Đến lớp học thêm... cho vui
Tiếp tục cuộc khảo sát học sinh ở các trường phổ thông tại Hà Nội, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến khác nhau về việc học thêm. Em Trần Anh Quang, lớp 10A6, Trường THPT Trần Phú, Hà Nội bộc bạch: Em không thích đi học thêm chút nào. Sợ nhất là đang ngủ trưa bị đánh thức dậy đi học.
Tuy nhiên, ngồi ở nhà học một mình cũng buồn lắm nên em vẫn đi dù không thích. Các buổi chiều mà ở nhà làm bài tập cũng chán. Đến lớp được gặp gỡ các bạn, tán phét này nọ cũng vui. Bố mẹ em cũng nói nhiều, tạo áp lực nhiều, phải gọi là siêu áp lực. Nhưng ăn mắng nhiều quá, em cũng trơ luôn rồi. Việc học phải vì bản thân mình chứ cứ thúc ép giục giã cũng chỉ là đối phó thôi.
Trần Kiều Oanh, lớp 10 Sinh, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Đông, Hà Nội cho biết, mỗi tuần em học thêm 2 buổi toán và văn. Thi khối gì em sẽ học thêm khối đó. Em học chính buổi chiều nên buổi sáng đi học thêm. Học thêm là để hiểu rõ hơn vấn đề mà trên lớp chưa hiểu nên em thấy khá cần thiết.
“Đi học thêm chúng em sẽ học sâu hơn, biết rõ hơn nhưng cũng là nơi mà mình thấy vui hơn, thích hơn so với tự ngồi học ở nhà. Lớp em tổ chức đi học thêm theo lớp nên đi học thêm cũng như đi học chính, gặp bạn bè hằng ngày, không gặp là thấy nhớ lắm. Thực ra ở nhà tự học cũng được thôi, nhưng đến lớp bao giờ cũng vui hơn hiệu quả hơn. Không phải cái gì cũng có thể tự học được”.
Các em cho biết, học thêm chủ yếu là ôn luyện, làm bài tập. Thời gian 1 tiết 45 phút không đủ để làm hết các dạng bài tập được nên ở lớp học thêm các em được cô giáo giảng chuyên sâu. Tuy nhiên, hiệu quả thế nào thì cũng khó biết được.
45 phút trên lớp không "nhồi nhét" hết kiến thức
Nguyễn Đức Anh, lớp 11A6, Trường THPT Trần Phú cho biết, em đi học thêm ở nhà cô giáo. Mỗi tuần em học 4 buổi, chủ yếu tập trung vào các môn thi đại học. Em đi học vì bản thân mình chứ không phải vì sự ép buộc nào cả. Em đang học lớp 11 nhưng việc ôn thi đại học đã phải bắt đầu từ năm ngoái rồi.
Còn phụ huynh của em Phan Vũ Hương, lớp 11C4, Trường THPT Việt Đức cho hay, Hương đi học thêm ở ngoài vì thời gian trên lớp không đủ để học hết được các kiến thức có trong sách giáo khoa.
Một giáo viên của trường THPT Nguyễn Huệ nhận định, chính cách giảng dạy trong nhà trường, chương trình học hiện nay đang khiến cho các em buộc phải đi học thêm. Ở trường, các thầy cô không dạy cách tự học tự nghiên cứu mà nặng về kiến thức sách vở, công thức, nhồi nhét. Mà với thời lượng mỗi tiết học chỉ có 45 phút thì không thể nhồi hết lượng kiến thức có trong sách giáo khoa được. Vì thế, việc đi học thêm là tình huống không thể khác được.
Theo cô Nguyễn Kim Huệ, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội, học thêm hay dạy thêm là nhu cầu chính đáng, mong muốn được học nhiều hơn, giỏi hơn. Tuy nhiên, để giải quyết nhu cầu đó phải có những cơ chế, điều kiện trường lớp, số lượng thầy cô giáo, quỹ thời gian nhất định phù hợp với năng lực truyền thụ cũng như tiếp nhận kiến thức, cũng như thời gian học sinh tự học để tiêu hóa kiến thức, chứ không chỉ thầy truyền cho trò, thầy đọc trò ghi là phổ biến như hiện nay.
"Năm học nào tôi cũng phải làm đơn "tình nguyện" cho con đi học thêm dù tôi thấy các phương tiện đại chúng có nói đến việc cấm học thêm. Như vậy là dù có cấm thì nó vẫn cứ đương nhiên được hợp thức hóa. Học thêm hay học chính không phân biệt được. Tôi không tiếc tiền đầu tư cho con học, chỉ thương cháu suốt ngày than thở mệt mỏi, lúc nào cũng ngáp thèm ngủ, thỉnh thoảng trong mơ cũng giật mình vì bài chưa làm xong".
Một phụ huynh quận Cầu Giấy, Hà Nội |