“Ăn bám vợ” trị bệnh miễn phí cho mọi người

Google News

Hơn 30 năm qua, ông Ngô Xuân Kháng ở xã Thọ Nghiệp, Xuân Trường, Nam Định vẫn gắng gượng trị bệnh miễn phí cho người.

- Đó là ông Ngô Xuân Kháng ở xã Thọ Nghiệp, Xuân Trường, Nam Định. Với nghị lực phi thường của người thương binh hạng nặng và tấm lòng của một lương y, hơn 30 năm qua ông vẫn gắng gượng trị bệnh miễn phí cho người.

Lương y Ngô Xuân Kháng đang bắt mạch cho bệnh nhân.
Lương y Ngô Xuân Kháng đang bắt mạch cho bệnh nhân.

Cụ thân sinh của tôi là một lang y nổi tiếng trong vùng nên ngày nào tôi cũng theo cụ đi chữa bệnh để học hỏi kinh nghiệm. Năm 1966, tôi xung phong phục vụ chiến đấu tại đường 9 Nam Lào. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, tôi tham gia tiến công cùng quân giải phóng đánh các vị trí đầu não của địch nhưng thất bại, tôi cùng nhiều đồng chí bị địch bắt ra Côn Đảo.

Cuối năm 1970, tôi cùng 3 người đồng đội đã tổ chức vượt ngục thành công để trở về với cách mạng. Tuy nhiên, những tháng ngày bị tra tấn dã man trong "địa ngục trần gian" đã khiến tôi giảm sút đáng kể sức lực nhưng tôi vẫn kiên quyết bám trụ để chiến đấu.

Xuất ngũ năm 1976, tôi bị thương tật 3/4 trở về quê hương mong lập nghiệp với đôi bàn tay sần sùi những vết đạn bom. Gia đình tôi 5 đời làm thuốc gia truyền nên chẳng mất nhiều thời gian để tôi lĩnh hội những kiến thức về y học cổ truyền.

Với cây kim nhỏ bé, trong suốt hơn 30 năm qua, tôi đã cứu hàng ngàn người thoát khỏi những căn bệnh hiểm nghèo. Điều đặc biệt, mà nghe qua tưởng chừng như vô lý là tôi không hề lấy một đồng, một cắc của bệnh nhân cho dù đó là người giàu hay kẻ khó.

Có ngày tôi phải tiếp vài chục bệnh nhân. Nhiều người hỏi tôi, chữa bệnh không lấy tiền thì lấy gì mà sống? Tôi cười bảo: "Thế nên tôi mới "chịu tiếng" là ăn bám vợ". Và sự "ăn bám vợ" của tôi cũng là cả một câu chuyện dài. Thực ra, để làm được điều ấy, vợ phải là người rộng rãi, khoan dung và yêu người. Vợ tôi thuộc mẫu người ấy, bà ấy tuy là giáo viên với đồng lương ít ỏi nhưng biết dè xẻn tiêu pha, chi phí trong gia đình nên mọi chuyện đều thuận lợi.

Còn nguyên liệu thuốc thì tôi đi sưu tầm về trồng trong vườn nhà nên không phải đi mua, thế nên mới có đủ số lượng cung cấp miễn phí cho người bệnh. Hơn nữa, tôi chữa bệnh bằng thủ thuật châm cứu nên thuốc thang chỉ là "phụ gia" giúp bệnh nhân nhanh khỏi và dễ dàng trong hồi phục sức khoẻ.

Năm nay tôi cũng đã sang tuổi 65, sức khoẻ tuy yếu nhưng bù lại niềm vui là được gặp gỡ mọi người, giúp người khác có được sức khoẻ là niềm hạnh phúc, tôi vẫn tâm niệm lời dạy của Bác Hồ: "Thương binh tàn nhưng không phế" và cố gắng sống làm sao để có ích cho gia đình, xã hội và giúp cho mọi người có được sức khoẻ và niềm vui viên mãn nhất.

Thái Hòa