật này, bằng số liệu hệ thống định vị toàn cầu (GPS) kết hợp với ảnh vệ tinh, phục dựng 3D, các nhà khoa học đã xác định lại chu vi thành Hoàng Đế. Trong đó, thành ngoại có chu vi khoảng 7.575 m, chân thành rộng khoảng 30 - 40 m, chiều cao còn lại khoảng 3 - 5 m.
Thành nội có tường tây dài khoảng 511 m, tường nam dài 366 m, chưa xác định được tường đông và tường bắc. Tử Cấm thành có cạnh bắc, nam dài khoảng 306 m, cạnh đông, tây dài khoảng 128 m. Kết quả xác định chu vi thành Hoàng Đế lần này rất khác so với những lần trước.
Theo Thanh Niên