Làm quan để kiếm chác, thế có chết không!

Google News

"Ta vẫn yêu cầu cán bộ phải là đầy tớ của dân. Nhưng thực tế lại làm trái ngược, thế mà ít ai nói đến nơi đến chốn"- GS.TS Trần Ngọc Hiên

- Chúng ta có nhiều giá trị phù hợp với xu thế thời đại, nhưng đáng tiếc là đang bị những cái thực dụng che khuất mất. Đó là những chia sẻ của GS.TS Trần Ngọc Hiên, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Tiểu nông khi cầm quyền thì kinh lắm!

Những vụ việc như Tiên Lãng, Văn Giang, Vinalines được dư luận rất quan tâm. Người ta nói nhiều tới những cường hào mới. Ông nghĩ gì về vấn đề này?

Tôi từng đọc một bài viết Làm quan là kế mưu sinh. Làm quan cũng là một nghề nghiệp để kiếm chác. Thế có chết không! Trong khi ta vẫn yêu cầu cán bộ phải là đầy tớ của dân. Nhưng thực tế lại làm trái ngược, thế mà ít ai nói đến nơi đến chốn.

Không phải không nói đến. Dân nói nhiều rồi mà không thay đổi được nên chán không muốn nói nữa.

Đó là lỗi từ phía quan chức. Anh thành tâm xin nghe, người ta sẽ nói. Và nghe xong anh thể hiện thái độ tiếp thu, sẽ chấp hành... thì trí tuệ của dân sẽ phát triển. Các chuyên gia gọi đây là cái vốn xã hội, rất quan trọng. Ta chưa khai thác được vốn xã hội, thế mới sinh ra nhiều chuyện. Thế mới có những vụ việc như Tiên Lãng, Văn Giang, Vinalines. Căn bệnh đó không được bốc thuốc đúng.

Nhưng qua những vụ việc này mới thấy vai trò của báo chí rất lớn!

Đúng vậy. Tôi rất mừng. Nhà nước mà biết lắng nghe xã hội, nghe doanh nghiệp sẽ biết phải làm gì, thay đổi gì, đề bạt cán bộ thế nào cho đúng thì càng uy tín hơn. Nếu không sẽ bị động. Như vụ Tiên Lãng là rất bị động, có nghe dân đâu. Nếu hỏi dân thì họ cho biết ngay. Nhưng đằng này lại làm kiểu tự phát tư lợi.

Theo ông, căn bệnh đó là do đâu?

Tất cả đều từ nguồn gốc sâu xa về văn hóa mà ra. Chúng ta từ một nước nông nghiệp, thành phần đại diện trong này là tiểu nông. Mà đặc điểm của tiểu nông khi cầm quyền thì kinh lắm. Tiểu nông là anh đói nghèo nên rất ghét tầng lớp giàu có, tầng lớp có học. Vì thế, khi phong trào lên để chống lại những cái đó thì hăng hái lắm. Nhưng đến khi thắng lợi cầm quyền thì cũng muốn làm ông quan này, quan nọ, cũng muốn đòi phong bì, lễ lạt, xưng hô đầy đủ...
 
Từ kinh tế nông nghiệp sang kinh tế thị trường cũng là một chuyển đổi về văn hóa. Nước nào chuyển đổi văn hóa càng sớm thì phát triển càng lành mạnh, càng bền vững. Nước nào có văn hóa phát triển chậm thì tất cả những nhược điểm cũ của lịch sử sẽ phát triển lên.
GS.TS Trần Ngọc Hiên, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
GS.TS Trần Ngọc Hiên, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Đó là gót Asin...

Những điều này chúng ta đã nhìn thấy từ trước?

Bác Hồ đã nói rất nhiều về cái nạn nội xâm này. Lênin cũng đã chỉ ra tính tự phát tiểu tư sản là kẻ thù chủ yếu của CNXH. Tính tư lợi đó, không những trong quan mà trong dân cũng tự phát kinh lắm. Quan thì muốn phong bì, dân thì muốn lấn chiếm, ông nào cũng thế, tâm lý tiểu nông là thế: anh xây nhà cao thế này, tôi phải cao hơn một tí, anh lấn ra một ít tôi phải ra thêm tí nữa.

Đó là gót Asin và đáng buồn là giờ đang có cơ hội bốc lên, che lấp tất cả những gì là hào khí trước đây. Tự phát tư lợi sẽ đưa đến ngõ cụt, sẽ va chạm lẫn nhau, hơn nữa là cản trở lớn. Chuyển sang kinh tế thị trường, bản chất là xã hội hóa, khác hoàn toàn với cơ chế bao cấp, cơ chế tiểu nông. Nhưng nhiều cán bộ thì không chuyển đổi đúng, nông dân không chuyển đổi đúng. Không khắc phục cái này thì mức sống càng cao sẽ còn nhiều vấn đề.

Như những vấn đề mà các nước phát triển đang gặp phải?

Tiền bạc là sức hút kinh lắm. Còn tham vọng của con người dường như không có giới hạn. Rồi nó thành thói quen, thành nhân sinh quan lạc lối. Nó có đất phát triển vì chúng ta không có cơ chế kiểm soát, không có cơ chế minh bạch công khai. Dù chả ai giấu được đâu, trang trại ở đâu, biệt thự thế nào, nhận hối lộ ra sao... nhiều người biết chứ.
 
Kinh tế thị trường đem lại mức sống, nhưng lối sống thế nào là bản chất, là độ cao thấp của cuộc sống. Lối sống thực dụng, hưởng thụ đang phá vỡ tất cả. Đấy là đi lầm đường rồi. Cái đó cũng còn là do mặt trái của thị trường dẫn tới và nhà nước không điều chỉnh được. Suy cho cùng vẫn là văn hóa, văn hóa của cộng đồng và của bản thân từng người.

Làm sao để có văn hóa đó, thưa ông?

Kinh tế là nguồn gốc phát sinh văn hóa. Kinh tế nông nghiệp tự cung tự cấp thì phát sinh văn hóa như ta nói. Muốn xây dựng văn hóa thì bắt đầu phải xây dựng kinh tế thị trường rất tốt, từ sản xuất, tiêu dùng, không hàng giả, không lừa đảo... Văn hóa trong sản xuất, trong lao động, trong tiêu dùng, thương mại... là cơ sở của mọi nền văn hóa tinh thần khác.

Văn hóa phải phát sinh từ một nền kinh tế định hướng nhân văn, vì con người. Định hướng nhân văn là sức ép của thế kỷ XXI, cả Mỹ cũng phải chuyển hướng. Như ta đã thấy, mọi thể chế độc tài, tư lợi, chuyên chế đều lần lượt phải thất bại, Trung Đông, Bắc Phi, hay phong trào chiếm phố Wall... Một nền kinh tế mà không có môi trường văn hóa mới thì sẽ trở nên hoang dại, lừa đảo nhau. Có văn hóa mới phát triển bền vững được.

Theo tôi, những cái đó đâu có gì xa lạ với đường lối phát triển của ta, cũng là xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh?

Những mục tiêu tốt đẹp trong đường lối của ta rất hợp với thực tế này. Nhưng vấn đề là ta mới chỉ đưa ra mục tiêu mà không thấy xu thế.
 
Mục tiêu là một nguyện vọng xuất phát từ thực tiễn, ví dụ nhà nước của dân, do dân, vì dân. Ta nói thế thì rất tốt, nhưng phải biết khi nào, nấc thang nào mới đến để mà nắm lấy. Vấn đề nhà nước pháp quyền có từ khi có kinh tế thị trường nhưng trong giai đoạn tư bản chủ nghĩa thì nó gắn với lợi nhuận. Còn khi đã chuyển sang kinh tế tri thức, nhà nước pháp quyền của dân mới có cơ sở thực hiện.
 
Ta nói phát triển xã hội công bằng, bình đẳng... bây giờ thành vấn đề của chính tất cả các nước. Ta có những giá trị thể hiện thời đại mới như giá trị Hồ Chí Minh nhưng ít khai thác để tận dụng mà bị những cái thực dụng trước mắt che khuất. Những bước ngoặt như thế này phải luôn nghiên cứu từ văn hóa.
 
Xin cảm ơn ông!

"Khi chúng ta chưa quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh: Cán bộ là đầy tớ của dân, tức quyền lực là của dân, anh chỉ đại diện để giải quyết yêu cầu của dân chứ không phải quyền lực của anh, thì rất khó đổi mới. Khó vì lợi ích riêng còn che chắn, chưa hài hoà với lợi ích chung. Chừng nào chúng ta hiểu được cái đó thì đổi mới rất nhanh.

Nhà nước trước hết nghe dân, nghe doanh nghiệp, nghe tư vấn, phản biện của các nhà khoa học thì mới đưa ra được những chủ trương, chính sách hợp lòng dân. Anh là quan chức anh phải làm cho dân đổi đời, phải làm những cái gì lợi cho dân chứ không phải làm cho Nhà nước để kê khai thành tích. Mọi thứ phải bắt đầu từ cán bộ. Cán bộ mà tốt thì dân sớm trở thành dân tốt. Những điều này nghe thì không có gì mới nhưng mà trong cuộc sống quá mới, quá khó."


Nhật Minh
(Thực hiện)
[links()]