(Kienthuc.net.vn) - “Chỉ cần một người đứng lên, hành động, đưa ra yêu cầu cụ thể với những người khác để giúp nạn nhân, đám đông “bên lề” sẽ dấn thân “vào cuộc” và tình thế chắc chắn đã thay đổi!” - chuyên viên tâm lý Ngô Toàn nhận định về “Người đi đường “tàn nhẫn” với nạn nhân bị TNGT” đăng trên Kienthuc.net.vn mới đây.
Chuyên viên Ngô Toàn gọi hiện tượng thấy người bị nạn mà không cứu giúp chính là biểu hiện của “hiệu ứng người ngoài cuộc” (bystander effect) vẫn thường gặp trong đời sống. “Đây không phải là việc của mình”, “không liên quan tới mình”, “mình không có trách nhiệm”, “ai đó sẽ giúp họ”… có thể là những suy nghĩ nảy sinh trong đầu của những người tham gia giao thông hôm ấy.
“Những người ngoài cuộc này vẫn có ý tốt, vẫn muốn giúp đỡ người khác nhưng họ sợ bị phiền lụy, sợ trách nhiệm”. Biết đâu người bị nạn say rượu hay nghiện ngập? Đi cứu giúp người lỡ bị “ăn vạ”, thành gây ra vụ tai nạn, bị bắt đền tiền thì sao? Tệ hơn nữa, nếu người ta chết, mình có thể vào tù…
|
Hiệu ứng “người ngoài cuộc". Ảnh: Internet |
Theo chuyên viên tâm lý Ngô Toàn, câu chuyện này cũng là minh chứng rõ nét cho thấy: Đối lập với yêu thương không phải là hận thù, mà là sự hờ hững, vô cảm, khi người ta cố tình không nhìn thấy nhu cầu yêu thương, mong muốn được quan tâm, chăm sóc và giúp đỡ của những người xung quanh.
Bằng cách nào, những “người ngoài cuộc” có thể trở thành những “người trong cuộc”, tham gia cứu giúp người bị nạn? Tại sao chị Nga - người bán nước trong bài báo - chủ động tìm kiếm trợ giúp nhưng không đem lại hiệu quả? “Đó là cách thức khuyên nhủ, kêu gọi sự giúp đỡ trong những tình huống khẩn cấp”, chuyên viên tâm lý Ngô Toàn khẳng định.
“Sự thờ ơ làm “kẻ ngoài cuộc” hoặc những lời kêu gọi chung chung đều không làm biến chuyển tình hình. Vì những lời khuyên, lời kêu gọi chỉ thiết thực, chỉ thúc đẩy người ta hành động khi nó nhắm đến đối tượng nhất định, với những hướng dẫn cụ thể, mạnh mẽ. Nó sẽ đánh thức những lương tâm ngủ quên, kích hoạt đám đông dấn thân vào trợ giúp”.
|
“Đây không phải là việc của tôi. Ai đó sẽ giúp họ". Ảnh: Internet |
“Trong tình huống đó, nếu một ai đó, đứng ra, chặn một số người đi đường lại, yêu cầu người này “chị ơi gọi giùm taxi đi”, kêu gọi người kia “hai anh này khỏe mạnh nhanh khiêng người ta lên xe”…, chắc chắn câu chuyện sẽ khác!” - chuyên viên tâm lý Ngô Toàn khẳng định!
Sự thờ ơ của người này sẽ làm tăng thêm sự thờ ơ của người khác, sẽ tạo thành một đám đông lãnh cảm trước sinh mạng và nỗi đau đồng loại. Nhưng chỉ cần một người đứng ra, dấn thân quyết liệt, kích hoạt người khác, người bị nạn có thể nhanh chóng được cứu giúp!”
[links()]
Hướng Dương (ghi)