Có thể nói, ở xã Nghĩa Đô (Bảo Yên, Lào Cai) hiện nay là nơi cuối cùng sót lại những ngôi nhà sàn cổ của đồng bào dân tộc Tày. Và người bản địa ở Nghĩa Đô vẫn giữ nguyên được cách làm nhà độc đáo không pha trộn với bất cứ đâu.
Cúng ma tổ để dỡ nhà
Vượt qua dãy núi Thẩm Luông - đỉnh cao nhất ở huyện Bảo Yên, chúng tôi mới đến được xã Nghĩa Đô. Đây là một trong những địa bàn cư trú chủ yếu của đồng bào dân tộc Tày. Nhờ một người bạn bản địa cũng là cán bộ văn hóa tỉnh Lào Cai, chúng tôi được trực tiếp chứng kiến và cùng tham gia dựng nhà sàn của dân tộc Tày Nghĩa Đô.
|
Nhà sàn ghép đôi - đặc trưng của người Tày ở Nghĩa Đô. |
Trước khi làm một ngôi nhà sàn mới, người Tày ở Nghĩa Đô đều có một phong tục không thể thiếu là cúng ma tổ. Ma tổ theo quan niệm của người Tày ở Việt Nam nói chung tức là tổ tiên. Trước khi làm một việc gì quan trọng, người Tày đều phải sắm lễ cúng ma tổ để mọi việc xuôi chèo mát mái.
Hôm nay, anh Ma Thanh Su con trai của nghệ nhân nổi tiếng xứ Tày của Lào Cai là ông Ma Thanh Sợi có một sự kiện quan trọng nhất của đời người là dựng nhà sàn. Tất nhiên, ngôi nhà sàn cũ của bố mẹ để lại trên nền đất lưng chừng đồi sẽ phải dỡ bỏ để "xây" lên đó một ngôi nhà mới. Trước khi dỡ bỏ ngôi nhà, người trưởng tộc sẽ đảm nhiệm "lễ" cúng ma tổ. Đây là thủ tục khá phức tạp, trong khi họ hàng làng xóm giúp chủ nhà dỡ bỏ ngôi nhà, trưởng tộc sẽ phải chuẩn bị đèn dầu, hương, rượu, trà và một chiếc nón.
|
Cúng ma tổ trước khi dỡ nhà. |
Nón được treo lên ngôi nhà tạm hoặc trên một cái cột dựng sẵn. Hương đốt phải cắm trên chiếc nón. Phía dưới là chiếc đèn dầu, một chén (hoặc một chai) rượu cùng với chén trà. Sau khi báo cáo ma tổ, trưởng tộc sẽ tuyên bố "khai cuộc" dỡ nhà và dựng nhà.
Trong thời gian dỡ nhà và dựng nhà, hương đốt trên chiếc nón sẽ không bao giờ ngừng khói. Phải nói lại rằng, chiếc nón theo quan niệm của dân tộc Tày là biểu hiện cho Trái đất và ngôi nhà che mưa nắng. Hương là sự kết nối giữa người sống và người đã khuất. Nếu hương tắt, tức là mối liên hệ giữa người sống và người đã mất bị dập tắt. Ma tổ không chứng kiến được việc làm của con cháu thì ngôi nhà coi như không có linh hồn, sẽ không may mắn và vững chãi.
Cuộc dỡ nhà phải có mặt khá đông đủ các thành phần trong dòng tộc. Phải có đại diện bên nội và bên ngoại cùng cháu con chắt chút. Bởi đây là một nghi lễ thiêng liêng để dựng nhà nên dù bận bịu thế nào, người được mời cũng phải có mặt để chung tay dỡ bỏ ngôi nhà cũ, tạo dựng ngôi nhà mới cho gia chủ.
Chọn gỗ, đá và lá cọ
Không giống với người Kinh, dân tộc Tày ở Nghĩa Đô trước khi dựng nhà phải chuẩn bị đủ nguyên vật liệu. Đó là gỗ, đá và lá cọ.
|
Dỡ nhà sàn cũ.
|
Theo nghệ nhân Ma Thanh Sợi, gỗ là vật liệu không thể thiếu để làm nhà sàn. Gỗ có nhiều loại, dùng làm cột trụ thì dùng lim hoặc dổi, làm kèo thì có khơ mu hoặc nghiến. Nếu quý hơn thì có đinh hương hoặc gỗ táu. Riêng phần sàn nhà thì tùy điều kiện gia chủ. Có thể đó là gỗ mít, xoan hoặc lát sao cho vững chãi và bền đẹp.
Đá dùng để làm gì? Tất nhiên không phải để xây, vì nhà sàn không có bất cứ phần nào được kết cấu bởi vôi vữa. Đá dùng để làm đế cho các cột trụ, đá cũng có tác dụng giúp chân trụ bị mối mọt hay ẩm ám và sâu xa hơn cũng là cách để cột gỗ không bị lún xuống đất.
Đá phải được chọn lựa là loại đá xanh già tuổi. Đá được các thợ tiện bào nhẵn thành hình tròn hoặc vuông (tùy theo sở thích và mệnh tuổi của gia chủ). Nếu thiếu đá, ngôi nhà sàn sẽ mất đi sự uy nghiêm và không còn linh thiêng.
Lá cọ dùng để lợp mái. Mái nhà sàn thực ra không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ. Cọ được dùng để lợp có hai loại: Cũ hoặc mới. Nhưng thông thường, người Tày vẫn muốn dùng lá cọ cũ vì đã được hun khói nên bền và tránh được mùi.
Ở Nghĩa Đô, cọ được trồng sẵn trong vườn đồi, tuyệt đối không được đi mua. Nếu thiếu có thể xin người nhà hoặc làng xóm láng giềng. Chính nghệ nhân Ma Thanh Sợi cũng không lý giải được điều này là vì sao, chỉ đơn giản đó là phong tục từ nghìn đời nay truyền lại.
|
Lá cọ cũ dùng lợp mái. |
Khi đủ các nguyên liệu, công cuộc dựng nhà sàn không quá phức tạp. Tuy nhiên, để lắp ghép ngôi nhà thì khá kỳ công. Phải là những người thợ lành nghề, từ khâu đục đẽo đến bào cưa phải hết sức hài hòa. Ở Nghĩa Đô, ngôi nhà sàn được gọi là cổ vì khác với tất cả mọi vùng miền, nhà sàn thường ghép đôi, tức là một nhà chính và một nhà phụ.
Nhà chính rộng và uy nghi hơn dùng để tiếp khách, nhà phụ nhỏ hơn dùng để làm bếp và nơi ăn uống tắm rửa. Thế nên, để dựng được một ngôi nhà sàn, thời gian thường kéo dài từ 1 - 3 tháng.
Trong suốt thời gian làm nhà các nghi thức cần phải được tuân thủ. Mỗi bữa ăn đều là một nghi lễ, người Tày thường dùng thịt chó, thịt mèo hoặc lợn cắp nách để chiêu đãi họ hàng và thợ. Họ quan niệm, đó là sự thịnh vượng của chủ nhà trước - trong và sau khi dựng nhà.
Tiền tỷ không bán
"Bắt mùi" được những ngôi nhà sàn cổ kính và độc đáo của dân tộc Tày ở Nghĩa Đô nên mấy năm nay, dân "săn" nhà sàn chuyên nghiệp không ngừng "nhòm ngó" vật báu của vùng đất thiêng.
Ngôi nhà sàn của nghệ nhân Ma Thanh Sợi có tuổi thọ 85 năm, là một trong những ngôi nhà cổ và đẹp nhất Nghĩa Đô đã từng được trả với giá 2 tỷ đồng. Thế nhưng, dân buôn nhà sàn vẫn không có được báu vật ấy, đơn giản vì ngôi nhà là tiếng nói và phẩm chất của chủ nhà.
Không chỉ có ngôi nhà sàn của ông Ma Thanh Sợi mới được trả giá cao, ở Nghĩa Đô còn hơn 50 ngôi nhà có tuổi thọ trên 60 năm cũng được ngã giá tiền tỷ. Nhưng người Tày ở Nghĩa Đô không một ai dám bán, vì theo họ, bán nhà là bán cả tổ tiên.
"Nhà
sàn của người Tày ở Nghĩa Đô thường phần lớn là nhà hai mái, sàn ghép
dát hoặc ván gỗ. Dựng nhà sàn cần nhiều công phu. Người ta phải vào rừng
sâu tìm cho được gỗ tốt. Nhà sàn có diện tích sử dụng rất lớn, chia
thành các gian và các gian đều có chức năng riêng: Gian giữa làm bàn thờ
tổ tiên, các gian phụ dùng để sinh hoạt, cất giữ đồ".
Nghệ nhân Ma Thanh Sợi
|
TIN BÀI LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU
Hòa Trần