Đáng sợ nhất là người có chức quyền vô cảm

Google News

Đó là chia sẻ của GS.TS Lê Thị Quý, chuyên gia xã hội học, Đại học KH-XH&NV Hà Nội với phóng viên.

- "Việc thấy người bị nạn nhưng làm ngơ là biểu hiện của thói vô cảm. Một phần do cơ chế pháp luật hiện nay đang khiến người ta dù có muốn làm việc tốt cũng thấy... ngại", GS.TS Lê Thị Quý, chuyên gia xã hội học, Đại học KH-XH&NV Hà Nội chia sẻ cùng phóng viên.

Dại gì đi vơ rắc rối về mình!

Gần đây, báo chí phản ánh những vụ việc thấy người bị nạn mà không cứu giúp. Phải chăng, con người ngày càng vô cảm, thưa bà?

Việc không cứu giúp người khi hoạn nạn cũng là biểu hiện của thói vô cảm. Tuy nhiên, nếu đổ hết lỗi cho sự vô cảm thì không chính xác lắm.

Vì sao bà nghĩ vậy?

Bởi lẽ, có những trường hợp tai nạn giao thông được người ta cứu giúp. Nhưng khi người nhà biết chuyện, vì quá bức xúc, không hiểu đầu đuôi câu chuyện lại đến gây gổ, đánh lộn hoặc gây rắc rối với người ta. Thêm nữa, trong trường hợp nạn nhân bị chết thì không có ai làm chứng cho chính người cứu giúp ấy, khiến họ gặp phiền phức, mất thời gian làm việc với công an, lập biên bản, làm chứng... Nhiều thủ tục thế nên tâm lý của một số người là dại gì lại đi vơ rắc rối về mình.

Nghĩa là, việc thấy người bị nạn không cứu giúp cũng là điều... dễ hiểu?

Đúng thế!

Nhưng chẳng lẽ chỉ vì sợ phiền hà mà thoái thác, làm ngơ với người bị nạn? Về mặt đạo đức, lương tâm thì điều đó liệu có chấp nhận được không?

Bản chất của con người là muốn giúp đỡ người khác. Thế nên, khi anh quay lưng lại với đồng loại đang gặp nạn nghĩa là anh đã không có lòng tự trọng, không có tình người. Về mặt đạo đức, lương tâm thì không thể chấp nhận chuyện đó.

Nhưng, cũng cần nhớ rằng, khi đứng trước một sự việc như thế, có người đã so đo, tính toán xem mình làm thế thì được cái gì? Vậy nên, họ đã tỉnh táo quá mức để làm ngơ, dù có thể trong lòng họ cũng có chút áy náy.
GS.TS Lê Thị Quý, chuyên gia xã hội học, Đại học KH-XH&NV Hà Nội.
GS.TS Lê Thị Quý, chuyên gia xã hội học, Đại học KH-XH&NV Hà Nội.

Bớt tỉnh táo để hành động theo bản năng

Theo bà, tại sao người ta lại có sự tính toán như thế?

Chính cơ chế thị trường đã tạo cho người ta suy nghĩ đó. Nếu xã hội bao cấp dạy người ta coi trọng cái đức hơn là tiền bạc, trọng nghĩa khinh tài, "ra đường thấy sự bất bình chẳng tha" thì khi bước vào kinh tế thị trường, con người dần dần đi theo quan điểm coi tiền là thứ có giá trị hơn cả, "tiền trao cháo múc". Đó chính là mặt trái của đồng tiền mang lại.

Thứ nữa, như tôi phân tích ở trên, chính những cơ chế pháp luật và thái độ xã hội hiện nay cũng khiến người ta thấy... ngại giúp đỡ người khác.

Nghĩa là hiện nay, để làm người tốt cũng khó, thưa bà?

Cái đó cũng có ý đúng, vì vậy muốn làm người tốt không chỉ có tâm tốt mà còn phải thông minh nữa.

Phải thông minh ư?

Đúng thế, khi giúp người bị nạn thì cần lôi kéo thêm người cùng giúp với mình, để họ cũng đồng thời làm chứng. Chúng ta cũng cần trình bày nhanh với những người có trách nhiệm như bác sĩ, công an, cho họ xem chứng minh thư chẳng hạn. Bạn có thể mất thời gian một chút nhưng đó là thời gian quý báu và cao thượng vì bạn đã góp phần cứu được một con người.

Còn trong trường hợp không thể huy động sự giúp đỡ từ người khác?

Thì hãy bớt sự tỉnh táo đi một chút để hành động theo bản năng. Tuy nhiên, cái này cũng khó và cần có sự giáo dục.

Tiền nhiều nhưng óc rỗng tuếch

Bà nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, thói vô cảm trong xã hội ngày càng nhiều lên?

Đúng thế nhưng chưa đủ, thói vô cảm đó còn là sản phẩm của giáo dục nữa.

Cụ thể, sản phẩm của giáo dục đó là thế nào, thưa bà?

Giáo dục ở đây không đơn thuần ở trong gia đình và nhà trường mà còn rộng ra trong toàn xã hội. Có một thời gian tương đối dài chúng ta chỉ chú trọng tăng trưởng kinh tế mà chưa quan tâm đúng mức đến phát triển văn hóa. Vì thế, xã hội đã sản sinh ra một tầng lớp trọc phú ngày càng nhiều. Tiền nhiều đấy, ăn chơi xa hoa đấy nhưng đầu óc rỗng tuếch, trái tim giá lạnh. Những người này coi đồng tiền là mục đích sống thay vì chỉ là phương tiện. Thế nên nhiều khi họ chà đạp lên những giá trị đạo đức, văn hóa, tình người, coi khinh những người nghèo khó hơn mình. Những tấm gương xấu đó lại lây nhiễm sang một số bạn trẻ ít giáo dục, cứ thế những người vô cảm cứ tăng dần lên.

Phải chăng, khi kinh tế phát triển thì chúng ta buộc phải có sự đánh đổi như thế?

Tôi không cho là như vậy. Cứ nhìn vào các nước phát triển trên thế giới mà xem, có phải họ giàu có thì họ không có tình người, không có văn hóa không? Tôi đã từng sang Liên Xô cũ, Thụy Điển, Hà Lan, Đan Mạch, Đức... con người đối xử với nhau rất có văn hóa và tình người. Nam giới sẵn lòng nhường đường cho phụ nữ, xách hộ họ cái túi nặng, nhường ghế trên xe buýt... Đấy, văn hóa nó thể hiện ở chỗ đấy đấy. Đừng có đổ cho kinh tế này nọ, cái chính là ở giáo dục, ở trình độ văn hóa và kỹ năng sống. Hiện nay, chúng ta đã quan tâm phát triển văn hóa bên cạnh phát triển kinh tế. Đấy cũng là một sự điều chỉnh, dù muộn nhưng vẫn rất cần thiết.

Vô cảm trong chính sách thì cực kỳ nguy hiểm

Theo bà, sự vô cảm ở tầng lớp nào là đáng sợ hơn cả?

Sự vô cảm nào cũng đáng sợ, nhưng đáng sợ nhất vẫn là sự vô cảm trong chính sách, nghĩa là những người có chức có quyền.

Vì sao vậy?

Vì họ nắm trong tay quyền chức, những quyết định của họ ảnh hưởng tới rất nhiều người, thậm chí là hàng nghìn người trong xã hội. Ví như một ông chủ tịch xã ăn chặn tiền trợ cấp của Chính phủ cho những gia đình nghèo, gia đình thương binh liệt sĩ, làm cuộc sống của họ vốn đã khó khăn thì vẫn hoàn khó khăn. Đấy, sự vô cảm ấy không chỉ làm mất niềm tin của các nạn nhân mà còn làm suy sụp lòng tin của số đông.

Nhưng thực tế thì dường như những quan chức như thế thi thoảng vẫn có?

Ở ta không có một cơ quan độc lập kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách mà nhiều khi người đề ra chính sách cũng chính là người thực hiện, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện đó. Họ "vừa đá bóng vừa thổi còi". Thế nên, nhiều khi quan chức sai phạm nhưng chỉ bị xử dưới khung hình phạt đáng ra phải nhận.

Theo bà, để xử phạt những người vô cảm có khó không?

Thực ra, quy định thế nào là vô cảm, vô cảm ở mức nào để xử lý pháp luật thì cũng rất khó. Chỉ có những cái vô cảm mà gây hậu quả cụ thể mới xử lý được. Còn với những người dân, thấy người gặp nạn mà không cứu giúp thì cũng khó quy kết tội họ lắm.

Khó thế thì bây giờ phải giải quyết như thế nào, thưa bà?

Trước hết cần tăng cường công tác tuyên truyền dưới mọi hình thức, giáo dục từ chính trong gia đình, nhà trường và xã hội. Thứ nữa, Nhà nước cũng cần phải có cơ chế bảo vệ, khen thưởng, khuyến khích những người làm việc tốt trong xã hội để nhân rộng các gương điển hình. Đồng thời phải trừng trị mạnh hơn các hành vi gây hại cho xã hội. Nếu mỗi người đều có trách nhiệm công dân cao thì sẽ đẩy lùi được thói vô cảm.

Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
"Khi đứng trước người bị nạn, có người sẽ hành động theo bản năng là cứu giúp họ. Tuy nhiên, nhiều người tỉnh táo đến mức họ sẽ bình tĩnh cân nhắc thiệt hơn, mặc cho tính mạng người bị nạn đang nguy kịch. Nhưng đáng trách hơn cả là có những người lợi dụng lúc người ta bị nạn thì nhảy vào "hôi" của, gây thêm tội ác với nạn nhân. Họ không ý thức được rằng, có thể ngày mai chính họ hoặc người thân của họ cũng sẽ là nạn nhân như thế".
GS.TS Lê Thị Quý
Vũ Thủy (Thực hiện)
[links()]