Vương Hồng Sển với những “đồ xưa có ma“

Google News

(Kiến Thức) - "Đồ xưa, đồ cổ, theo quan niệm xưa là vật có ám ảnh, của ma để lại, và chính mắt tôi đã thấy trong nhiều gia đình vọng tộc, khi có người trong nhà quá vãng, thì bao nhiêu vật, y phục, giày dép, đều gởi vào nhà mồ..."

Khi cụ Vương Hồng Sển (1902 - 1996) - một nhà sưu tập lớn có danh tiếng ở Nam Bộ vào giữa thế kỷ XX ra đi ở tuổi 94, gia đình đã tìm thấy trong di cảo của cụ để lại có cuốn tạp bút ghi nhiều chi tiết sinh động liên quan đến giới sưu tập đồ cổ trong nước, đặc biệt đến những cổ vật có giá trị văn hóa và lịch sử về Thăng Long - Hà Nội...

"Tinh hoa" của đồ gốm sứ cổ


Các đồ sứ Khánh Xuân của chúa Trịnh Sâm và những đồ sứ hiệu Nội Phủ chế tác vào thời hậu Lê mà cụ Vương đã trăn trở tìm kiếm, sưu tập để đưa vào lưu giữ tại "vuông nhà cổ tích" của cụ ở số 9/1 Nguyễn Thiện Thuật, quận Bình Thạnh, TPHCM. Trong đó có nhiều đồ xưa độc đáo vốn nằm trong tay những nhà sưu tập có danh tiếng của Hà Nội trước kia nhưng sau nhiều cuộc bể dâu, "kho báu" đầy những cổ vật gom góp, suốt đời của họ bị phân tán ra nhiều nơi trong nước và có những món giá trị đã "hành phương Nam" lọt vào tay cụ Vương tại Sài Gòn. Chẳng hạn, chiếc bầu "độc long quá hải" vốn nằm trong phủ chúa Trịnh được cụ Vương "rước về" Vân Đường Phủ của mình trước ngày qua đời khoảng 7 năm.

Chiếc bầu đó cùng một số cổ vật khác được cụ Vương liệt vào hàng những món "tinh hoa" trong thế giới đồ gốm sứ cổ, nhưng đồng thời theo cụ chúng cũng đã trở thành những "đồ xưa có ma" (bốn chữ ấy do cụ Vương dùng). 

Vương Hồng Sển (trái) và học giả Giản Chi (ở hàng trước). Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn và vợ là bà Hồ Thị Hoàng Anh (hàng sau) tại Sài Gòn năm 1990. 

Chuyện là, khi chúa Trịnh và nhà Lê suy vong, các bảo vật ở cung vua và phủ chúa lọt vào tay nhà Nguyễn ở kinh thành Huế, hoặc phân tán khắp thiên hạ. Song chiếc bầu "độc long" vẫn nằm lại Thăng Long, vào tay của một thương gia giàu có vừa chuyên sản xuất cốm vòng nổi danh khắp Hà Nội, vừa sành sỏi trong việc chơi đồ xưa. Ông ta thường tìm mua cổ vật ở các gia đình vọng tộc sa sút, trong số đó có chiếc bầu của chúa Trịnh nói trên. Rồi chiếc bầu đã rời Hà Nội để lưu lạc về Nam sau năm 1975, cuối cùng "nhập" vào nhà cụ Vương năm 1985.

Khi thuộc về mình, cụ Vương rất quý chiếc bầu và đã khảo cứu xác định về giá trị lịch sử cũng như mỹ thuật qua các dòng tìm thấy trong di cảo của cụ để lại như sau: "Ngỗng sứ trắng (bầu sứ) thật trắng là màu nguyệt bạch, màu xanh thật xanh là màu vũ lộ thiên thanh (đẹp màu da trời khi mưa mới tạnh), vẽ mấy cụm mây thì hắc lợt (đen - mờ) âm dương phân minh gọi là tản vân - vẽ rồng có bốn móng (long tứ trảo) cấp bực đại thần nhưng chưa phải đế vương (năm móng). Rồng từ dưới nước tung lên là tích "độc long quá hải".

Tích cổ điển (thường) thì vẽ "long triều nhựt" (rồng chầu mặt trời), nhưng đây vẽ rồng với tay nắm lấy chữ "Thọ" (với ý nghĩa) chúc được nhiều tuổi. Ngỗng (bầu) không đề chữ hiệu, vì người đặt làm (Trịnh Sâm) có ý muốn giành ngôi vua (vua Lê) thì xưng hiệu làm chi! - và "lam Hồi bleu musulman" chánh hiệu, ngỗng còn (giữ được) mới quá, sắc sảo quá, vì là vật để trưng bày nên ít mòn, nhờ giữ kỹ nên không tì vết đã từ nhà chúa chạy ra nhà bán cốm vòng". Về niên đại, cụ Vương đoán định của chúa Trịnh Sâm "đặt làm năm Canh Tý 1780 đời Kiền Long, do tay hậu tổ Đường Anh sáng tác - qua năm Nhâm Dần 1782 chúa Trịnh Sâm băng, từ ấy đồ sứ vàng bạc trong phủ tuy không có chưn (chân) mà biết chạy". 

Vương Hồng Sển dưới nét vẽ của họa sĩ Tạ Tỵ. 

"Đồ xưa có ma"

Chiếc bầu đã nằm trong bộ sưu tập 849 món cổ vật của cụ Vương hiến tặng Nhà nước trước khi qua đời và được Bảo tàng Lịch sử TPHCM lưu giữ. Cuối tháng 12/2012, Bảo tàng chính thức xác nhận một trong các cổ vật độc đáo trong bộ sưu tập là chiếc chén cổ có tên "Tham thì thâm" đã bị mất. Từ sự cố trên, công luận nhắc lại công sức cụ đã đóng góp vào việc giữ gìn những giá trị văn hóa qua một đời sưu tập của mình.

Sinh thời cụ nêu lên ở nhiều chỗ trong các tạp bút, các trang nhật ký và thư từ giao thiệp rằng, những vị say mê sưu tập gom góp đồ cổ ngoạn, kỳ ngoạn, trân ngoạn vào nhà họ đến khi họ chết đi thì thường thường vẫn như bị những "con ma" của nghiệp lực đẩy gia sản ra khỏi cửa và chịu cảnh tứ tán, như cụ viết: "Đồ xưa, đồ cổ, theo quan niệm xưa là vật có ám ảnh, của ma để lại, và chính mắt tôi đã thấy trong nhiều gia đình vọng tộc, khi có người trong nhà quá vãng, thì bao nhiêu vật, y phục, giày dép, đều gởi vào nhà mồ (...) Câu truyền tụng "đồ xưa có ma" là thậm phải".

Riêng với cụ, đến cuối đời cụ đã xác nhận về "ma lực" của 3 món đồ cổ quý hiếm gọi là "Tam sanh hữu hạnh" đã liên tiếp thay nhau "hớp hồn" cụ ra sao?
Giao Hưởng