Lo “người kém làm chính sách, giỏi lao động chân tay“

Google News

Bộ KH&CN gần như không có thông tin phản hồi là cái 90% ngân sách dành cho khoa học dùng như thế nào, hiệu quả đến đâu...

- "Bộ KH&CN gần như không có thông tin phản hồi là cái 90% ngân sách dành cho khoa học dùng như thế nào, hiệu quả đến đâu", Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân chia sẻ.

Doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư KHCN


Nhiều người hiểu đơn giản, đãi ngộ các nhà khoa học là cho họ ít tiền, thế là xong. Thế nên một số địa phương đãi ngộ theo kiểu anh là thạc sỹ thì tôi hỗ trợ 50 triệu đồng, tiến sĩ thì cấp cho anh căn nhà. Họ tưởng đó đã là ưu đãi rất lớn rồi. Nhưng theo tôi, cầm 50 triệu đồng hay cái mảnh đất, căn nhà ấy mà cả năm không ai giao việc gì làm, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện không bao giờ hỏi ý kiến, triển khai công việc thế nào, nên trồng cái gì, nuôi con gì, thì vài năm sau, những người ấy cũng sẽ thấy chán nản, họ sẽ tìm đến các doanh nghiệp nước ngoài thôi. Thế thì ai sẽ ở lại với cơ quan nhà nước?
Ông đánh giá thế nào về sự quan tâm của xã hội nói chung đến KHCN?

KHCN là vấn đề sống còn của một quốc gia. Không phải vì tôi là bộ trưởng mà tôi bao biện, cổ súy hoặc đề cao nó. Đã đến lúc phải đặt KHCN và GD&ĐT là cứu cánh cho nền kinh tế. Nhưng để nó trở thành quốc sách hàng đầu thì còn nhiều gian nan lắm vì người ta không thấy bức xúc của nó như các lĩnh vực khác.

Đầu tư từ các doanh nghiệp cho KHCN đến thời điểm này như thế nào thưa ông?

Theo thống kê chúng tôi tạm tính năm 2011 thì ngân sách nhà nước đầu tư xấp xỉ 700 triệu USD cho KHCN, xã hội đầu tư khoảng 300 triệu USD. Nguồn đầu tư này là vô cùng bé nhỏ so với yêu cầu xã hội đối với KHCN.

Liệu có cơ chế nào đó buộc doanh nghiệp phải đầu tư cho KHCN?

Năm 2008, khi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp được ban hành, Bộ KH&CN đề xuất doanh nghiệp phải trích ít nhất 10% lợi nhuận trước thuế để thành lập quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp. Theo tính toán lúc đó, nếu tất cả các doanh nghiệp đều trích 10% lợi nhuận trước thuế cho KHCN thì có ngay khoảng 13 nghìn 500 tỷ đồng. Thời điểm đó ngân sách nhà nước cấp cho KHCN mới có 7 nghìn tỷ đồng.

Nhưng tiếc là khi trình Quốc hội và được thông qua thì điều khoản ấy lại viết thành "doanh nghiệp được trích 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho KHCN". Rõ ràng "phải" và "được" hoàn toàn khác nhau.

Bởi thế mà cho đến giờ, các doanh nghiệp vẫn thờ ơ với việc đầu tư vào khoa học?

Chính thế. Bốn năm qua, các doanh  nghiệp Việt Nam không thực hiện điều khoản này. Sắp tới chúng tôi sẽ đấu tranh để trong thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi phải có điều khoản này, hoặc đưa vào luật KHCN.

Còn đầu tư Nhà nước cho KHCN thì sao thưa ông?

Ta mới chi hơn 10USD/ người cho KHCN. Trong khi con số này của Hàn Quốc gấp hơn trăm lần so với chúng ta. Nếu muốn phát triển KHCN thì đầu tư cho nó phải tương xứng.
TS Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KH&CN.
TS Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KH&CN.

Tốt không thưởng, sai không phạt

Theo ông thì điểm khác biệt nhất giữa đầu tư của doanh nghiệp và đầu tư nhà nước cho KHCN là gì?

Có sự khác nhau cơ bản. Nhà nước bỏ tiền ra đầu tư nhưng gần như chỉ quan tâm tới việc đã đảm bảo các giấy tờ hay chưa. Còn đầu ra của các đề tài nghiên cứu, sản phẩm có đi vào cuộc sống hay không thì ít quan tâm. Trong khi đó, doanh nghiệp đã bỏ tiền ra là họ phải đòi các nhà khoa học phải ra được sản phẩm cuối cùng. Sản phẩm đó phải dùng được.

Có phải ý ông là để KHCN phát triển thì phải lôi kéo doanh nghiệp vào cuộc?

Đúng vậy.

Vậy tại sao ông không làm. Phải chăng ở cương vị là thủ lĩnh của ngành KHCN ông có những cái khó của mình?

Đó là việc sử dụng phân bổ, giám sát, quản lý và chịu trách nhiệm về ngân sách nhà nước chi cho KH&CN. Thực chất, Bộ chỉ quản lý khoảng 10 - 12% ngân sách dành cho nuôi bộ máy, phân bổ cho các đề tài khoa học Nhà nước trong tổng số 15 nghìn tỷ đồng ngân sách chi năm nay.

Còn đến 90% là do các tỉnh, thành phố quản lý chi tiêu theo phân bổ của Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính. Bộ KH&CN gần như không có thông tin phản hồi là cái 90% ấy dùng như thế nào, hiệu quả đến đâu. Chúng tôi không được quyền phân bổ, không được quyền kiểm tra giám sát. Tỉnh nào không dùng tiền từ Bộ KH&CN đúng mục đích, năm sau chúng tôi không cắt được, địa phương nào sử dụng tốt chúng tôi không thưởng được.

Nhà khoa học bị bạc đãi

Mới đây, sự việc Đan Mạch dừng hỗ trợ vốn cho các dự án ODA do nghi ngờ có sự tham nhũng của các nhà khoa học Việt Nam. Ông có bình luận gì về điều này?

Có sự hiểu lầm. Khi chúng tôi vào cuộc làm rõ thì không có gì sai sót và việc cấp vốn đã trở lại bình thường. Có điều, qua việc này tôi muốn nói là các nhà khoa học các nước được hưởng lương rất cao. Nên khi làm các dự án, đề tài, thì không bao giờ có tiền dự án hay tiền đề tài cả.

Nhưng ở Việt Nam chúng ta thì khác. Lương thấp, khi làm các đề tài, dự án, họ phải có phụ cấp. Nhưng người làm kiểm toán họ không hiểu điều đó, mới dẫn đến thông tin sai lệch. Cùng một dự án đó, chuyên gia nước ngoài hưởng lương 30.000USD/ tháng, các nhà khoa học Việt Nam tham gia vào dự án thì độ khoảng 200 - 300USD phụ cấp. Mà công việc, sản phẩm làm ra, đều không kém. Điều đó cho thấy các nhà khoa học Việt Nam rất thiệt thòi.

Ông muốn nói đến vì lương thấp nên buộc phải có các cơ chế "mở" từ các đề tài, dự án cho nhà khoa học?

Cán bộ khoa học của ta hiện nay là bị bạc đãi nhất trong giới làm công ăn lương. Không có phụ cấp gì ngoài lương. Giáo viên còn có phụ cấp thâm niên, phụ cấp nghề, kiểm toán, hải quan lương cao ngất trời. Một ông vụ trưởng của Hải quan lương cao hơn lương bộ trưởng của tôi.

Đấy là chưa kể thủ tục thanh quyết toán vô cùng rắc rối. Nhiều nhà khoa học nói rằng thủ tục thanh quyết toán mất nhiều thời gian hơn làm khoa học, nghiên cứu. Có thể có người nói quá một tí, nhưng rõ ràng rất mệt mỏi.

Nhưng thực tế là đa phần các nhà khoa học hiện nay đều "sống" nhờ đề tài?

Chỉ có khoảng 10 - 15% nhà khoa học có đề tài nghiên cứu thôi. Một viện lớn mỗi năm có 1 - 2 đề tài cấp Nhà nước, 1 - 2 đề tài cấp bộ là hạnh phúc lắm rồi. Mà cứ đề tài về là rơi vào ngay mấy ông lãnh đạo. Cán bộ khoa học làm gì có đề tài? Làm sao họ sống được với đồng lương của họ. Thế là họ sẽ không vào cơ quan nhà nước nữa.

Hệ quả sẽ là?

Sẽ đến lúc những người trình độ kém sẽ làm ra cơ chế chính sách cho người giỏi thực hiện. Vì cơ quan nhà nước chỉ có những người trung bình, trung bình khá vào làm việc thôi. Còn người giỏi thì vào doanh nghiệp, vào các thành phần kinh tế khác. Người kém làm chính sách, nghiên cứu, còn người giỏi đi làm lao động chân tay. Nếu không có cơ chế chính sách đãi ngộ với các nhà khoa học thì nguy hiểm lắm.

Xin cảm ơn ông!
KHCN nước ta gần như không có công bố quốc tế. Năm 2011, Việt Nam không có sáng chế nào đăng ký tại Mỹ. Còn 5 năm trước đó thì mỗi năm chỉ có 1 hoặc 2 sáng chế được đăng ký ở Mỹ. Ta cũng chưa có nhà khoa học nào được giải Nobel trong khi một trường đại học của Mỹ có khi có hàng chục người được giải Nobel. Chúng ta chưa có sản phẩm nào có thương hiệu được thế giới biết đến. Để người ta nhìn vào nó, nghe thấy nó, là người ta biết nó là Việt Nam. Thậm chí, nói đến nước mắm Phú Quốc người ta cứ tưởng ở Thái Lan. Vì Thái Lan đã đăng ký nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc của chúng ta trước mất rồi. Đó thực sự là những điều đáng buồn.
Tô Hội (Thực hiện)