Chỉ cần pha vào nước, ngâm trái cây qua đêm là sáng hôm sau đã có một mẻ trái cây chín đều, vàng ruộm. Loại hóa chất cực độc này vẫn được các thương lái ngấm ngầm sử dụng, đe dọa sức khoẻ người dùng.
Thuốc "thần" cho quả ngon, đẹp
Chỉ với một lọ hóa chất nhỏ, giá khoảng 2.000đ nhập từ Trung Quốc cộng với vài chục lít nước lã, một số chủ vựa chuối đã có thể thúc chín được 70 nải chuối với công nghệ vô cùng đơn giản là tắm chuối qua hóa chất. Qua ngày hôm sau, những nải chuối này đã chín vàng đều và loại chuối chín siêu tốc được đem bán khắp nơi. Vừa qua ở Quảng Ngãi cũng bắt quả tang được chủ vựa chuối sử dụng loại thuốc "tắm" cho chuối để giữ tươi và xanh lâu.
Chủ vựa này cũng khai hóa chất được chuyển về từ Trung Quốc, không biết đó là thuốc gì. Một số thương lái thu mua mít, sầu riêng ở khu vực miền Tây, Đồng Nai và Đăk Lăk cũng sử dụng loại hóa chất (lại cũng mua từ Trung Quốc) để giúp cho trái cây chín đồng loạt một lượt, trông rất bắt mắt và dễ dàng tăng giá bán.
PGS.TS Trịnh Lê Hùng, Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, loại hóa chất mà các thương lái sử dụng để thúc chín trái cây mà các phương tiện truyền thông phán ánh là loại hóa chất cực độc không được sử dụng trong thực phẩm. Loại bột này có nguồn gốc từ chất ethrel, được phép sử dụng trên rau quả ở châu Âu, Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, hàm lượng cho phép sử dụng và nguồn gốc của thuốc được quy định rất nghiêm ngặt, trong khi ở Việt Nam, chúng được sử dụng bừa bãi không có sự kiểm soát. Không chỉ tắm hóa chất cho trái, nhiều nơi còn dùng hóa chất bơm trực tiếp vào trong quả mít làm chúng chín nhanh hơn, múi mít nở to, vàng đều và thậm chí dậy mùi thơm. Thực tế đã có những trường hợp vừa ăn vào đã nôn mửa.
|
Ảnh minh họa. |
Phân biệt trái cây chín bằng thuốc độc
TS Trần Kim Anh, Viện Nghiên cứu Rau quả cho rằng, người mua thường rất khó phát hiện trái cây chín theo kiểu bị ngâm tẩm hóa chất. Ngoài vỏ, trái cây rõ là đã chín, khi bổ ra, múi sầu riêng cũng vàng ươm, những múi mít cũng chín vàng. Chỉ khi ăn mới phát hiện ra là nhiều khi vỏ chuối chín mà trong thì vẫn còn nhựa, múi mít thì bị sượng, có trường hợp ăn xong đau bụng, hoa mắt chóng mặt.
Để chọn được trái cây "sạch", người tiêu dùng có thể dùng các kinh nghiệm như chuối chín tự nhiên thì vỏ căng tròn, các góc không gồ lên, màu vàng của vỏ chuối sậm hơn, xỉn hơn chứ không vàng tươi rói, chuối có mùi thơm tự nhiên. Trên lớp vỏ vàng sậm có những chấm đen, nâu như tàn nhang (chuối trứng cuốc). Nếu chuối chín kỹ tự nhiên có thể có những vệt thâm đen sẫm màu. Trong khi chuối tắm qua hóa chất, 10 trái chín vàng đều như một thì với chuối chín tự nhiên, có trái chín trước, có trái chín sau, không chín cùng một lúc. Chuối chín cây sẽ chín từ từ, có khi cuống vẫn màu xanh. Chuối có hóa chất cả trái lẫn cuống đều vàng ruộm.
Trước kia, có người phân biệt mít chín ép thông qua xơ mít màu trắng, trong khi múi mít đã chín. Nhưng nay có loại thuốc làm cả múi và xơ mít đều vàng ươm, bởi vậy cách nhận biết này không còn "hiệu nghiệm" nữa. Có thể nhận biết mít "sạch" thông qua quan sát bề ngoài trái mít. Đó là quả mít căng, các gai mít nở to. Khi bổ ra, các múi mít nở to, vàng đều, mùi và vị thơm ngọt.
Đối với sầu riêng, nếu chín tự nhiên có mùi thơm nồng, chỉ cần tách nhẹ dưới đít trái là vỏ sẽ nứt ra theo từng múi. Sầu riêng chín ép rất khó tách vỏ từ phần đít, nên người bán loại sầu riêng này thường tách vỏ từ phần giữa trái. Múi sầu riêng chín ép thường sượng, nhạt, thậm chí không ăn được.
Để thúc chín nhanh như vậy thì thành phần của nó sẽ chứa asen và các tạp chất phốt pho. Loại hóa chất này khi đã ngấm vào chuối sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ người tiêu dùng, khiến họ ăn chuối xong sẽ thấy nôn nao, khó chịu, nặng hơn là ngộ độc, gây sẩy thai, nhiễm độc gan, tổn thương thượng thận, nghiêm trọng hơn là mất trí nhớ, rất nguy hiểm.
PGS.TS Trịnh Lê Hùng
Bảo Khánh