Cụ Lê Thi trú tịa phố Xa La (phường Phúc La, quận Hà Đông, TP Hà Nội) tâm sự.
Bộ trưởng tặng bằng khen
Cụ Thi cho biết, quê gốc cụ ở xứ Thanh. Bố mẹ cụ sinh được 11 anh em, nhưng chỉ có mấy anh em trai được đi học, còn các cô con gái phải ở nhà chăm lo ruộng đồng. Vì thế, cụ chưa bao giờ được cắp cặp tới trường, nhiều năm trời không biết chữ nghĩa. Cụ biết đọc, biết viết nhờ học lỏm của đám bạn gần nhà. Khi đi chăn trâu, cắt cỏ cụ thấy họ viết cũng viết theo, dần dần ê, a biết đọc biết viết. Những năm 70 của thế kỷ trước, vợ chồng người con trai đón cụ ra Hà Nội sinh sống. Hằng ngày để mưu sinh, đỡ đần cho con cái, cụ làm bánh cuốn để bán. Vài năm sau cuộc sống gia đình ổn định, cụ ở nhà trông nôm cháu cho con đi làm. Chính khoảng thời gian này, cụ phát lộ khả năng vẽ tranh của mình.
“Năm 1982 tôi dạy cho cháu trai 3 tuổi học bài. Ngày đó, sách học chưa bán rộng rãi, học sinh phải mượn sách nhà trường về gia đình chép lại để học bài. Trong sách, ngoài chữ còn có hình vẽ minh họa như các con vật, các cháu học bài, khung cảnh làng quê. Vì thế, tôi vừa viết chữ, vừa vẽ tranh dạy cho cháu học. Tôi không ngờ mình vẽ giống các hình trong sách như vậy. Nhiều bức tôi vẽ còn đẹp hơn hình mẫu. Chính tôi cũng ngạc nhiên với khả năng hội họa của mình. Từ xưa đến giờ tôi có biết vẽ là gì đâu. Thấy tôi vẽ đẹp, các cô giáo mầm non nhờ tôi vẽ các hình ảnh lớn, để phục vụ công tác giảng bài cho các cháu”, cụ Thi kể.
|
Ngôi nhà sàn, nơi cụ Thi ở và sáng tác hội họa. |
Ban đầu, mỗi năm cụ vẽ vài bức chơi, sau này khi cuộc sống gia đình ổn định, cụ không phải đi bán bánh kiếm sống nữa mà tập trung vào sở thích hội họa của mình. Cụ đến nhiều vùng quê, vẽ về phong cảnh. Điều đặc biệt là cụ vẽ hàng nghìn bức, nhưng không bức nào giống nhau. Mỗi tác phẩm toát lên một vẻ đẹp một cảm hứng khác nhau. Điều đó có lẽ là điều bình thường đối với một nghệ sĩ hội họa được ăn học bài bản, nhưng đối với cụ một người chưa từng được học chữ ngày nào thì quả là hiếm thấy.
“Năm 1997, có một nhà báo tình cờ biết tôi hay vẽ tranh, anh ta hỏi chuyện và viết bài đăng lên Báo Nhân Dân. Sau đó, Bộ trưởng Văn hóa - Thông tin Nguyễn Khoa Điềm đọc được và cử các cơ quan chức năng Hà Tây cũ, đến nhà xem những bức tranh tôi vẽ, họ kiểm kê, ghi chép đánh giá để báo cáo Bộ trưởng. Cũng trong năm đó, lãnh đạo Bộ Văn hóa trực tiếp đến thăm hỏi, xem những bức tranh tôi vẽ. Họ đánh giá cao tính nghệ thuật qua mỗi bức họa, động viên tôi phát huy hơn nữa khả năng của mình”, cụ Thi kể.
Vụ Mỹ thuật mượn 500 bức tranh cụ vẽ để mang đi đánh giá, thẩm định. Sau lần thẩm định đó, tin vui đến với cụ Thi, khi chính quyền thông báo cụ được Bộ Văn hóa tặng bằng khen.
|
Cụ Thi hoàn thành bức họa khai xuân. |
Gần 20 năm trôi qua, nhưng cụ Thi vẫn còn nhớ như in, khoảnh khắc cụ được đích thân Bộ trưởng Văn hóa - Thông tin, cùng nhiều ban ngành đến tận nhà tặng bằng khen.
Cụ nhớ lại: “Chính quyền thông báo ngày 2/9/1997 đoàn của Bộ trưởng sẽ về trao bằng khen. Mọi người chuẩn bị công tác đón tiếp Bộ trưởng một cách trang trọng. Nhưng đến ngày đó trời mưa như trút nước. Nhiều người nghĩ, có thể kế hoạch đến trao bằng cho tôi bị gián đoạn thì 7 chiếc xe ô tô của Bộ đến. Bộ trưởng trao cho tôi bằng khen và nhiều quà lưu niệm khác. Tôi thực sự rất cảm động, đôi mắt cứ rưng rưng. Không ngờ, những bức tranh tôi vẽ ra được ngành Văn hóa đánh giá cao như vậy. Tôi không biết nói gì hơn, ngoài sự cảm ơn đến các đồng chí lãnh đạo Bộ Văn hóa đã quan tâm, ủng hộ niềm đam mê của tôi”.
Cụ Thi bảo, hơn 30 năm vẽ tranh, với hàng nghìn bức, nhưng cụ chưa bao giờ bán bức nào. Có bức tranh người ta trả cụ đến cả nghìn đô la, nhưng cụ không bán. Đó là bức tranh cụ vẽ người nông dân, gánh rạ, bên dòng sông và bụi tre làng. Bởi nó là ký ức gắn liền với cuộc sống của cụ trước đây. Do đó, dù thế nào cụ cũng giữ bức tranh đó làm kỷ niệm. Tuy nhiên, cụ cũng dành tặng nhiều bức họa sơn dầu của mình cho những người thực sự tâm đắc, thích thú hội họa. Nhất là những sinh viên mới bước vào con đường hội họa, đến chơi thăm cụ, cụ thường tặng tranh và chỉ bảo cách vẽ.
|
Tranh của cụ Thi mang tính nghệ thuật cao, vì thế được nhiều đơn vị tổ chức triển lãm. (ảnh tự liệu). |
“Hằng ngày tôi vẫn vẽ tranh, khâu vá”
Hôm chúng tôi đến, cụ Thi vẫn đang miệt mài ngồi hoàn thiện nốt bức vẽ đầu tay trong năm mới. Điều lạ là năm nay cụ đã bước sang tuổi 94 nhưng mắt vẫn còn rất sáng, từng nét bút của cụ vẫn còn rất nhanh nhẹn, thanh thoát.
Đặc biệt, cụ Thi thường chú ý tới không gian sáng tác, tạo cảm hứng ra đời những tác phẩm. Vì thế, hàng chục năm trước, cụ đã làm hẳn một ngôi nhà sàn giống người Mường để ở và sáng tác hội họa. Cụ bảo, làm nhà sàn tuy tốn kém một chút, nhưng cụ rất thích thú, hưng phấn khi làm việc.
Cụ Thi cho hay, tuy tuổi cụ cao. Nhưng sức khoẻ của cụ vẫn dẻo dai, đầu óc rất minh mẫn Cụ vẫn có thể tự mình xâu kim, khâu vá quần áo của mình và người thân. Hằng ngày, mỗi khi rảnh rỗi, cụ lại mở máy tính, đọc tin tức, đọc truyện và trao đổi thông tin với người thân ở xa. Đôi tay cụ gõ bàn phím nhoay nhoáy.
|
Ngoài vẽ tranh, hằng ngày cụ có thể khâu vá quần áo và đọc báo trên mạng. |
Nhìn cụ bà sống gần thế kỷ, vẫn làm việc như thanh niên khiến chúng tôi vô cùng ngạc nhiên. Tôi hỏi: “Tự cụ biết mở máy tính hay con cháu dạy cho cụ ạ”. Cụ đáp: “Thấy bọn trẻ vào mạng, tôi cũng học theo. Cái gì mà chưa hiểu thì phải nhờ chúng nó. Giờ tôi chỉ cần ngồi một chỗ biết hết thông tin trong nước và thế giới”.
Nói về bí quyết để có một sức khoẻ dẻo dai cụ Thi bật mí: “Tôi cũng không có bí quyết gì đâu, nhưng có một thói quen được tôi vận hành suốt bao nhiêu năm qua là ăn uống, làm việc, sinh hoạt điều độ. Tôi ăn, ngủ rất đúng giờ. Mỗi tối tôi ngủ trước 10h, sáng 5h tôi dạy tập thể dục. Tôi ăn nhiều thức ăn chứa chất tinh bột. Đặc biệt, tinh thần tôi luôn thoải mái, sảng khoái không bực tức cáu giận”.
Sống ở đất Thủ đô, nhưng thật hiếm có gia đình nào vẫn giữ được khung cảnh đậm chất quê như nơi cụ sinh sống. Trong vườn của gia đình cụ vẫn trồng tới 3 giàn trầu, bên cạnh là hàng cau thẳng tắp. Cụ bảo, đó là hồn cốt của làng quê. Vì thế, cụ vẫn nhắc nhở con cháu, dù sinh sống ở thành phố nhưng phải giữ gìn giá trị cũ.
Đức Lợi