Ít chuyện về con trai cụ Nguyễn Tuân

Google News

Anh không "nối nghiệp" cha là nhà văn Nguyễn Tuân mà đi học CHDC Đức, ngành kỹ thuật giao thông, cái ngành thể chế nào, thời nào cũng cần.

- Tạp bút "Mùa xuân của các bậc trưởng lão", cái tên muốn tỏ bày sự yêu mến, khâm phục tới đại văn hào Gabriel Garcia Marquez bằng cách gợi nhớ tới kiệt tác của ông: Mùa thu của bậc trưởng lão... của nhà văn, dịch giả Phan Hồng Giang tiếp tục với chân dung GS.TS Nguyễn Xuân Đào, con trai nhà văn Nguyễn Tuân.

Người con không theo nghiệp văn của cha. GS.TS Nguyễn Xuân Đào, cùng với tôi, "tự hào" là thành viên trẻ nhất (!) của "hội" các bạn già này. Cùng sinh năm Tân Tỵ, năm nay cả hai chúng tôi đều đã ngoại 70. Thời gian đi thật nhanh, mới ngày nào chúng tôi còn học lớp 10 cùng Trường Phổ thông cấp 3 trên phố Lý Thường Kiệt. Rồi anh không "nối nghiệp" cha là nhà văn Nguyễn Tuân mà đi học CHDC Đức, ngành kỹ thuật giao thông, cái ngành thể chế nào, thời nào cũng cần. Tôi thì gần xa cũng theo nghiệp bố, sang Nga, theo học ngành Ngữ văn. Vì khác chuyên môn, quả tình là tôi cũng khó kể chuyện về anh.

 

GS.TS Nguyễn Xuân Đào khi nói về giao thông
GS.TS Nguyễn Xuân Đào khi nói về giao thông

Hè năm ngoái, nhân ngày giỗ thứ 24 (28/7) của cụ thân sinh anh, tôi có viết bài Vài kỷ niệm nhỏ với nhà văn Nguyễn Tuân, anh rất cảm động. Anh đến nhà đón tôi bằng chiếc xe Kia Pride 1.1 từng hàng chục năm qua cùng anh rong ruổi 22 vạn (!) cây số đường đất Việt (mà không hề một lần va chạm, quả là một tay lái lụa phi thường!), rồi đưa tới nhà hàng Legend Beer trên phố mang tên cụ thân sinh anh ở quận Thanh Xuân. Điều thú vị là Nhà hàng to vật vã này mang số 107, tình cờ chỉ đúng ngày sinh 10/7 của nhà văn tài hoa...

Tuy đã nghỉ hưu và thôi chức vụ Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ giao thông vận tải từ khá lâu, nhưng anh vẫn nhận làm chuyên gia cho các dự án An toàn Giao thông Việt Nam, tham gia giảng dạy ở các Trường Đại học Giao thông vận tải và đào tạo nghiên cứu sinh. Anh vẫn bận rộn như ngày còn đương chức; có lẽ vì thế mà hầu như buổi gặp gỡ nào anh cũng là người đến sau cùng. Mặc dầu vậy, mọi người vẫn vui vẻ chờ anh đến rồi mới "vào cuộc"...

Từng nhiều năm làm việc ở Hội Nhà văn VN cùng cơ quan với cụ Nguyễn, tôi nói với anh Đào và các cụ bạn già rằng tôi vẫn còn nhiều chuyện khá độc đáo về cụ, một lúc nào đó tôi sẽ viết tiếp. Và ngay lúc ấy, tôi đã chợt nhớ một chuyện mà khó có thể "để dành" kể lúc khác.

Ngày 3/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời để lại niềm tiếc thương vô hạn cho hàng triệu con dân nước Việt. Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam quyết đinh nhân dịp này ra một số báo tường treo trên tầng hai trụ sở Hội tại 51, phố Trần Hưng Đạo. Các văn nghệ sĩ đã viết những trang ca ngợi công đức Cụ Hồ, bày tỏ tình cảm sâu nặng với Người.

Bác Nguyễn Tuân cũng góp một trang viết rất ấn tượng nên dù chỉ đọc một lần, hơn 40 năm sau tôi vẫn không thể nào quên.

"Cụ Hồ đã đi xa, nhưng những việc Cụ làm, những lời Cụ nói còn đọng lại trong lòng chúng ta. Tôi xin phép hương hồn Cụ chép ra đây một bài thơ và một lời dặn dò quý giá để mọi người cùng suy ngẫm.


1) Bài thơ Chiếc chăn giấy của người bạn tù

Quyển xưa, sách mới bồi thêm ấm,
Chăn giấy còn hơn chẳng có chăn;
Trướng gấm, giường ngà, ai có biết
Trong tù bao kẻ ngủ không an ?

Nam Trân dịch
(Rút ra từ Nhật ký trong tù, Hà Nội, 1960)


2) Lời dặn dò

Trong sách Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh có đoạn ghi lại Hồi ký của một viên sĩ quan cận vệ người Nam Dương mà Tổng thống Sukarno đã cử đi theo hộ tống Hồ Chủ tịch khi Người sang thăm nước đó năm 1956 như sau: "Khi xe đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm thủ đô Jakarta chạy qua một khu ổ chuột với những căn nhà xiêu vẹo che chắn qua loa bằng đủ các thứ tấm tôn, bìa bồi nằm trên kênh rạch đen ngòm, Cụ chỉ tay ra ngoài cho tôi thấy cảnh tượng đó, rút khăn lau khóe mắt và xúc động nói: Anh xem, nước nhà được độc lập mà dân không có hạnh phúc thì thử hỏi hai chữ độc lập kia còn có ý nghĩa gì !?".

Nguyễn Tuân kính sao
Hà Nội, ngày 10/9/1969"

Mọi người đọc báo tường dạo ấy đều chú ý tới bài báo khác người của bác Nguyễn và đều hiểu bác muốn nhắc nhở ai điều gì. Bác Nguyễn ở đâu và lúc nào cũng vẫn là bác.

Mọi người gật gù tán thưởng cái thâm thúy của bác Tuân và ước ao không tưởng rằng phải chi bác được Trời ưu ái hơn các cụ Hữu Ngọc, Tô Hoài đang ngồi đây chỉ non chục tuổi, cho sống thọ như... nhà văn Học Phi, người sắp vào tuổi 101! - thì hôm nay bác đã có thể có mặt ở đây, và cụng ly cùng chung vui với các cụ già-đàn em...

Phan Hồng Giang

[links()]