Vỡ ống nước: Nháo nhào xin nước... đánh răng, úp mì

Google News

(Kiến Thức) - Hơn 4 ngày qua, hàng nghìn hộ dân Hà Nội không có nước sinh hoạt do sự cố vỡ đường dẫn nước. Nhiều người nháo nhào đi xin nước chỉ để đánh răng, úp mì...


Sau khi sự cố vỡ đường ống nước sạch qua đoạn đại lộ Thăng Long xảy ra, ông Nguyễn Anh Việt, Giám đốc Viwaco, cho biết do nền đất đại lộ Thăng Long lún, cộng với áp lực nước lớn đã khiến đường ống dẫn nước sông Đà bị vỡ, đơn vị phải ngừng cấp nước, gây ảnh hưởng tới khoảng 70.000 hộ dân các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy và 2 huyện Từ Liêm, Thanh Trì.

 Người dân phải đi xin từng can nước về dùng

Sáng ngày 26/3, PV Kiến Thức có mặt ở các khu vực Mễ Trì Hạ, Mỹ Đình... thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội, chứng kiến nhiều người dân đang khốn khổ vì không có nước dùng, đặc biệt là những nhà không có bể chứa.

Bên đường Đỗ Đức Dục, xã Mễ Trì Hạ (Từ Liêm, Hà Nội) chị Nguyễn Thu Hà nói: “Mất nước sinh hoạt hơn 4 ngày nay rồi. Nhà tôi có bể chứa khoảng 4 khối nhưng vẫn thiếu nên dùng dè dặt. Nhiều nhà bên cạnh sang xin nhà tôi, không cho thì không được, cho thì không có nước dùng. Nhất là các em sinh viên, sáng ngày ra không có nước đánh răng chạy sang nhà tôi xin nước đánh răng mà thấy khổ cho các em sinh viên lắm”.

 Sẵn sàng xô, chậu hứng nước giếng khoan.

“Nhiều em sinh viên bảo 4 hôm nay toàn ăn mì tôm, sáng chín, chiều sống… vì không có nước, đau bụng lắm. Vì thương các em nên tôi cho ít nước về nấu mì tôm. Nhưng các em ấy có dám nấu mì tôm đâu, để đó đun sôi làm nước uống”, chị Hà tâm sự.

Chị Nguyễn Thị Tuyết, gần nhà chị Hà, cho biết: “Cả mấy ngày mất nước sinh hoạt là cả mấy ngày tôi phải mua nước bình về nhà để lau người qua loa. Tiền đâu mà mua nước để tắm, đi xin mãi cũng ngại, họ cũng phải dùng chứ. Thiếu cái gì còn được, thiếu nước thì khổ nhất trên đời”.

Em Nguyễn Tuấn Vinh (SV năm 2, Đại học Lao động – Xã hội, ở trọ khu Mễ Trì Hạ) tâm sự: “Mất nước khổ lắm anh ơi, đi vệ sinh không có nước dội, hôi thối cả khu trọ lên anh ạ. Nhiều bạn không dám tè ở vệ sinh nhà trọ, chạy ra đường tè. Chúng em là nam giới còn vậy, còn các bạn nữ gần như là "đóng đô" ở trường, tối mới về nhà hoặc sang xóm trọ của các bạn khác".

“Sáng mì tôm sống, trưa cũng mì tôm sống, chiều thì xin tí nước úp mì tôm, ăn nhiều như vậy đau bụng, "tào tháo đuổi" chạy loạn cả khu trọ anh ạ. Chúng em là SV có quen biết ai đâu mà đi xin nước để dùng hả anh, nhà người ta cũng chẳng có mà dùng nói gì đến bọn em đến xin. Hi vọng ngày nay, ngày mai có nước cho chúng em bớt khổ”, em Vinh chia sẻ.

Bác Nguyễn Văn Mão, ở thôn 3, xã Mễ Trì Hạ (huyện Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Sáng nay vừa có nước, nhưng rất ít lại đục, không ai dùng được cả. Đường ống nhà tôi cao hơn các nhà khoảng 60cm nên nước không đến. Nhưng nước không đến cũng may, vì nước đến chảy vào bể mà đục thì dùng sao được”.

Bác Mão đã dùng nước giếng khoan trong những ngày mất nước sinh hoạt.

“Để khắc phục tình trạng mất nước sạch, nhà tôi dùng nước giếng khoan, bơm lên bể rồi lọc để dùng tắm giặt, rửa rau… Ngoài ra còn cho các cháu sinh viên, các nhà bên cạnh để họ tắm. Mình phải chia sẻ với người khác, để họ bớt khổ chứ”, bác Mão tâm sự.

Còn ở Phú Đô, xã Mỹ Đình, những hộ dân dùng nước sạch sông Đà cũng chung nỗi khổ như những người dân xã Mễ Trì Hạ. Nhiều người còn bảo rất may sáng nay có nước rồi dù đục lắm không dùng ngay được. Nhưng có còn hơn không, nhiều hộ dân phải hứng nước đục lọc lại để sử dụng.

TIN LIÊN QUAN

Tiến Dũng