Xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của nhà phê bình Nguyễn Hòa đăng trên Thể thao Văn hóa:
1. Mấy năm trước, hầu như ông Hoàng Quang Thuận chưa được chú ý trên văn đàn, dù một số bài thơ có nguồn gốc kỳ bí của ông và những lời ngợi ca “có cánh” của một số tác giả đã được công bố. Phải chăng vì cái gọi là thơ của ông không có gì đặc sắc, phải chăng vì “huyền thoại” gắn liền với sự ra đời các bài thơ do chính ông kể ra đã khiến người ta cười mỉm?
Ấy vậy mà sau ngày Tạp chí Nhà văn (lưu ý: không phải Hội Nhà văn Việt Nam) tổ chức cuộc tọa đàm Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử thì tên tuổi của ông bỗng “nổi như cồn”, nhưng là “nổi” theo một chiều hướng kỳ quặc. Cuộc tọa đàm với nhiều bản tụng ca đã làm cho nhiều đồng nghiệp nghi ngờ và lập tức, Hoàng Quang Thuận cùng thơ của ông nhanh chóng trở thành một “hiện tượng” làm tốn giấy mực.
|
Tập thơ Thi vân Yên Tử |
Trong bối cảnh một đời sống văn học phức tạp như lâu nay, thì với các tác giả như Hoàng Quang Thuận, chỉ cần đọc năm bảy bài là hiểu rõ tài năng, bút lực của tác giả như thế nào. Điều đáng khâm phục là một số tác giả lại đọc ra được những điều kỳ diệu như “chất thiền”, “nghệ thuật Đường thi”… từ mấy bài thơ mang dấu ấn cảm tác, lại trúc trắc về vần điệu, ý tứ… Kỳ lạ hơn nữa, dường như có người đã đặt niềm tin vào mấy điều kỳ bí do Hoàng Quang Thuận kể ra, để từ đó run rẩy cứ như là “thần phật” đã hiện hữu qua Thi vân Yên Tử và hậu thế là người trần mắt thịt chỉ có thể “kính nhi viễn chi”, không được buông lời chê trách!?
2. Thế rồi, tất cả bỗng rối tung sau khi LS Nguyễn Minh Tâm công bố bài Thi vân Yên Tử được sao chép từ đâu? Và từ sự xác thực của nó, có thể đặt niềm tin vào những dẫn dụ của Nguyễn Minh Tâm. Những dẫn dụ đó đủ sức chứng minh chẳng có “tiền nhân” nào mượn bút Hoàng Quang Thuận để “viết thơ” như người ta nói, chỉ có một sự thật là Hoàng Quang Thuận đã dựa vào cuốn sách của Trần Trương để phóng tác.
Giả dụ LS Nguyễn Minh Tâm không công bố xuất xứ các bài thơ về Yên Tử của Hoàng Quang Thuận, chắc chắn sự hồ nghi sẽ còn đeo bám dư luận rằng Hoàng Quang Thuận “được “tiền nhân” mượn bút”.
Việc các bài thơ về Yên Tử của ông Hoàng Quang Thuận chủ yếu dựa theo cuốn sách Chùa Yên Tử, lịch sử - truyền thuyết di tích và danh thắng để viết thành thơ (hay văn vần?), tự nó cho thấy sự vắng bóng của “tiền nhân”; đồng thời cũng cho thấy ông Hoàng Quang Thuận đã làm công việc phóng tác, chuyển thể. Lẽ ra ông Hoàng Quang Thuận phải cho công chúng biết trước việc ông dựa vào tác phẩm của Trần Trương để làm thơ. Nói cách khác, ông cần phải giới thiệu rõ tác phẩm gốc để người đọc có thể căn cứ vào đó đánh giá ông có đóng góp gì mới, có làm cho tác phẩm của Trần Trương hấp dẫn hơn không…
Với ông Trần Trương cũng vậy, dẫu ông bênh vực với lời khẳng định: “Thi vân Yên Tử không phải là đạo văn!”, nhưng ông Trần Trương sẽ trả lời sao đây khi nhiều câu chữ của ông hiển hiện rõ rành trong nhiều bài thơ của Hoàng Quang Thuận?
|
Cuốn sách độc bản Thi vân Yên tử |
3. Vài năm gần đây, trong sinh hoạt văn học của xã hội, một số cuộc hội thảo, tọa đàm về thơ đã được tổ chức. Và dường như, do chưa xem xét kỹ lưỡng để xác định đầy đủ tầm mức tư tưởng - nghệ thuật, ý nghĩa của tác giả - tác phẩm, nên sau hội thảo, tọa đàm đã rộ lên những lời bàn tán.
Nhìn nhận một cách khách quan, nếu xu hướng chung của một cuộc hội thảo, tọa đàm là khen ngợi cũng không hẳn đáng trách. Vì vấn đề phụ thuộc vào việc khen ngợi có lý hay không, có được luận chứng rành rẽ, thuyết phục hay không. Với chê cũng vậy, dựa trên tinh thần lương thiện trí thức và tính khách quan để chỉ rõ hạn chế thì cần trân trọng, vì chí ít việc làm này cũng giúp tránh được sai sót, thậm chí là tránh sai lầm.
Thiết nghĩ, để tổ chức hội thảo, tọa đàm về thơ của một tác giả, trước hết cần đánh giá xem thơ của tác giả ấy có thật sự mang ý nghĩa xã hội - nghề nghiệp, có thật sự đem tới các tác động tư tưởng - thẩm mỹ đối với đồng nghiệp và công chúng…
Nguyễn Hòa