Tàu đắm 700 tuổi là tàu Đại Việt thời Trần

Google News

Tàu có nguồn gốc từ vùng vịnh Tông Can, tức vịnh Bắc Bộ hiện nay. Giới khảo cổ học còn gọi là thuyền Đại Việt thời Trần (thế kỷ thứ XIII).

Sau gần một tháng làm đê vây, hút thổi cát, con tàu gỗ bị đắm từ 700 năm trước ở vùng biển Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã được lộ diện.

Hiện trạng cho thấy, chiều dài con tàu cổ bị đắm là 20,5m, chiều ngang là 5,6m. Thân tàu được chia thành 13 khoang, với 12 vách ngăn. Hệ thống bánh lái và long cốt tàu cổ còn tương đối nguyên vẹn, khoảng 90%. Các vách ngăn khoang tàu bằng gỗ nguyên khối còn khá chắc chắn. Theo các nhà khoa học, đây là con tàu có kết cấu chắc chắn nhất từng được biết đến. Cấu trúc và kỹ thuật làm vách ngăn bằng phiến gỗ rất độc đáo. Tàu bị cháy trước khi chìm.

Qua nghiên cứu, các nhà khảo cổ đã xác định nguyên nhân đắm tàu là do xảy ra sự cố cháy nổ từ khoang thứ 4 đến khoang thứ 6, nơi chứa hàng trăm đồng tiền xu, phân thành 19 loại tròn, vuông khác nhau...

Qua các dữ liệu, các chuyên gia nhận định, đây là tàu cổ có chất liệu gỗ tốt nhất, so với 12 tàu cổ đã khai quật được trên thế giới. Các cứ liệu này cho thấy, nơi đóng tàu khá giàu về nguyên liệu gỗ quý và có kỹ thuật đóng thuyền buồm tương đối phát triển. Tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, Hội Khoa học nghiên cứu Đông Nam Á Việt Nam, nhận định: “Những cứ liệu ban đầu cho thấy, cấu trúc tàu cổ đắm có nhiều đặc điểm nổi bật, không giống với 12 con tàu cổ mà các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu về tàu đắm ở châu Á. Đó là kỹ thuật làm vách ngăn thuyền cổ rất đặc biệt và chắc chắn với cả một phiến gỗ lớn, đường kính khoảng 1m, tất cả hệ thống ván ốp thuyền bằng gỗ thông dày từ 6 - 8cm.

Qua đó xác định, tàu có nguồn gốc từ vùng vịnh Tông Can, tức vịnh Bắc Bộ hiện nay. Giới khảo cổ học còn gọi là thuyền Đại Việt thời Trần (thế kỷ thứ XIII). Vào thời này đã đạt được trình độ sử dụng thuyền buồm để đi biển tương đối tốt. Với việc phát hiện và khai quật con tàu cổ này sẽ là lần đầu tiên chúng ta bổ sung tư liệu quý về tàu thuyền cổ cho Việt Nam và thế giới”. “Con tàu này rất độc đáo được làm bằng thủ công, dùng rìu đục đẽo bằng tay từ những thân câu gỗ lớn ghép lại. Gỗ trong lòng tàu lượn đẽo theo cho vừa với khoang tàu”, họa sĩ Nguyễn Sơn Ka, nguyên Trưởng phòng Phục chế - Viện Khảo cổ học Việt Nam giải thích thêm.

 Mũi tàu là cây gỗ dày còn nguyên khối.

Xung quanh việc trục vớt hay bảo quản tại chỗ con tàu cổ tại vùng biển Bình Châu vẫn đang được nhiều chuyên gia khảo cổ nghiên cứu và cho ý kiến. Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho hay, đây là con tàu cổ thứ 6 được khai quật tại vùng biển Việt Nam. Cả 5 lần khai quật tàu cổ trước đó đều trong tình trạng bắt buộc cứu nguy. Lần này có phần chủ động hơn, đặc biệt là được tiếp cận trực tiếp và xác tàu còn khá đầy đủ. Tại các nước, người ta thường trục vớt xác tàu đưa về bảo tàng nghiên cứu biển quốc gia. Bởi xác tàu giá trị không kém gì cổ vật. Nhưng kinh phí để xử lý, bảo tồn rất lớn. Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Việt lại tỏ ra lạc quan hơn nhiều, khi cho rằng kinh phí để ngâm tẩm, xả mặn xác tàu sẽ không lớn. Chúng ta phải có một con tàu cổ trong bảo tàng. Do điều kiện sát bờ, việc đưa tàu lên không còn là vấn đề. Trung tâm của ông sẵn sàng đứng ra giúp toàn bộ khâu ngâm tẩm, xả mặn và phục dựng nguyên vẹn xác tàu. Do bởi, không thể nào cẩu lên nguyên xi được, mà phải ráp lại từng mảnh theo nguyên mẫu.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi đang xây dựng 2 phương án. Thứ nhất là trục vớt con tàu cổ và rửa mặn để trưng bày trong Bảo tàng tổng hợp tỉnh. Thứ 2 là có thể bảo tồn nguyên tại chỗ để phục vụ khách tham quan du lịch. “Chúng tôi đang trình lên UBND tỉnh Quảng Ngãi và Bộ VH,TT&DL để xin chủ trương. Làm thể nào để cho hợp lý nhất, xử lý con tàu tốt nhất để phát huy giá trị của nó”, ông Vũ nói.

 Nhiều cổ vật được vớt lên từ con tàu bị đắm từ 700 năm trước.

Cùng với phát lộ con tàu cổ, các chuyên gia đã trục vớt được 268 thùng cổ vật, trong đó có 91 thùng hiện vật còn tương đối nguyên vẹn với số lượng hơn 4.000 món. Qua phân loại bước đầu có 5 loại đồ gốm, gồm: đồ gốm sứ men nâu với các loại hình như hũ và lọ chậu; đồ gốm men ngọc với các loại hình: đĩa, bát, lư hương, cốc, trong đó đáng chú ý là đĩa trang trí nổi hình rồng mang đặc trưng nghệ thuật thế kỷ XIII; đồ sứ hoa lam gồm loại ấm 2 bầu, loại 2 tai nổi thân chia múi vẽ loại hoa bèo 3 - 4 chấm, loại chén vẽ hoa cúc dây phủ men trắng xanh, đáy mộc; đồ sứ men trắng xanh và đồ sứ men màu xanh ngọc sẫm.


Theo Công an nhân dân