Chữa bệnh bằng… Google, đùa giỡn với tử thần

Google News

Việc quá tin tưởng và tìm kiếm thông tin, chẩn bệnh từ Google của nhiều người chẳng khác nào đem sinh mạng đùa giỡn với tử thần.

Không chỉ có thói quen dùng thuốc không theo đơn, sử dụng kháng sinh bừa bãi, nhiều người Việt cũng ngày càng tin tưởng thái quá vào Google, thậm chí sử dụng đơn thuốc, chẩn bệnh từ Google.
Chua benh bang… Google, dua gion voi tu than
Nhiều người đang tin theo những đơn thuốc, chẩn bệnh tìm được từ Google. 
Tin vào đơn thuốc từ Google
Nhiều bà mẹ có con còi cọc, biếng ăn đã không ngần ngại tìm kiếm thông tin về những loại thuốc bổ trên Google, trên các hội nhóm dành cho những bà mẹ bỉm sữa và cũng chẳng cần tư vấn của bác sĩ, họ đã tự ra các nhà thuốc hay địa chỉ được giới thiệu để mua thuốc cho con uống. Nhưng chẳng phải thuốc nào cũng có thể cho uống tùy tiện, thuốc hợp với “con người ta” không có nghĩa các bà mẹ có thể đem cho con mình uống thoải mái bởi có thể thể trạng của trẻ bị dị ứng với những thành phần của thuốc hoặc uống quá liều do không có sự tham khám cũng như chỉ dẫn của bác sĩ. Tệ hơn nữa, nhiều phụ huynh còn thoải mái sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, đem lại vô số tác hại cho trẻ.
Chẳng hạn: Thuốc cam vốn được khá nhiều phụ huynh tin dùng để giúp trẻ hay ăn, mau lớn. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều vụ ngộ độc chì nặng do sử dụng thuốc cam không rõ nguồn gốc đã khiến nhiều bà mẹ giật mình. Hầu hết thuốc cam đều do các ông lang, bà lang vườn bào chế với nguyên liệu không rõ ràng và không được cấp phép lưu hành. Trong đó có khá nhiều loại thuốc cam chứa hàm lượng chì rất cao. Việc sử dụng lâu dài có thể ảnh hưởng đến trí não và sự phát triển bình thường của trẻ nhỏ.
Tương tự, những câu hỏi về bệnh của con trẻ xuất hiện trên các diễn đàn và nhận được cả tá tư vấn đơn thuốc, loại thuốc, cách chữa mẹo… từ các ông bố, bà mẹ bỉm sữa không chuyên. Tỷ như: bé nhà em bị ho uống thuốc mãi không khỏi, thi thoảng sốt nhẹ, nhưng không sụt sịt”. Tức thì nhận được nhiều chia sẻ của các bà mẹ về việc dùng các loại lá để giảm sốt, các mẹo trị ho, thậm chí có người còn hồn nhiên chẩn bệnh và chụp cả ảnh đơn thuốc để người hỏi làm theo.
Không chỉ tin vào mẹo chữa bệnh, nhiều người có thói quen khi con hay người trong gia đình bị bệnh bèn tìm các dấu hiệu bệnh qua Google để tự chẩn bệnh ra hiệu thuốc mua thuốc về uống mà không đi khám bác sĩ. Điều này khiến việc sử dụng các loại thuốc không kê đơn, thuốc kháng sinh bừa bãi trở nên phổ biến hơn. Thêm đó, do không được chẩn bệnh kỹ càng, nên nhiều người càng uống thuốc càng ốm nặng mới tìm đến bệnh viện thì đã khá muộn khiến không chỉ gây hậu quả xấu cho sức khỏe mà còn làm cho việc khám chữa bệnh trở nên tốn kém hơn.
Tùng, 23 tuổi, thấy có biểu hiện ho, sốt, đau người nghĩ là cảm cúm nên tìm thông tin trên mạng rồi tự mua kháng sinh, giảm ho về uống. Tuy nhiên, sau vài ngày, bệnh càng nặng thêm, thậm chí người lả đi. Khi vào viện, bác sĩ chẩn đoán Tùng bị sốt xuất huyết. Nhưng do dùng kháng sinh, nên đã bị “chạy vào trong” xuất huyết nội tạng. Phải nằm viện cả tháng, nhiều lúc tưởng không qua khỏi. Sau vụ thập tử nhất sinh này, Tùng đã có bài học nhớ đời.
Làm đẹp, uống thuốc bổ cũng theo chỉ dẫn trên mạng
Nhiều bạn nữ khi bị mụn ở mặt, lưng đã tìm kiếm thông tin trên Google về cách chữa trị và không ít người đã gặp rắc rối to bởi những công thức, chia sẻ trên mạng này. Tin vào loại thuốc trị mụn được khá nhiều người quảng cáo, phản hồi là dùng tốt Diệu đã mua một lọ về dùng thử. Trong hai tháng đầu da mịn và sạch mụn hơn. Tuy nhiên, da cũng bị bào mỏng, nhìn thấy cả mạch máu và yếu đi trông thấy. Khi cô vừa ngưng dùng, thì mụn lại mọc lên tua tủa và nghiêm trọng hơn ban đầu. Đến khi tìm kiếm thêm thông tin, Diệu mới giật mình khi biết loại kem bôi lên mặt chỉ là kem trộn, chưa nhiều corticoid và gây hại nặng cho da.
Thêm đó, khá nhiều phái đẹp cũng vô tư tìm kiếm thông tin về những loại thuốc bổ, vitamin… từ trên mạng rồi đặt mua về uống, không theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, dù thuốc bổ đến mấy, nếu dùng không đúng cách có thể rước họa vào thân.
Thêm đó, nhiều mẹ bỉm sữa đang tự tiện đặt mua nhiều loại thuốc bổ sung can xi, vitamin tổng hợp giúp tăng cường làm đẹp da, tránh loãng xương, chống lão hóa… Tuy nhiên, hầu như chỉ nghe theo những lời quảng cáo có cánh mà quên mất thành phần, liều lượng của thuốc. Chị Hạnh, ở Cầu Giấy đã từng khốn khổ khi có nguy cơ sỏi thận bởi uống quá nhiều thuốc bổ sung can xi trong thời gian dài.
Hiện tại, lời khuyên sử dụng vitamin C giúp đẹp da hay chữa bệnh khi bị cảm cúm đã bị nhiều bác sĩ cảnh báo có thể gây hại cho cơ thể nếu lượng vitamin nạp vào quá lớn. Nhu cầu khuyến cáo cung cấp vitamin C hàng ngày cho cơ thể chỉ là 60mg (viên vitamin C 1g là quá nhiều). Dùng vitamin C liều cao (quá 1g/ngày) có nguy cơ bị tiêu chảy, loét đường tiêu hoá (nếu uống vào lúc bụng trống), sỏi thận oxalat, tiêu chảy, rối loạn tiêu hoá, giảm độ bền hồng cầu. Tương tự, các loại vitamin A, D đều cần cho cơ thể nhưng, song thừa cũng sẽ gây ra những tác hại khôn lường.
Mời quý độc giả xem video:
Theo Sống Mới