- Ngày 8/8, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố điểm sàn thi ĐH, CĐ năm 2012. Hàng trăm nghìn thí sinh đã đỗ đại học, nhưng liệu đại học có là con đường đáng mơ ước? Vì trong thực tế có nhiều cử nhân ra trường không xin được việc, phải đi làm công nhân kiếm sống. Bài học về chọn ngành hiện nay đáng để cho các thí sinh tham khảo.
Tiếc thời gian học đại học
Hoàng Thị Dung (Đồng Văn, Yên Lạc, Vĩnh Phúc) tốt nghiệp Khoa Lịch sử, Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) từ tháng 5/2010. Chạy đôn chạy đáo các cửa xin việc vẫn không được do đặc thù của ngành học này khó xin việc. Dung cho biết: Có nơi bảo phải có vài chục triệu mới xin được, có chỗ thì bảo là chờ có "suất" mới trả lời...
Sau 3 tháng không tìm được việc, Dung vào khu công nghiệp Vĩnh Yên xin làm công nhân lắp ráp linh kiện điện tử. Vừa nộp đơn em đã được nhận vào làm ngay. Lương lúc đầu là 1,5 triệu đồng/tháng, đến nay được tăng lên 3 triệu đồng/tháng.
Ngày ngày lắp ráp linh kiên điện tử, chỉ có một thao tác đó lặp đi lặp lại suốt 8 tiếng làm việc. Dần dà Dung cũng thấy quen với công việc này. Làm thêm ca thì có thêm tiền. Dù có hơi nhàm chán nhưng rồi cũng quen, không phải xin tiền bố mẹ nữa mà tự lo được cho cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của mình. Mới chỉ sau gần 6 tháng làm việc mà em đã thực sự cảm thấy tiếc thời gian học đại học. Giá mà em đi làm công nhân từ 4 năm trước thì có lẽ cuộc sống giờ đã ổn định...
Không chỉ có Dung, nhiều bạn khác ở cùng quê cũng chung cảnh ngộ này. Tô Thị Thanh Thư tốt nghiệp Trường Cao đẳng Tài chính Quản trị Kinh doanh chuyên ngành Kế toán. Ra trường khi các doanh nghiệp lâm vào làm ăn khó khăn, nhân lực kế toán ế thừa, Thư buộc phải đi làm công nhân để kiếm sống. "Giờ em không có ý định đi xin việc theo chuyên ngành mình học nữa. Em chỉ thấy tiếc khoảng thời gian đi học. Để học làm công nhân, em chỉ mất đúng 2 ngày. Nhưng để học làm một cử nhân, em đã mất đến 3 năm. Mà hiệu quả trước mắt thì ai cũng thấy".
Nguyễn Lê Nam (phố Cò, Sông Công, Thái Nguyên) tốt nghiệp một trường đại học được cho là "danh giá": Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Thế nhưng ra trường đã nhiều năm mà vẫn không thể tìm được một công việc ổn định. Chán nản, Nam xin tiền bố mẹ mở cửa hàng bán điện thoại di động. Kinh doanh được một thời gian thì thị trường bão hòa, Nam lại chuyển sang bán quần áo thời trang. Lận đận mãi, đến giờ cậu vẫn đang trong tình trạng "chờ việc".
|
Để có thu nhập hằng tháng, nhiều bạn trẻ ra trường đã không làm đúng nghề. |
Sẽ là sai lầm lớn nếu chọn nhầm nghề
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến sinh viên ra trường không có việc làm là do giáo dục đại học nói riêng và giáo dục các cấp hiện nay đang quá lạc hậu so với thực tế. Phương pháp giáo dục, giáo trình thì lạc hậu, đọc chép đều đều... Công nghệ máy móc hiện đại thì ngày càng phát triển, trong khi trang thiết bị nhà trường vẫn thế. Sinh viên ra trường khó xin được việc. Càng khó, càng khổ hơn với những em chọn đúng vào những ngành mà xã hội đang khủng hoảng thừa.
"Trong quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, chúng ta không có đánh giá đầy đủ về nhu cầu của thị trường. Đào tạo theo thị trường mới chỉ là lý thuyết trên giấy. Có những ngành, nhân lực thừa đến khủng hoảng, nhưng nhà trường vẫn cứ đào tạo và hàng năm vẫn cho ra lò hàng nghìn sinh viên, bổ sung vào quân số thất nghiệp đó. Trong khi chưa có một nghiên cứu đầy đủ nào về thị trường nhân lực thì học trò phải là những người sáng suốt. Nên có tìm hiểu kỹ khi lựa chọn ngành học để tránh những ngành có nguy cơ ế thừa", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhận định.
Không chỉ dừng lại ở việc chọn nhầm nghề, theo ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Bkav, cái thiếu nhất của sinh viên hiện nay là các kỹ năng mềm. Các kỹ năng như làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, giám sát mục tiêu, kỹ năng giao tiếp, thậm chí là kỹ năng ứng xử... đều ảnh hưởng rất lớn đến hiệu suất công việc. Vì không có kỹ năng, chỉ ôm một mớ kiến thức hàn lâm nên các em không có sự uyển chuyển linh hoạt trong công việc.
Thị trường nhân lực lúc nào cũng thừa và lúc nào cũng thiếu. Người giỏi, người làm được việc, có khả năng thích nghi cao lúc nào cũng thiếu. Vì thế, cẩn trọng từ khâu chọn ngành học là cần thiết, nhưng các em cũng nên tự chủ, năng động trong việc tiếp thu kiến thức, bồi dưỡng cho bản thân mình nền tảng kiến thức tốt thì sau khi ra trường làm được việc ngay cũng không khó.
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) |
Bảo Khánh