- Tạp bút "Mùa xuân của các bậc trưởng lão", cái tên muốn tỏ bày sự yêu mến, khâm phục tới đại văn hào Gabriel Garcia Marquez bằng cách gợi nhớ tới kiệt tác của ông: Mùa thu của bậc trưởng lão... của nhà văn, dịch giả Phan Hồng Giang tiếp tục với chân dung nhà văn Tô Hoài, người phủ Hoài Đức bên sông Tô.
[links()]
Trên tờ tuần báo Hà Nội tân văn của ông Vũ Ngọc Phan hơn 70 năm trước, sự xuất hiện bài phóng sự Nước lên không gây quá nhiều sự chú ý lại bất ngờ đặt cái mốc đầu tiên báo hiệu một tên tuổi mới ra đời với bút danh khá êm tai: Tô Hoài - người phủ Hoài Đức bên sông Tô, người sẽ còn khiến các nhà phê bình, nhà nghiên cứu tốn nhiều giấy mực suốt 7 thập niên qua...
(Tiện thể cũng xin nói thêm rằng, cái gọi là sông Tô hôm nay chắc không thể gợi cảm hứng cho chàng trai mới chập chững bước vào làng văn hồi ấy để gắn nó vào bút danh của mình: Sông Tô hôm nay không gì khác hơn là ...cống nước thải lộ thiên lều phều túi ny-lông đủ sắc mầu! Đến nỗi thằng cháu nhỏ tính ưa hài hước của tôi có lần còn trêu chọc ông: "Ông thích dùng tên sông đặt tên cho mình, sao lại lấy là Phan Hồng Giang? Ông lấy là Phan Tô Lịch có phải hay hơn không?!". Chả là hơn chục năm nay gia đình "tam đại đồng đường " của tôi trở thành cư dân của làng Nghĩa Đô - nơi tuổi thơ của nhà văn đi qua - và cu cậu ngày ngày vẫn đi học dọc theo con "sông" từ lâu đã nặng mùi này, nơi chẳng còn đâu bên sông bóng dáng bãi cỏ xanh mướt xa xưa với hang của các chú dế mèn sẽ sống mãi trên trang sách của nhà văn trường thọ).
Tô Hoài thuộc số vô cùng ít ỏi nhà văn mà sách viết ra chồng xếp lại sẽ cao hơn đầu! Điều đáng nói hơn rất nhiều là chất lượng văn chương của ông, như dư luận rộng rãi thừa nhận, đã song hành cùng số lượng.
|
Nhà văn Tô Hoài. Ảnh TTVH |
Cố thi sĩ Xuân Sách từ 30 năm trước đã vẽ rất thành công nhiều bức chân dung nhà văn bằng thơ. Bức chân dung-thơ Tô Hoài được coi là thiên về soi rọi vào phía... hiu hắt buồn trong văn nghiệp của ông:
Dế mèn lưu lạc Mười năm
Để cho O chuột ôm cầm thuyền ai
Miền Tây sen đã tàn phai
Trăng thề một mảnh lạnh ngoài Đảo hoang...
Có thể coi Xuân Sách bị "việt vị" trong vụ này, bởi ông đã "tổng kết" văn nghiệp của Tô Hoài quá sớm - sớm đến trên 30 năm. Xuân Sách không thể ngờ rằng , từ sau tuổi hưu trí, tuổi 60, Tô Hoài như còn viết khỏe hơn, các tác phẩm theo nhau ra mắt người đọc: Chuyện cũ Hà Nội, Cát bụi chân ai, Những gương mặt - chân dung văn học, Chiều chiều..., Ba người khác, Giấc mộng ông thợ dìu... Không ít sách của ông còn phải chịu số phận hẩm hiu, bị nâng lên đặt xuống từ các nhà quản lý kỹ tính. Thế nên kể cũng cần lưu ý tới sự mẫn cảm thái quá của thi sĩ "dị nhân" Xuân Sách khi đã vẽ chân dung nhà văn bên sông Tô với gam mầu ... của sen tàn phai ( xin nhớ: tên cúng cơm hồi nhỏ của ông là Sen) và trăng thề lành lạnh... Thực ra cách nhìn đó cũng không phản ánh trung thực sự đánh giá chính thống về văn nghiệp của lão nhà văn, bởi trên thực tế Nhà nước đã ghi nhận cống hiến văn chương to lớn của ông bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh ngay đợt đầu tiên (1996).
Tôi may mắn nhiều năm được làm việc dưới trướng bác Tô Hoài ở Hội Nhà văn Việt Nam từ hơn 40 năm trước. Đôi mắt nheo nheo biết cười và giọng nói lúc nào cũng nhỏ nhẹ của ông luôn gây cho tôi cảm nhận rõ ràng rằng không gì có thể qua mắt con người này, ông biết , ông thông hiểu, ông tiên liệu được mọi chuyện lớn nhỏ chung quanh ông, chỉ có điều ông nói ra hay không nói ra mà thôi.
Đầu những năm 80 thế kỷ trước, khi làm nghiên cứu sinh ở Moscow, năm nào tôi cũng vài lần gặp ông sang họp bên ấy . Trong hồi ký Chiều chiều... có mấy đoạn ông nhắc đến chuyện này.
Có một lời tâm sự của ông tôi nghe từ năm Olympic Games Moscow - 1980 mà tôi lúc nào cũng nhớ. Lần ấy, nhiều người bạn tôi có nguyện vọng được làm quen với ông nên nhờ tôi mời ông tới Trường Tổng hợp Lomonossov thăm anh em. Ông từ chối khéo bằng một lý do khó phản bác: "Giang ạ, tôi đã 60 rồi. Ở tuổi này chỉ nên chém bớt người quen chứ không nên quen thêm!". Có lẽ đó là tâm trạng chung của người có tuổi. Phải thế chăng mà bao năm nay "hội" bạn già này không thấy kết nạp thêm thành viên nào mới?...
Bác Tô Hoài năm nay đã 93 tuổi , đi lại khó khăn, lên xuống cầu thang phải có người dìu. Nhưng thật may vẫn hoàn toàn minh mẫn, vẫn nhìn đời với ánh mắt biết cười, vẫn ưu thời mẫn thế và vẫn ... sáng tác đều đều, vượt lên trên quy luật sinh học thông thường. Với những con người như bác, thời gian gần như bất lực.
Nếu trong trời đất với bốn mùa luân chuyển, mùa xuân là mùa của chồi non lá mới, thì với con người, sáng tạo luôn là mùa xuân. Bác Tô Hoài là con người có những mùa xuân bất tận...
Phan Hồng Giang