Kỳ án “cái chết con chuột đồng” có một không hai

Google News

Hơn 180 nghìn con chuột đồng đang sống phây phây bỗng dưng chết không kịp ngáp do bị bơm ngập nước và rải khí đá!

Hơn 180 nghìn con chuột đồng đang sống phây phây bỗng dưng chết không kịp ngáp do bị bơm ngập nước và rải khí đá! Kỳ án “cái chết con chuột đồng” có một không hai trong lịch sử vừa xảy ra tại huyện biên giới Tịnh Biên (An Giang) đang là sự kiện nóng hổi và buồn cười nhất ở miền Tây.

Chúng tôi có mặt tại khu vườn của ông Phan Văn Giỏi (ấp Xuân Bình, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, An Giang), nơi xảy ra kỳ án con chuột đồng vừa bị “hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn” theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh An Giang.

Xác chuột chết trương đã bốc mùi hôi thối. Xác chuột ven bờ, xác chuột dưới gốc cây, xác chuột lềnh bềnh trong nước, xác chuột “ẩn mình” trong lòng đất… đâu đâu quanh khu vườn ấy cũng đầy xác chuột. Mùi hôi thối nồng nặc, ruồi nhặng bay đầy rẫy khu vườn rộng gần nghìn mét vuông.

Ngồi trong lán trại, anh Nguyễn Văn Na, một người cùng hùn vốn vào mô hình nuôi bẫy, dẫn dụ chuột đồng, cũng là người trực tiếp nuôi, chăm sóc lũ chuột, cười mà mặt méo xệch nói: “Chúng chết trương phềnh đầy đó. Mấy ông xã, huyện bơm nước vô, rải thêm khí đá vào thì làm sao mà lũ chuột còn sống nổi. Chỉ tội mỗi mấy em sinh viên tình nguyện đi chiến dịch mùa hè xanh phải lội nước bì bõm hôi thối, ô nhiễm chỉ để… vớt xác chuột.”

“Hạ độc nhanh, tiêu diệt gọn”

Bản án “tử” dành cho lũ chuột không phải tòa tuyên mà do UBND tỉnh ra công văn chỉ đạo. Việc cưỡng chế, tiêu diệt chuột cũng khá “lạ”: không tống đạt quyết định, kể cả thành lập đoàn cưỡng chế và giao biên bản cho người vi phạm. Và nếu vi phạm thì phải xử phạt, đằng này cũng không có quyết định xử phạt hành chính.

Và sau khi tiêu diệt chuột thì cũng không có phương án xử lý mô trường, môi sinh ra sao, ngoài việc kêu các sinh viên tình nguyện tham gia chiến dịch mùa hè xanh đi “vớt xác chuột”.
 Sinh viên tình nguyện “mùa hè xanh” cùng nhau dọn xác chuột..
Sinh viên tình nguyện “mùa hè xanh” cùng nhau dọn xác chuột..
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tịnh Biên Lâm Văn Bá nói rằng: “Theo tinh thần công văn 1211/UBND-KT về việc nghiêm cấm nhân, nuôi chuột và triển khai cấp bách các biện pháp phòng trừ chuột để bảo vệ mùa màng của UBND tỉnh An Giang, ngay sáng 17/7, chúng tôi phải huy động Thị trấn Tịnh Biên, xã An Nông, xã An Phú với tổng số gần trăm người mới thi hành xong việc tiêu hủy chuột trong vườn nhà ông Giỏi.

Hai ngày qua bắt gần tấn chuột. Nghe đâu, số chuột còn lại trên hai tấn nữa, phải huy động dân quân và sinh viên tình nguyện đi vớt liên tục rồi báo cáo cập nhật hằng ngày”.

Công văn do một Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang ký cũng nêu rõ: “Yêu cầu UBND huyện Tịnh Biên chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương buộc ông Phan Văn Giỏi chấm dứt việc nuôi chuột và cấp tốc tiêu hủy hết đàn chuột dưới sự giám sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên – Môi trường trong vòng 24 tiếng (tính từ lúc 17 giờ ngày 16/7/2012).

- “Vậy còn chuyện xử lý môi trường hay xử phạt hành chính ra sao”, chúng tôi hỏi.

- “Xử lý môi trường là việc của phòng Tài nguyên môi trường. Thị trấn không biết. Còn xử phạt hành chính thì chưa thấy trên chỉ đạo”, đồng chí Phó Chủ tịch Lâm Văn Bá trả lời.

- “Nhưng ngoài chuột còn có cá nuôi, xoài trong vườn cũng chết do nước ngập với khí đá thì sao?”

- “Thị trấn cũng chưa tính chuyện đó. Chỉ biết là phải tiêu diệt khẩn cấp lũ chuột vì chuột là loài gặm nhấm cực kỳ nguy hiểm cho mùa màng lại sinh sản cực nhanh. Ông Giỏi nuôi chuột nhưng không báo, đăng ký với chính quyền địa phương nên như thế là vi phạm rồi. Mà vi phạm phải xử lý thôi”. Đồng chí Bá trả lời.

Kỳ lạ mô hình nuôi chuột!

- “Chuột đồng từ trước đến giờ chỉ diệt và thịt để ăn chứ ai đời mà nuôi. Nói thiệt chứ tui thấy ông Giỏi, ông Kha, anh Na xây tường, bỏ chuột vào nuôi cũng lo dữ lắm. Tui đã bụng bảo dạ, nếu mà thấy một con nào lọt ra ruộng tui là tui thưa cho mấy ổng ở tù luôn.

Nhưng lạ lắm, tụi nó không ra mà lại rủ nhau bò vô nên lúa tui cặp sát vườn năm nay không tốn một xu tiền thuốc chuột mà lúa hè thu này ruộng tui làm tới 16, 17 bao/công (một bao khoảng 50kg)”, nông dân Khmer Chau The (43 tuổi) có đất làm lúa cặp sát mô hình bẫy, nuôi và dẫn dụ chuột đồng của ông Phan Văn Giỏi chia sẻ.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo tỉnh An Giang, huyện Tịnh Biên và thị trấn Tịnh Biên thì “Người dân báo chuyện ông Giỏi nuôi chuột có thể gây nguy hiểm nên áp dụng biện pháp khẩn cấp là cần thiết”, đồng chí Lâm Văn Bá, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tịnh Biên khẳng định.

Mô hình nuôi chuột đồng của ông Giỏi cùng những người bạn khá độc đáo và là “mô hình chăn nuôi” kỳ lạ nhất xứ miền Tây từ trước đến nay. Có lẽ vì lạ quá nên mới xảy ra cớ sự.

Bên tách trà trong căn chòi cạnh mô hình lâu lâu lại phảng phất mùi chuột chết, ông Giỏi miệng méo xệch nói về mô hình: “Lúc trước, tui đi bên Ấn Độ, thấy người ta làm cái bẫy vườn, thả thức ăn cho lũ chuột vô hay quá nên về đây, rủ mấy anh bạn hùn tiền làm mô hình.

Xung quanh vườn mình làm mống đà 0,5m, âm đất 0,3m, trên xây tường rào cao 1,2 mét, mép vách đặt lưỡi gà bằng thiếc mềm rộng 80cm vừa không cho chuột trong vườn bò ra nhưng chuột bên ngoài trèo vào sập lưỡi gà bẫy rớt vào vườn. Chung quanh vườn đào hệ thống ao, bơm nước thả cá.

Trên làm các bờ đê trồng xoài. Mô hình ba trong một cũng tiện. Mấy người có cổ phần gồm chị Nguyễn Thị Ngọc Bích, anh Nguyễn Văn Na, ông Huỳnh Văn Ngôn, anh Huỳnh Văn Kha và tui. Mỗi người bỏ ít vốn, diện tích đất, công chăm sóc, thức ăn cho chuột (ốc bươu vàng)…. Tính tròm trèm tất cả cũng khoảng tỷ đồng. Vậy mà bây giờ như thế này, hỏi sao không chán!”

Ngày 30/ 4/2012, ông Giỏi tiến hành thả vào khoảng 3 tấn chuột đồng, 175 kg cá trê, 120kg cá sặt… và trồng hàng trăm gốc xoài, dừa… Đến ngày 17/7 thì lệnh tiêu hủy được thực hiện. Ông Giỏi và những người góp vốn mới chỉ bán chuột được một lần với 350 kg.

Do đặc tính chuột háo ăn, sống bầy đàn nên nơi nào có đông chuột, có nhiều thức ăn là chuột di chuyển đến. Trung bình hằng đêm có từ 60 đến 70 con, mùa cắt lúa vừa qua lên đến trăm con/đêm bò vào kiếm ăn rơi bẫy lưỡi gà sống luôn trong vườn”- anh Nguyễn Văn Na, người trực tiếp quản lý khu vườn cho biết.

Mô hình bẫy chuột sinh học bằng hệ thống vườn không phải quá xa lạ trên thế giới, nhưng tỉnh An Giang lại coi đây là chuyện “không thể chấp nhận được” nên mới xảy ra cớ sự!

Nhận xét về mô hình và vụ việc, Giáo sư - Tiến sĩ Võ Tòng Xuân cho biết: Sự kiện UBND tỉnh An Giang ra lệnh diệt chuột và dẹp bỏ mô hình dụ bẫy chuột đồng ở thị trấn Tịnh Biên là một quyết định rất đáng tiếc do họ không hiểu đây là một kỹ thuật diệt chuột bằng biện pháp sinh học, mà tưởng đây là một doanh nghiệp nuôi chuột để bán kiếm lời.

Kỹ thuật diệt chuột bằng cách dụ chúng vào đám ruộng hoặc khu vườn có đầy đủ thức ăn cho chúng, nhờ vậy chúng không ở ngoài đồng phá ruộng nông dân”.

(Theo Nhân dân)
[links()]

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

Nguyễn Hoàng Thiện -

Nguyễn Hoàng Thiện
<p>Sự việc nên nhìn tường tận, nhìn sơ sơ mà nói đúng thiệt là khổ cho những người thấp cổ bé miệng, làm lợi cho người mà người nói mình hại họ, đọc kỹ qua bài viết thấy mô hình này cũng hay mà, có rào chắn, đầy đủ , ruộng sát bên không chị chuột phá mà. Mà tài sản của dân tại sao cán bộ có quyền gì đi hủy của người ta, không có quyết định hay văn bản gì hết, hay là ỷ lại cán bộ muốn làm gì thì làm, làm để kể công. </p>

ST -

ST
<p>Theo tôi giết chuột là đúng, nếu có sai sót là do tình hình cấp bách phải làm ngay. Sau khi giết xong chuột thì đền bù thỏa đáng cho dân.</p>

Trần Quốc Bảo -

Trần Quốc Bảo
<p>Lại thêm một số nạn nhân của căn bệnh nhiệt tình mà thiếu hiểu biết. Sao không chịu tfm hiểu kỹ rồi hãy ra quyết định tiêu diệt. Đề nghị bồi thường cho dân sau khi đã xử lý xong môi trường</p>

Hiển thị thêm bình luận