Bé uống sữa tươi: khi nào và bao nhiêu là hợp lý?

Google News

Phải cho con uống sữa gì, khi nào uống được sữa tươi và uống bao nhiêu là đủ? Đó là thắc mắc của không ít phụ huynh hiện nay.

Thực chất, trẻ sau 1 tuổi hoàn toàn đã có thể chỉ dùng sữa tươi với một lượng vừa phải để nhường chỗ cho những thực phẩm giàu dưỡng chất khác.
Ảnh minh họa 
Tại sao các chuyên gia khuyên bạn nên đợi cho đến khi bé được 12 tháng?
Có nhiều lý do để trì hoãn cho bé sử dụng sữa tươi thay sữa mẹ hoặc sữa bột cho đến sau sinh nhật đầu tiên của bé:
Trẻ sơ sinh không thể tiêu hóa sữa bò hoàn toàn hoặc dễ dàng như với sữa mẹ hoặc sữa bột. Sữa bò có chứa nồng độ protein (đạm) và khoáng chất cao, có thể làm ảnh hưởng đến thận chưa trưởng thành của bé. Ngoài ra, sữa bò cũng không cung cấp đủ sắt, vitamin C, và các chất dinh dưỡng cần thiết khác cho nhu cầu của trẻ dưới 1 tuổi, có thể gây ra thiếu máu thiếu sắt ở một số em bé. Đó là chưa kể đạm sữa bò có thể gây kích ứng niêm mạc trong hệ tiêu hóa của bé (còn gọi là hiện tượng dị ứng sữa bò), dễ dẫn đến tình trạng bé đi phân nhầy có máu. Cuối cùng, sữa bò cũng không cung cấp đủ các loại chất béo lành mạnh cần thiết cho bé phát triển trong khoảng thời gian này.
Trên 1 tuổi, hệ tiêu hóa của bé đã sẵn sàng để tiêu hóa được sữa bò tươi. Và lúc này sữa bò tươi là nguồn cung cấp canxi dồi dào, giúp hệ xương và răng chắc khỏe, giúp điều hòa quá trình đông máu và kiểm soát cơ bắp. Trong sữa tươi còn thường được bổ sung một lượng vitamin D nhất định, giúp cơ thể bé hấp thụ canxi tốt hơn, đây là điều quan trọng cho sự phát triển cơ xương. Nếu con bạn được tiếp nhận đủ canxi ngay từ giai đoạn này, nhiều nghiên cứu cho thấy bé sẽ ít có nguy cơ bị cao huyết áp, đột quỵ, ung thư ruột kết, gãy xương hông… trong những giai đoạn sau này của cuộc đời.
Ngoài ra, sữa bò tươi cũng cung cấp chất đạm cho tăng trưởng, cũng như carbohydrate – năng lượng mà bé cần để chập chững cả ngày.
Bé nên uống bao nhiêu sữa tươi thì đủ?
Theo Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP), hầu hết trẻ em sẽ nhận được đủ lượng canxi và vitamin D nếu uống 300-400ml (khoảng 2 ly) sữa bò mỗi ngày. Không nên cho bé uống nhiều hơn 3 ly sữa mỗi ngày vì con bạn có thể không ăn thêm được các thực phẩm giàu dưỡng chất khác. Nếu bé vẫn còn khát thì nên cho bé uống nước thay vì cho uống sữa.
Cho trẻ uống sữa quá nhiều có thể là nguyên nhân làm trẻ luôn có cảm giác no, dẫn đến tình trạng biếng ăn. Ảnh: Getty images 
Một số bà mẹ vẫn tiếp tục cho bé bú mẹ khi bé trên 1 tuổi, việc này có thể cung cấp thêm cho bé một số kháng thể giúp bé chống lại một số bệnh nhiễm khuẩn sau này. Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây cho thấy nếu bé bú mẹ lâu quá sau 1 tuổi thì cũng có thể có nguy cơ bị thiếu sắt.
Cho trẻ uống sữa quá nhiều có thể là nguyên nhân làm trẻ luôn có cảm giác no, dẫn đến tình trạng biếng ăn. Ảnh: Getty images
Nên cho bé uống sữa béo hay sữa không béo?
Trong hầu hết các trường hợp, AAP khuyến cáo nên cho trẻ 1 tuổi uống sữa nguyên kem. Trẻ em ở độ tuổi này cần hàm lượng chất béo cao để duy trì tăng cân bình thường và giúp cơ thể hấp thụ vitamin A và D. Sau khi con bạn lên 2, bạn có thể quyết định cho bé uống sữa ít béo hoặc không béo, miễn sao bé vẫn phát triển tốt.
Trường hợp ngoại lệ: Nếu con bạn đang thừa cân, béo phì, gia đình có tiền sử bị béo phì, cholesterol cao hoặc bệnh tim mạch, bác sĩ có thể đề nghị cho bé uống sữa ít béo ngay sau khi bé 1 tuổi.
Làm thế nào khi bé không thích uống sữa bò tươi?
Vì mỗi loại sữa đều khác nhau về kết cấu, hương vị, và thậm chí cả nhiệt độ (so với sữa mẹ) nên một số đứa trẻ gặp phải khó khăn trong việc chuyển đổi loại sữa.
Bạn hãy thử trộn sữa với một ít sữa mẹ hoặc sữa bột bé đang uống (tỉ lệ: một phần sữa với ba phần sữa bình thường của bé), sau đó từ từ điều chỉnh tỷ lệ cho đến khi bé uống được 100% sữa tươi. Có thể cho bé uống sữa “pha trộn” này ở nhiệt độ phòng.
Đáp ứng yêu cầu tối thiểu 2 ly mỗi ngày có thể là một thách thức nếu con bạn không thích sữa cho lắm, nhưng thật ra có rất nhiều cách để đưa sữa vào chế độ ăn uống của bé: thêm sữa vào ngũ cốc của con; cho bé ăn thêm sữa chua, phô mai, bánh, váng sữa; làm món súp với sữa thay vì nước; thêm nước sốt làm từ sữa lên món ăn của bé…
Tôi có nên mua sữa chưa tiệt trùng từ trại chăn nuôi?
AAP cảnh báo: sữa “thô” hoặc sữa chưa được tiệt trùng, thanh trùng có thể chứa vi khuẩn có hại hoặc ký sinh trùng gây bệnh nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong cho trẻ.
Bé có thể bị dị ứng sữa?
Dị ứng với sữa bò tương đối phổ biến ở trẻ, theo AAP, có khoảng 2-3% trẻ em bị dị ứng với sữa. (Phụ huynh nên lưu ý: dị ứng sữa khác với không dung nạp lactose).
Nếu bé đã uống sữa công thức trong thời kỳ nhũ nhi mà không gặp bất kỳ vấn đề gì, bạn có thể yên tâm rằng bé cũng sẽ không gặp vấn đề khi chuyển sang uống sữa bò tươi. Ngay cả những em bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong năm đầu tiên cũng thường đã được tiếp xúc với protein từ sữa bò thông qua mẹ (trừ khi mẹ của bé không uống bổ sung bất kỳ loại sữa nào!).
Các triệu chứng chính của dị ứng sữa là có máu trong phân, tiêu chảy và nôn mửa. Nếu con bạn bị bệnh chàm, hay nổi mề đay, phát ban xung quanh miệng và cằm, nghẹt mũi mạn tính, chảy nước mũi, ho, thở khò khè, hoặc khó thở… cũng có thể là dấu hiệu cho thấy hệ thống hô hấp của bé bị ảnh hưởng bởi dị ứng sữa. Nếu bé của bạn gia tăng các triệu chứng này, hãy nói chuyện với bác sĩ của bé.
Nếu con thực sự bị dị ứng với sữa bò, bạn cần phải cẩn thận để tránh cho bé ăn những loại thực phẩm có chứa sữa bò như phô mai, sữa đặc, kem, sữa chua, bơ…
Nếu bé không thể ăn bất kỳ sản phẩm nào từ sữa vì bé bị dị ứng, hoặc nếu gia đình có truyền thống ăn chay?
Nếu con của bạn không thể hấp thụ đủ canxi và vitamin D có trong sữa và các sản phẩm từ sữa khác, bạn có thể đưa bé đi khám để bác sĩ nhi khoa tư vấn bạn cho bé ăn chế độ khác, hoặc bác sĩ có thể sẽ đề nghị cho bé một lượng can-xi hoặc vitamin D bổ sung.
Theo webtretho