- Đây là câu hỏi nếu Việt Nam có cơ hội đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo khi Thái Lan chấp nhận mất khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Tôi xem thời sự thấy đưa tin Chính phủ Thái Lan mua lúa cao hơn giá thị trường để hỗ trợ nông dân. Một ông, hình như là doanh nghiệp thì phải, còn nói đại ý: Lâu nay chúng ta đứng thứ nhất thế giới về xuất khẩu gạo, nhưng thứ nhất thì có ý nghĩa gì khi mà nông dân không được lợi. Hay quá đi mất! Vậy là họ trợ giá cho nông dân và chấp nhận mất khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Đây là cơ hội cho Việt Nam vượt lên, đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Nhưng cũng vẫn câu hỏi trên: Đứng đầu thì nông dân được lợi gì?
|
Ảnh minh họa |
Lâu nay, xuất khẩu gạo chúng ta đứng thứ hai thế giới, xuất khẩu cà phê, cao su, hạt tiêu... cũng giữ những thứ hạng khá cao. Nhưng vẫn phổ biến tình trạng được mùa mà nông dân không vui. Năm nào cũng đã nói đi nói lại mãi rồi, nhưng vẫn chưa có gì thay đổi. Chả còn lấy đâu ra cảnh mấy thôn nữ cười tươi như hoa bên những bó lúa vàng nặng trĩu hạt nữa. Bởi được mùa, nhưng bị ép giá phải bán với giá thấp, trừ đi chi phí đầu tư thì chả còn mấy.
Có lần tôi về vùng Hoài Đức (Hà Nội) thấy bên đường có những đám ruộng bỏ không, để cỏ mọc tốt um. Hóa ra là nông dân chán ruộng nên bỏ hoang, vì làm thì vất vả, đầu tư giống, thuốc trừ sâu, trừ cỏ, phân bón, tiền công thuê cày bừa, thuê gặt... thì nhiều, bán thóc khéo không đủ. Họ chỉ mong nhà nước lấy đất để được đền bù rồi còn chuyển sang nghề khác! Nông dân chán ruộng, đúng là đáng phải báo động.
Một đồng nghiệp có bài viết về những người nông dân đêm nằm nghe tiếng cà chua rụng mà xót ruột vì giá bán chỉ 300đ/kg, chả bõ công hái mang bán. Cô ấy thương quá, mua mấy chục cân về chia cho khắp mọi người trong cơ quan. Trong khi ở Hà Nội chúng tôi vẫn phải mua cà chua với giá 10.000 - 15.000đ/kg, lúc nào rẻ lắm cũng 5.000 - 6.000đ. Tức là gấp đến hơn 20 lần giá bán của nông dân. Các mặt hàng nông, hải sản, thực phẩm khác cũng vậy, giá tới tay người tiêu dùng bị đội lên gấp nhiều lần so với giá bán của nông dân. Tại sao cứ để tình trạng bất hợp lý như vậy tồn tại mãi?
Tại sao nông dân, những người làm ra hạt gạo nuôi sống xã hội, vẫn là những người nghèo khổ nhất?
Minh Anh
[links()]