Có ngành học chỉ dạy bằng “nước bọt“

Google News

Việt Nam là nước duy nhất có chuyện bố mẹ bán nhà cho con đi học, các nước khác không có chuyện đó.

- "Việc một trường đại học đứng vào danh sách 1.000 trường tốt nhất thế giới không có nghĩa là giáo dục đại học của nước đó cũng được nhìn nhận như vậy. Giáo dục đại học là sự phân tầng, nhưng nếu không đầu tư giảng dạy, nếu chạy theo một thị trường đầy béo bở thì chính nhà trường cũng không thể tồn tại lâu dài", đó là tâm sự của GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc Trường Đại học Quốc gia Hà Nội.
 
GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc Trường Đại học Quốc gia Hà Nội

Gia cố quy trình xin - cho

Thưa ông, mới đây một tổ chức quốc tế đã công bố danh sách 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới, trong đó có 1 trường đại học của Việt Nam, ông có bình luận gì về sự kiện này?

Lần đầu tiên, Việt Nam có một trường đại học đứng thứ 762 trong 2 vạn trường được xếp hạng trên thế giới.

Như vậy nghĩa là Việt Nam nằm trong 3% nước có trường đại học tốt nhất thế giới. Nhưng bản chất của giáo dục đại học là tính khác biệt.

Sự phân tầng của các trường, nhóm trường là đương nhiên do nhiệm vụ đào tạo. Không thể mong có một mặt bằng giáo dục đại học chung thật là cao, ngay cả ở các nước có nền giáo dục phát triển nhất như Mỹ.

Nhiều người băn khoăn không biết lọt vào danh sách này thì người ta đã có quyền hy vọng về một nền giáo dục đại học chất lượng cao hơn?

Việc xếp hạng chưa nói lên được tất cả nhưng nó cũng là một chỉ báo để cho thấy ở Việt Nam xuất hiện những nhân tố tập trung nâng cao chất lượng.

Cái quan trọng khiến Trường Đại học Quốc gia Hà Nội có được kết quả đó không phải là Nhà nước đầu tư cho bao nhiêu tiền của mà là Trường Đại học Quốc gia Hà Nội được tự chủ. Đó cũng là mong muốn của rất nhiều trường đại học hiện nay.

Theo ông thì vì sao các trường lại chưa được tự chủ?

Cái đó thì phải hỏi Bộ chứ sao lại hỏi tôi?

Tự chủ đại học cụ thể là gì thưa ông?

Rất nhiều thứ, tự chủ về tài chính, nhân sự, chương trình... Chứ nếu cái gì cũng phải xin duyệt, duyệt từng đồng từng hào, có khi phải xin duyệt từ những người rất không am hiểu về chuyên môn thì rất khó.

Ví dụ như 1 buổi họp được có 70.000đ, muốn trả cho chuyên gia 200.000đ thì phải ký thành 3 buổi họp. Đấy, cái quy định đó vẫn cứ tồn tại mà không biết tại sao. Rồi về nhân sự. Giờ một trường muốn tuyển dụng là lại phải lên vụ Tổ chức của Bộ để xin ý kiến, rất nhiều thủ tục.

Vậy biết thế tại sao Bộ không giao quyền tự chủ?

Do sức ì của quá khứ quá lớn. Sức ì của thời kỳ hệ thống giáo dục đại học phục vụ cho nền kinh tế kế hoạch hóa cao độ. Việc tổ chức các trường đại học theo hướng chuyên ngành là vì vậy. Đây đào tạo kỹ sự tiện hàn, kia là kỹ sư nông nghiệp, thủy lợi...

Thứ hai là tư tưởng ỉ lại bao cấp quá nặng nên mất tính năng động của các trường đại học. Trường đại học thì trì trệ bằng cách chờ bao cấp. Cơ quan quản lý thì tưởng đó là thế mạnh của mình, thì lại gia cố những quy trình xin - cho.

Tất cả những cái đó làm ngưng trệ hoạt động mang tính linh hoạt, năng động của hệ thống giáo dục. Rồi đầu tư dàn trải, ai cũng có mà chẳng ai có gì. Lâu thành quen, không biết tự chủ là cái gì nữa.

Anh nào năng động thì mới cảm thấy vướng, anh nào không thì cũng cứ ì ra. Không được tự chủ có lẽ là kết quả của quá trình đó.

Cứ Bộ cho mới được dạy thì sao có sáng tạo

Theo ông, tồn tại lớn nhất của giáo dục đại học hiện nay là gì?

Hạn chế của hình thức tuyển sinh chỉ dựa vào kiểm tra kiến thức là rất khuyến khích người học học tủ.

Quan niệm chưa thấy rõ rằng đào tạo ở đại học là đào tạo ra người sáng tạo kiến thức mới. Nên tuyển người ta vào phải xem người ta có khả năng sáng tạo hay không, đánh giá cái năng lực của anh chứ không phải trong đầu anh đang có cái gì.

Hiện nay, tuyển người vào học đại học, thạc sĩ và tiến sĩ là hỏi người ta biết cái gì, đố em cái này là cái gì. Thứ nữa là quan điểm về bậc học. Hiện mình vẫn quan niệm là nhồi nhét kiến thức giống như phổ thông, gọi là học sinh cấp 4 là đúng. Cứ thế thì giáo dục đại học không thể phát triển được.

Những người quản lý ngành giáo dục có biết điều đó không, thưa ông?

(Cười) Cái này thì tôi không chắc chắn lắm.

Liệu có cách gì để thay đổi?

Tuyển sinh giờ phải có được bộ công cụ kiểm tra xem khả năng học đại học của anh có hay không, khả năng sáng tạo tổng hợp, tư duy logic thế nào. Việc đố em cái này là cái gì, không biết là 0 điểm thì  rất khó.

Việc xây dựng bộ công cụ đó có khó không thưa ông?

Chúng tôi đang xây dựng bộ công cụ đó. Không phải là dễ nhưng chúng tôi cũng đang làm. Câu hỏi không tập trung kiến thức mà đòi hỏi khả năng suy luận phân tích tổng hợp. Sau đó anh tiếp thu kiến thức bằng nền năng lực của anh.

Giờ xã hội thay đổi không ngừng, khoa học phát triển không ngừng, thế mà cứ Bộ cho mới được dạy thì bao giờ mới có được sáng tạo mới?

Nhưng hiện nay chúng ta vẫn đang làm như thế?

Đúng, chúng ta đang làm như thế. Tức là tất cả các trường đại học, từ môn học, ngành học là do Bộ quản lý, không thay đổi trong nhiều năm, giống hệt chương trình phổ thông. Giống như khoa học biến đổi khí hậu, khoa học nano... là những lĩnh vực mới.

Chúng tôi thấy nó phát triển nên có quyền chủ động đưa nó vào chương trình học. Trong khi các trường khác thì đâu có được dạy các thứ đó.

Thị trường béo bở
 
Ông đánh giá thế nào về chất lượng đào tạo của những trường đại học mới thành lập?

Việt Nam có khoảng 400 trường đại học thì không phải là nhiều. Nhưng để một trường đại học hoạt động bình thường nó phải có các điều kiện tối thiểu đảm bảo chất lượng.

Danh tiếng của một trường đại học phụ thuộc nhiều vào độ tuổi. Bởi vì một trường đại học tồn tại được lâu đời chứng tỏ là nó phát triển được lâu đời. Sự tồn tại đã nói lên chất lượng.

Như vậy, rõ ràng là các trường mới sẽ có khó khăn, ít người biết đến. Thế nhưng, thay vì chuyện than phiền, tôi cho rằng các trường phải lấy việc ra sau là một lợi thế.

Anh biết trước người ta có cái gì rồi, vấp phải cái gì rồi thì tránh ra chứ không nên đổ lỗi cho việc vì mới mà chất lượng kém.

Phải chăng cái việc nở rộ các trường đó là dấu hiệu cho thấy thị trường giáo dục đại học đang là một thị trường béo bở?

Có vẻ là như thế. Nhu cầu học tập rất lớn kèm theo đặc điểm của người Việt Nam là cho con học đại học bằng mọi giá.

Việt Nam là nước duy nhất có chuyện bố mẹ bán nhà cho con đi học, các nước khác không có chuyện đó. Đánh cược tương lai gia đình bằng việc học của con, vì thế dịch vụ giáo dục trở thành một thị trường.

Trong bài toán ấy thì khoản tiền đầu tư bỏ ra có lớn lắm không thưa ông?

Đầu tư cho giáo dục theo cách của ta hiện nay thì không cần nhiều tiền lắm, nhất là những môn không cần đến thiết bị nghiên cứu. Nhiều chuyên ngành chỉ cần cục phấn, bảng viết, máy chiếu... là xong.

Có những ngành chỉ dạy bằng "nước bọt" mà người ta có thể thu được dăm bày trăm ngàn học phí/tháng.

Theo ông, vai trò quản lý ở đây được đánh giá thế nào?

Chủ trương đúng, quy định đúng, nhưng cách thực hiện có lỗ hổng. Ví dụ như trên hồ sơ như thế, nhưng thực tế thì không, mà lại không có ai kiểm soát, kiểm tra được. Có thể nói là có phần yếu kém.   
   
Dạy học theo cách nhồi nhét kiến thức, đọc chép, bắt phải nhớ lời thầy nói... cản trở sự sáng tạo của học trò. Trong khi đó, thời đại công nghệ thông tin, kiến thức luôn nhiều theo cấp số nhân, con người không thể là cái máy để nhớ hết được. Thay vì nhồi hết cái mớ khổng lồ hỗn độn đó vào đầu học trò thì nên dạy chúng cách tra Google, cách xử lý thông tin, sáng tạo theo tri thức mới... Có như vậy mới có sự đột phá trong giáo dục.

Tô Hội (thực hiện)