Nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc với chữ viết Khoa Đẩu bị thất lạc và chính Khổng Tử đã dựa vào những kinh sách của chữ Khoa Đẩu để soạn lại bằng chữ Việt Nho - loại chữ thay thế chữ Khoa Đẩu với những kinh sách mà Khổng Tử đã dựa vào đó để soạn lại bằng chữ Việt.
Sách bằng chữ Khoa Đẩu hay Thiên thư
Đến ngày nay vẫn còn rất ít tác giả nghiên cứu lại vấn đề này, tuy nhiên sự tồn tại của nền văn minh Khoa Đẩu của dân tộc Việt cổ là một sự thật lịch sử không thể phủ nhận. Ngoài những ký hiệu vạch liền và vạch đứt cùng các dãy chấm đen và chấm trắng ghi trong hai bảng Âu Đồ và Lạc Thư, chắc chắn dân tộc Việt cổ đã phát triển một hệ chữ viết hoàn chỉnh, mới có thể tạo nên nền Lịch Toán Can Chi nổi tiếng để phục vụ nền nông nghiệp còn để lại dấu vết cho đến ngày nay.
Nhiều nhà nghiên cứu đã khảo sát các gia phả cổ của nhiều dòng họ thuộc Vĩnh Phúc, Việt Trì, Phú Thọ... đã cho biết trong các đời vua Hùng, các gia đình thuộc hoàng thân, quốc thích đều có nuôi gia sư để dạy các vị Hoàng Tử, Công chúa cùng các con cái trong nhà. Như vậy thì thời các vua Hùng chữ viết đã được phổ biến trong các gia đình quý tộc. Có chữ viết mới cần nuôi thầy dạy học.
Trải qua các thời kỳ dài hàng ngàn năm với các cuộc bị xâm lược liên miên, tiếp đến bị mất nước và bị đô hộ thêm hàng ngàn năm nữa, nền văn hóa Văn Lang cùng chữ Khoa Đẩu đã bị xóa sạch cũng là lẽ tất nhiên. Tuy nhiên, những sự thật lịch sử liên quan thì không một lực lượng đô hộ và xâm lược nào có thể xóa hết.
|
Chữ cổ trên trống đồng được trưng bày tại Đền Hùng. |
Chính Khổng An Quốc, cháu 12 đời sau của Khổng Tử đã ghi trong bài tựa cuốn Thượng Thư (Kinh Thư) như sau: "... thời Lỗ Cung Vương, thích sửa sang cung thất, Vương cho phá nhà cũ của Khổng Tử để mở rộng thêm. Trong tường nhà tìm được Thư, phần Ngu, Hạ, Thương, Chu cùng Tả Truyện, Luận Ngữ, Hiếu Kinh đều viết bằng chữ Khoa Đẩu cổ văn do ông cha chúng tôi cất giấu. Vương lại lên nhà thờ đức Khổng Tử, nghe được tiếng vàng, đá, tơ, trúc, bèn không cho phá nhà nữa, đem toàn bộ sách trả cho họ Khổng.
Lối chữ Khoa Đẩu bỏ từ lâu, người đương thời không ai đọc được nữa, phải lấy sách nghe được ở phục sinh khảo luận văn nghĩa, định những chỗ đọc được, dùng lối chữ Lệ cổ viết sang thẻ tre, nhiều hơn sách của Phục Sinh hai mươi lăm thiên..." - Khổng Tử: Kinh Thư - Bản dịch của Trần Lê Sáng và Phạm Kỳ Nam - Nhà XB.VH-TT- Hà Nội-2004, Tr. 228-229.
Đây là một chứng cứ rõ ràng về sự tồn tại của nền văn minh thông qua chữ Khoa Đẩu với những kinh sách mà Khổng Tử đã dựa vào đó để soạn lại bằng chữ Việt Nho - loại chữ thay thế chữ Khoa Đẩu xưa. Loại chữ cổ này của dân Việt Thường có lẽ đã phát triển theo hướng chữ Nho xưa (từ thời Đông Chu Liệt quốc). Rõ ràng nguồn gốc của Ngũ Kinh (trong đó có Kinh Dịch) do Khổng Tử soạn là bắt nguồn từ các sách viết bằng chữ Khoa Đẩu đã được thay thế bằng chữ Việt Nho. Không Tử cũng không phải là người gốc Hán - mặc dầu nước Trung Hoa sau này nhận ông thuộc Hán tộc! Ông là một học giả người nước Lỗ - nhiều khả năng là một nhánh của Việt tộc cổ - do đó mà am hiểu cả chữ Khoa Đẩu lẫn chữ Việt Nho đương thời.
Kể cả các kinh sách mà Khổng Tử biên soạn lại bằng chữ Nho xưa cũng là dựa vào những bộ sách bằng chữ Khoa Đẩu cổ. Nền văn minh Khoa Đẩu đó, chỉ có thể là nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc. Vì vậy, những người Trung Quốc xa xưa đọc được loại chữ này, mỗi khi giải mã được một vấn đề hay một mảng nào đó trong Kinh Dịch hay Lịch Toán cổ, mới cho rằng nhờ Thiên Thư (sách Trời) mà hiểu được.
|
Tranh minh họa. |
Tử vi, phong thủy, Hà Lạc... bắt nguồn từ người Việt
Ngoài các tài liệu quan trọng mà Khổng Tử đã soạn lại thông qua nền văn hóa Khoa Đẩu cổ, còn rất nhiều tài liệu quan trọng xuất phát từ nền văn hóa này như Lịch Toán Can Chi, các môn dự báo về Phong Thủy, Hà Lạc hay Tử Vi... đều xuất phát từ nền văn minh Khoa Đẩu cổ. Rõ ràng là những người giỏi thuyết âm dương và những ứng dụng của nó ở Trung Quốc xưa, phần nhiều đều do thần tiên truyền lại, thông qua "sách thần" mà biết.
Những vị thần tiên đó chẳng qua chỉ là những người đã am hiểu hoặc đọc được chữ Khoa Đẩu cổ của nền văn hóa Âu Lạc đã bị thất truyền và mai một do thời gian dài bị nạn ngoại xâm và bị đô hộ mà thôi. Các sách viết bằng chữ Khoa Đẩu của nền văn hóa này đã bị kẻ chiến thắng thu hồi và đem về nước, lưu vào các kho sách quý của Triều đình.
Trước thời kỳ người Hoa chiếm cứ miền Hoa Hạ không có nền văn minh nào khác ngoài nền văn minh của nước Văn Lang xưa. Từ nền văn minh Khoa Đẩu đã chuyển thành nền văn minh Việt Nho cổ. Vua Hạ Vũ đã có công đồng hóa nền văn hóa nông nghiệp Việt Nho, vốn là nền văn hóa bản địa, vì có như thế mới dạy được dân Hán du mục trở thành dân nông nghiệp và mới có thể cai trị và đồng hóa dần được dân bản địa vốn đã sống lâu đời ở vùng Hoa Hạ này.
Người Hán đã có công dùng chữ Nho để "phiên âm" tiếng Hán, tạo nên chữ Hán (vốn bắt nguồn từ chữ Việt Nho) và nền văn hóa "Hán Nho". Họ đã dùng Hán Nho để bành trướng nền văn hóa Hán tộc. Tuy nhiên, chính nền văn hóa Hán tộc lại đã chịu ảnh hưởng sâu sắc và mang dấu vết đậm nét của nền văn hóa Việt Nho cổ. Điều này giải thích nhiều từ ngữ Hán - Việt có chung ý nghĩa từ rất xa xưa truyền lại cho đến hiện nay.
Về nền Văn hóa Việt Nho, nhà dân tộc học Trung Quốc là Vương Đồng Linh, trong cuốn "Trung Quốc dân tộc học" của ông có ghi: "... Việt tộc đã cùng Hoa tộc làm nên Nho giáo". Như vậy là những học giả uyên bác của Trung Quốc cũng đã xác nhận điều này. Công lao của người Bách Việt đã đóng góp vào Nho giáo rất lớn. Chữ Việt Nho xưa đã thay thế chữ Khoa Đẩu cổ. Trước khi Hạ Vũ bành trướng xuống miền Hoa Hạ thì ở đây dân Bách Việt đã có một nền văn hóa phát triển cao, đó chính là nền văn hóa Việt Nho, cũng là nền văn hóa Văn Lang xưa, tiền thân của nền văn hóa Hán Nho sau này.
- Thời Tần Thủy Hoàng thống nhất được nước Trung Hoa đã coi nền văn hóa Việt Nho bản địa là "văn hóa ngoại lai" không phải của dân tộc Hán, nên đã chủ trương "đốt sách - chôn học trò" rất dã man, hòng tiêu diệt nền văn hóa bản địa, nhưng chủ trương đó đã thất bại thảm hại. Chỉ chưa được chục năm, sau khi Tần Thủy Hoàng chết, nền văn hóa đó lại được phục hồi mạnh mẽ. Lý do chính đơn giản chỉ là: Không dùng văn hóa Việt Nho thì không thể cai trị được vùng đất nông nghiệp phì nhiêu, trú phú, vẫn là nơi sinh sống của đại bộ phận dân bản địa thuộc nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc xưa.
- Cần chú ý một điều là thời cổ xưa khi chưa có chính sử, lại chưa có bang giao chính thức giữa các nước, nên người Hán xưa lúc thì gọi nước ta là Giao Chỉ, lúc gọi là Việt Thường, lúc gọi chung là Bách Việt, Miêu Việt, Lạc Việt... Sau khi đã có chính sử các sách cổ của Trung Quốc cứ thế chép lại. Khi Tần Thủy Hoàng đã thống nhất được Trung Quốc và đã sát nhập phần lớn đất đai phía Bắc của người Bách Việt vào Trung Quốc, họ gọi vùng đất còn lại của người Bách Việt là Đông Việt (người Việt ở phía Đông), Tây Việt (người Việt ở phía Tây) và Nam Việt (người Việt ở phía Nam).
GS.TSKH Hoàng Tuấn (Giám đốc Trung tâm Unesco, chuyên gia nghiên cứu về văn hóa phương Đông)