"Theo tôi biết, không phải chỉ riêng Bí thư Nguyễn Bá Thanh như thế mà đồng chí Phạm Quang Nghị ngoài Hà Nội cũng vậy", bà Bùi Thị An - đại biểu Quốc hội đoàn TP. Hà Nội chia sẻ.
|
Sự quyết liệt đi đến cùng vấn đề trên tinh thần xây dựng đã tạo nên "hiện tượng Nguyễn Bá Thanh". |
Việc "truy tận gốc, bắt tận ngọn" giữa Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh với Giám đốc Sở Xây dựng Phạm Việt Hùng trong phiên chất vấn ngày 4/7 vừa qua của kỳ họp thứ 4 HĐND TP. Đà Nẵng khoá VIII đã khiến nhiều người quan tâm.
Không chỉ tại kỳ họp vừa diễn ra mà hầu như ở bất cứ kỳ họp nào của HĐND TP thì các giám đốc sở cũng đều "toát mồ hôi hột" trước chất vấn của các đại biểu và đặc biệt là của ông Nguyễn Bá Thanh.
Bà Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội) nói: “Về nguyên tắc, cán bộ ngành nào phải nắm chắc ngành đó một cách tổng thể nhất là người đứng đầu ngành. Mà theo tôi biết, không phải chỉ riêng Bí thư Nguyễn Bá Thanh như thế mà đồng chí Phạm Quang Nghị ngoài Hà Nội cũng vậy.
Tôi luôn luôn ủng hộ những người lãnh đạo cao nhất ở địa phương nắm chắc vấn đề, giám sát và kiểm tra cán bộ cấp dưới đến cùng thì mới có hiệu quả. Nếu chỉ là làm kiểu hời hợt không đến nơi đến chốn rồi báo cáo lên, cán bộ lãnh đạo ậm ừ cho qua thì không thể chấp nhận được.
Chỉ khi nào người đứng đầu cơ quan hoặc trưởng ngành nắm chắc nội dung công việc, nắm chắc lĩnh vực mình quản lý thì mới dám ’truy đến cùng’ cán bộ cấp dưới như vậy”.
|
Trên nghị trường, bà Bùi Thị An được biết đến là một trong những vị đại biểu chất vấn quyết liệt các vấn đề |
Bà An cho biết: “Để có được sự quyết liệt và đi đến cùng của vấn đề như vậy thì yếu tố người điều hành là rất quan trọng. Vì sao đồng chí Nguyễn Bá Thanh truy được? Đó là vì ông ấy là người điều hành buổi họp đó. Cái thứ hai là dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với thực tiễn, đối mặt với tất cả những gì đang xảy ra. Thứ ba đó là bản lĩnh của người chất vấn”.
Đại biểu Quốc hội này bổ sung: "Trong việc đổi mới của họp Quốc hội, tôi tin trong thời gian tới đây sẽ khác vì Quốc hội đã ra được Nghị quyết chất vấn trong đó nổi bật là giám sát nhiều hơn, minh bạch công khai nhiều hơn để cử tri nắm sát vấn đề hơn. Ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu những người trả lời không được vòng vo, phải trả lời cụ thể".
"Sự quyết liệt, dám làm của đồng chí Nguyễn Bá Thanh rất đáng hoan nghênh và cần phải được “truyền” vào các phiên chất vấn của Quốc hội để cách làm việc đó không còn là hiện tượng nữa. Tôi nghĩ, Đà Nẵng được như ngày nay là nhờ một phần vào sự quyết liệt và truy đến cùng các vấn đề của đồng chí Nguyễn Bá Thanh”, bà An nói.
Cùng quan điểm với bà An, bà Nguyễn Thị Khá - Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nói: “Đồng chí Nguyễn Bá Thanh là người mạnh dạn đối thoại và là người khá quyết liệt trong việc đi đến cùng của vấn đề. Công việc nào cũng vậy, đồng chí Thanh cũng muốn đi đến tận cùng của vấn đề trên tinh thần xây dựng chứ không phải moi móc để tìm ra lời giải”.
Theo bà Khá, trong chủ trương chung, mọi sự chất vấn phải quyết liệt và đi đến cùng của vấn đề. Tuy nhiên trên thực tế, để có được sự quyết liệt ấy còn phụ thuộc vào phong cách và bản lĩnh cũng như trình độ của người chất vấn. Ở Quốc hội cũng rất cần sự quyết liệt, thẳng thắn để làm rõ vấn đề và trách nhiệm.
Trong điều kiện xã hội hiện nay còn nhiều nhức nhối, chất chứa nhiều vấn đề bức xúc, một số "hiện tượng" cán bộ lãnh đạo dám công khai thể hiện quan điểm và ý chí hành động ở một loạt vấn đề, góp phần khơi gợi và củng cố niềm tin vào bộ máy quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, có những hiện tượng vấp phải sự phản ứng trái chiều của dư luận.
Bà Khá nói: “Đó đều là những người rất quyết liệt. Tuy nhiên, theo tôi, nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ việc bộc trực mà dẫn đến việc suy nghĩ như thế nào thì phát ngôn luôn thế ấy mà không có sự tiếp nhận nhiều thông tin từ dư luận liên quan đến việc mình làm. Trong khi ấy, những lời nói đã nói ra rồi thì rất khó lấy lại...”.
Theo Giáo dục Việt Nam