Liên quan đến việc TS Lê Huy Y (Tổng hội Địa chất Việt Nam) đặt ra giả thuyết nghi ngờ “hố tử thần” Lê Văn Lương nằm trên nóc của một họng núi lửa cổ, GS.TS Nguyễn Đình Hòe cho rằng, giả thuyết trên là không đúng với thực tế.
Bởi nếu nói vùng đất Tây Nguyên, ven biển duyên hải Nam Trung Bộ thì có khả năng có những miệng núi lửa cổ, chứ ở ngay ở Hà Nội, từ trước đến giờ trong sử sách và những tài liệu liên quan không hề đề cập đến vấn đề có núi lửa ở giữa thủ đô.
|
PGS.TS Nguyễn Đình Hòe |
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, núi lửa xuất hiện ở Việt Nam cách đây 70 nghìn năm trước tại các khu vực như 5 tỉnh Tây Nguyên và khu vực Nam Trung Bộ, cụ thể như các vùng Xuân Lộc, Định Quán, Đà Lạt, vùng huyện đảo Phú Quốc, Phú Quý, Hòn Tranh, đảo Lý Sơn, Vĩnh Linh, Cửa Tùng, đảo Cồn Cỏ.
Lần xuất hiện mới đây nhất tại ngoài khơi Quảng Ngãi vào ngày 8/2/1923. Tại vùng đất này, phát hiện thêm một hòn đảo khác với chiều dài 30,5m, cao 0,3m, cách Hòn Tro 3,7km, đã phun lửa cao 12m, xung quanh nước xoáy rất mạnh.
Ngoài đợt hoạt động vào năm 1923, theo tài liệu lịch sử, tại khu vực Hòn Tro và một số vùng xung quanh, hoạt động động đất và núi lửa đã xảy ra hai lần vào cuối thế kỷ thứ 19 và sớm hơn nữa nên có nhiều khả năng núi lửa Hòn Tro có thể hoạt động trở lại. Hiện các khu vực này, nhiều miệng núi lửa đã tắt và còn đang âm ỉ.
Vùng đồng bằng sông Hồng và tại Hà Nội chưa từng có sự xuất hiện của núi lửa. Chính vì thế nói "hố tử thần" ở đường Lê Văn Lương do núi lửa cổ là hoàn toàn sai về mặt địa chất.
“Vùng Tây Nam Hà Nội (gần Hà Đông) là đồng bằng phù sa. Tầng trầm tích hiện đại bở rời dày cả trăm mét. Làm sao có hiện tượng núi lửa đã từng xảy ra ở đây?” - PGS. TS Nguyễn Đình Hòe khẳng định.
Nguyên nhân do đứt gãy địa chất
Loại trừ giả thuyết họng núi lửa cổ gây nên sự cố hố tử thần tại đường Lê Văn Lương của TS Lê Huy Y (Tổng hội Địa chất Việt Nam), GS.TS Nguyễn Đình Hòe, đặt ra giả thuyết nhiều hơn về nguyên nhân sụt lở ở đây là do sự trượt êm không động đất của các đứt gãy địa chất dưới sâu.
|
"Hố tử thần" trên đường Lê Văn Lương có thể do đứt gãy địa chất |
Sự xuất hiện của một hố sâu có đường kính rộng đến 50m, dung tích đến 3000m3 trong thời gian ngắn, chỉ có thể do nứt đất ngầm, do đứt gãy trượt êm không động đất bao giờ cũng phát triển từ dưới sâu lên phía bề mặt. Từ mặt đứt gãy trong móng địa chất cứng dưới sâu, các tuyến nứt tỏa dần lên trên mặt đất theo dạng cành cây, tạo ra một đới phá hủy không liên tục trên mặt đất rộng thậm chí hàng chục km.
Do vận động của đứt gãy mà trong đới phá hủy của hệ khe nứt thường có nhiều hang hốc ngầm, khiến đới phá hủy trở nên rỗng xốp, trở thành kênh dẫn mọi thứ vật liệu nhỏ mịn xuống sâu trong lòng đất, nhất là khi có dòng nước chảy ngầm trong đới phá hủy (ví dụ vỡ ống cống ngầm dẫn nước). Trên thế giới cũng đã xảy ra những vụ tương tự.
GS.TS Nguyễn Đình Hòe cảnh báo: “Hiện nay ngay tại Hà Nội, nhất là khu vực Tây Nam nằm trong đới phá hủy của hệ đứt gãy sâu sông Hồng và sông Chảy đã từng xảy ra các sự cố nứt đất ngầm, nhiều vụ nứt đê và công trình cứng đã được ghi nhận. Vì thế, công tác khảo sát địa chất công trình là công tác không thể thiếu khi thẩm định thiết kế xây dựng, triển khai xây dựng dự án.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều chủ đầu tư vẫn xem nhẹ công tác khảo sát nên khi thực hiện công tác khảo sát đã không thực hiện đủ khối lượng, cho nên khi chọn giải pháp nền móng không phù hợp với cấu trúc đất nền, xảy ra hiện tượng nhiều công trình đang xây dựng đã có những sự cố biến dạng, sự cố hư hỏng các công trình bên cạnh…”
Hải Ninh