Đầu tháng không cắt tóc?

Google News

Theo quan điểm tâm linh của người Việt, tóc là bộ phận của con người, không muốn cắt bỏ những gì thuộc về cơ thể trong dịp đầu năm

 - Đầu năm nhiều người kiêng cắt tóc, thậm chí đầu tháng cũng vậy, những kiêng kỵ như vậy có cơ sở khoa học nào không?
Kieng cat toc dau nam: Quan niem kieng cat toc dau thang
 

Kiêng kỵ từ truyền miệng

Theo TS Nguyễn Ngọc Mai (Viện Nghiên cứu Con người): Theo quan điểm tâm linh của người Việt, tóc là bộ phận của con người, không muốn cắt bỏ những gì thuộc về cơ thể trong dịp đầu năm, bởi cắt là mất,  nó có thể cho ta gặp những chuyện không suôn sẻ hoặc hay ốm đau.
 Đây thực chất nó là văn hóa, kiêng kỵ truyền miệng mà chưa có một cuộc khảo sát xã hội học nào chứng minh cho những điều kiêng kỵ này là đúng hay sai.
Kieng cat toc dau nam: Quan niem kieng cat toc dau thang-Hinh-2
TS Nguyễn Ngọc Mai  
Chỉ có điều, từ ngày xưa, người Việt Nam đa phần sống bằng nghề nông nghiệp nên phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, họ nghe thần linh, có thể nói hằng số văn hóa của người Việt xưa là luôn "động", có nghĩa là không tĩnh, không yên ả.

Vì vậy, họ mong một cuộc sống yên bình, yên lành, nên sẽ tin vào những điều kiêng kỵ đó và luôn tuân thủ.

Hiện nay, ngày càng có nhiều thanh niên quan tâm đến những điều kiêng kỵ như đầu năm không cắt tóc, hay đầu tháng không đi thăm phụ nữ đẻ...
 Có thể lý giải điều đó rằng bản lĩnh của lớp trẻ ngày càng yếu, sự tác động của kinh tế thị trường gây biến động nhiều, khiến cái được, cái mất, sự hợp tan, thăng tiến chỉ trong giây lát... 
Vì vậy, người ta càng cần tìm đến sự hỗ trợ về tinh thần, nên sẽ đi lễ nhiều, giải hạn nhiều và kiêng kỵ cũng nhiều hơn.

Trở về vấn đề kiêng kỵ cắt tóc đầu năm, nếu một người đầu năm không may mắn phát hiện bị khối u trên đầu, thì dù có kiêng đến mấy vẫn phải theo bác sĩ cắt tóc để phẫu thuật, chữa trị...

Cho nên tùy vào người, vào quan niệm mà có cách điều chỉnh khác nhau, tuy nhiên các cụ ta vẫn thường nói: "Có thờ, có thiêng, có kiêng, có lành", nếu việc cắt tóc đó không quá bức thiết, thì cứ kiêng đến hết tháng Giêng, không biết có may mắn, an lành hơn không, nhưng chí ít cũng được cho tâm an, lòng yên.
 Lớp trẻ bây giờ kỹ tính hơn ngày xưa

Bà Nguyễn Thị Nắp (Thanh Oai, Hà Nội) cho biết: Tôi năm nay cũng đã gần 80 tuổi, quả thật cũng không biết tục kiêng cắt tóc đầu năm có từ khi nào, nhưng nhiều khi nghe thấy con cái bảo "muốn đi cắt tóc" thì mình lại thường nói:

"Ai cắt tóc đầu năm" và có thể chính những câu nói mà người xưa truyền lại như vậy đã thành thói quen cho lớp trẻ ngày nay.

Bản thân tôi ngày trẻ, mặc dù làm nghề nông, nhưng cũng chưa bao giờ cắt tóc vào đầu năm. Nhưng khi già, thì quan niệm này lại giảm hơn, bởi nghĩ "cùng lắm thì cũng đi gặp các cụ...".

Ngày nay, lớp trẻ như con cháu tôi còn thấy chúng kỹ tính hơn mình ngày xưa nhiều như không ăn cá mè, cá trê, thịt vịt, thịt mèo, rồi cả cạo râu vào ngày đầu năm...
 Thôi thì theo duy tâm cứ kiêng kỵ, nhỡ không may xảy ra điều gì lại đổ lỗi cho điều không thờ, không tin...  

Theo khảo sát của phóng viên đối với 100 người:
- Có 40,2% người quan niệm kiêng không cắt tóc, không ăn những đồ mà họ thấy đen như thịt chó, mắm tôm, mực…
- Những người không kiêng kỵ thường là người già chiếm 30%.
- Những người không kiêng kỵ thường là người lao động tự do chiếm 29,8%.

Phạm Hằng (Thực hiện)