Thực hư chuyện rộ mốt nuôi “chó điên” ở Hà Nội

Google News

Hai con chó kích thước vừa phải, cùng màu vàng, đang điên cuồng lao vào nhau cắn xé.

Sáng chủ nhật, tại khu vực hồ Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội), một đám đông đang quây tròn, nhốn nháo ở thảm cỏ ven hồ, xem một cảnh tượng không mấy nhân văn: Hai con chó kích thước vừa phải, cùng màu vàng, đang điên cuồng lao vào nhau cắn xé.

Hai con Pitbull khè nhau ở Hồ Tây (Ảnh Internet)
Hai con Pitbull khè nhau ở Hồ Tây (Ảnh Internet)
 

Vô tình mục sở thị “tính điên” của chó Pitbull

Có vẻ như đây là một tai nạn của chủ nuôi, khi anh này cố gắng kéo xích cổ của 1 con chó, trong khi con còn lại sống chết lao vào cắn. Không một ai dám hỗ trợ người chủ, giữ lấy dây xích của con thứ 2. Trận chiến vì thế diễn ra khá lâu, đến hơn 10 phút. Cuối cùng, chỉ khi dây xích của con thứ 2 vướng vào một gốc cây cạnh đó, người chủ mới có thể tách 2 con chó ra và ngay lập tức phải đưa chúng đi khuất tầm nhìn của nhau.
 
Lúc này mới có thể quan sát kỹ đây là 2 con chó thuộc giống Pitbull. Hóa ra, người chủ mới chơi loại chó này, mua cả 2 con về nuôi dưỡng từ khi còn nhỏ. Thường ngày, cứ chiều đến, anh vẫn dắt chúng đi dạo ven hồ Giảng Võ. Đột nhiên hôm nay, chúng “nổi điên” lao vào cắn xé nhau. Mặc cho máu chảy ướt đẫm vùng lông ở cổ và ức, con chó thứ 1 lừ lừ đưa đôi mắt sắc lạnh liếc nhìn, khiến người đối diện không khỏi chột dạ.

Thở hổn hển vì mệt, người chủ móc điện thoại ra gọi cho bạn: “Mày đến mang tạm một con về nuôi, không thì cho tao để nhờ vài hôm, chứ giờ đưa về một chỗ, chắc nó cắn nhau chết”.

Những lời đồn thổi “nổi gai ốc, sởn da gà”

Người ta đồn thổi rất nhiều về giống chó Pitbull. Có lẽ một phần vì ngoại hình quá dữ dằn của loài chó này: Dù kích thước tổng thể không quá to như kiểu chó Ngao Tây  Tạng, song Pitbull có một bộ khung xương vững chãi “như bàn thạch”, khắp thân là những múi cơ bắp săn chắc, vai trước vạm vỡ. Đặc biệt là đôi mắt, sắc lạnh và lầm lì, nằm ở dưới cái trán to gồ lên. Có không ít con Pitbull trên người chằng chịt những vết sẹo, càng làm tăng lên ác cảm và sự sợ hãi đối với người lần đầu tiên tiếp xúc.

Nhiều người rỉ tai nhau rằng, loài chó này có một cơ hàm khác biệt, có cấu tạo như khớp khóa,  do đó khi nó đã cắn vật gì, hay đối thủ thì không bao giờ nhả ra. Bên cạnh lời đồn thổi về “hàm khóa”, người ta còn tin rằng Pitbull là loài chó không biết đau (!?) nhờ hệ thần kinh… có vấn đề; dù bị con khác cắn tơi bời cũng chẳng xi-nhê gì, thậm chí có xịt hơi cay vào mặt nó cũng vô tác dụng (!?)…v…v. Cũng chính vì thế nhiều người cho rằng loài chó này thường điên điên, khó kiểm soát, ẩn chứa nhiều rủi ro khi nuôi tại gia.

Lời đồn thổi “ác” nhất, đó là hiện nay tại Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc đang rộ mốt nuôi loài “chó điên” này, mà phần đông - chủ nuôi là dân “anh chị”, nuôi chó Pitbull như một sự khẳng định về đẳng cấp vật nuôi, số má giang hồ. 

Pitbull không hề điên, người nuôi không hề “anh chị”

Đem tất cả những chuyện này hỏi anh Hải (tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu) - một người có nhiều kinh nghiệm nuôi chó Pitbull tại Hà Nội - thì nhận được câu trả lời phủ đầu: “Lại là nghe đồn đúng không?”.

“Pitbull cũng như tất cả các loài chó khác: điên hay không; phản chủ hay trung thành… tất cả đều do cách nuôi dạy của con người mà ra”- anh Hải thủng thẳng - “Tôi đã từng nuôi nhiều loại chó từ thời nuôi chó Nhật, rồi chó Béc-giê, thậm chí cả Ngao Tạng (chó ngao Tây Tạng- P.V) và giờ là Pitbull, có thể khẳng định đây là loài chó rất trung thành, tình cảm với chủ. Tương tự như thế, người nuôi giống chó này không có chuyện toàn dân “anh chị”, mà thực tế hầu hết đều là những người tử tế”.

Anh Hải mở chiếc máy tính, cho chúng tôi xem về chuyện nuôi chó Pitbull một thành viên tại Hà Nội. Thành viên này kể rằng: sáng hôm đó, con Pitbull của anh đã rất yếu rồi, nhưng vẫn cố liếm láp và vẫy đuôi chào chủ đi làm. Đến chiều về, anh này thấy con chó đã chết cứng ngắc, trong tư thế nằm hướng về phía đón chủ vào nhà. Hình ảnh đó làm anh đến giờ vẫn không thể mở lòng với một con chó khác.

Anh Hải tiếp tục mở tư liệu về cho Pitbull cho chúng tôi xem, tất cả đều chứng minh loài chó này giống như bao loài chó khác, nghĩa là không có “hàm khóa”  và “thần kinh bất thường”. Điểm nổi trội của Pitbull là có thể lực tốt và thần kinh thép cũng như ý chí lãnh thổ cao, nên theo bản năng nó có thể tấn công những con chó, thú khác đến cùng (thậm chí là những con thú lớn hơn nó nhiều lần).

Lợi dụng đặc tính này, ở nước ngoài và ngay cả Việt Nam trước đây từng có nhiều trận chọi chó Pitbull. Tuy nhiên, hiện nay những người nuôi, yêu chó Pitbull thực sự, cực lực lên án và tẩy chay hành vi dã man này. Họ vẫn bằng nhiều cách rèn luyện cho con chó khỏe mạnh, song là để thi thố trong những cuộc thi kéo vật nặng, sự nhanh nhẹn hay tuân mệnh lệnh chủ mà thôi. Trường hợp 2 con chó cắn nhau ở hồ Giảng Võ nêu trên, có thể do chúng đến tuổi trưởng thành, động dục mà chủ nhân do thiếu kinh nghiệm, không để ý, huấn luyện nên mới xảy ra chuyện.

Đang hào hứng, anh Hải bỗng chùng giọng xuống: “Tôi không phủ nhận, có một bộ phận nhỏ người nuôi Pitbull theo mục đích không lành mạnh. Đơn giản, họ nuôi loài chó này vì “Ghét con chó nhà hàng xóm, nuôi con dữ hơn cho biết tay” hay thậm chí là “Mày đánh tao, tao thả chó cắn”; cũng có những trường hợp dân “anh chị” nuôi Pitbull theo kiểu “không đụng hàng” với thiên hạ, lấy le khi dắt con chó đi đường, ai cũng phải ngoái nhìn… Những người này thường tìm nhiều cách kích thích con vật, miễn sao nó càng hung hăng càng tốt. Họ đánh đập chó, đối xử tàn bạo, thậm chí tiêm thuốc kích thích bản năng sát thủ của Pitbull. Đến một ngày kia, bất chợt nhận ra con chó đã ở ngoài vòng kiểm soát của chủ thì họ chán chường, đem cho hoặc bán rẻ cho người khác. Khi đó con chó đã trưởng thành, về với chủ thứ 2 cũng rất khó thuần phục và có thể gây ra tiếng xấu”.

Vượt lên trên tất cả những điều thị phi ấy, những người thực sự yêu quý giống cho Pitbull tại Việt Nam vẫn đang ngày một tăng về số lượng- như một minh chứng hùng hồn, gỡ tiếng oan cho loài chó đặc biệt này.
 
(Theo An ninh thủ đô)